Đóng góp vào văn minh Trung Quốc không phải chỉ có người Hoa, mà còn có những tộc người khác. Về nguồn gốc của mọi thứ ở Trung Quốc xưa, ta cần xét kỹ lại chứ không nên để người Hoa nhận hết về mình. (TT)



“Triết lý âm dương”

Nguyễn Hiến Lê




Âm dương bao trùm cả (...) không vật gì hữu hình hay vô hình trong vũ trụ mà không có âm dương: giống đực giống cái, rỗng đặc, thịnh suy, thăng giáng, thu tán, thiện ác, tốt xấu, quân tử tiểu nhân v.v. đều là âm dương cả. (tr. 135)

“Trong dương có âm, trong âm có dương” (...) nghĩa là hiện tượng nào cũng chứa sẵn mầm tự hủy của nó. (tr. 137)

Sự thành của dương là sự hủy của âm và ngược lại, sự thành của âm là sự hủy của dương. (tr. 139)

Âm dương tuy (...) trái ngược nhau đấy, nhưng không tương khắc như nước với lửa, mà (...) gặp nhau, xô đẩy nhau, thay thế nhau - như ánh sáng và bóng tối, như nóng và lạnh. (tr. 139)

Không những vậy, âm dương còn tương thành nữa. Chúng tương thành vì chúng bổ túc nhau: ngày sáng để vạn vật sinh hoạt, đêm tối để vạn vật nghỉ ngơi, hè nóng để vạn vật phát triển, đông lạnh để vạn vật gom lại sức. Tương thành còn vì một lẽ nữa: nếu cái nọ diệt cái kia thì không cái nào còn cả. Không còn âm thì cũng không còn dương, không còn dương thì làm sao có âm, mà vũ trụ, vạn vật cũng không có. (tr. 140)

Âm dương còn một tính cách nữa là tương cầu, tương ứng.

Có tương cầu, tương ứng thì mới gặp nhau, giao nhau mà sinh ra vạn vật (tr. 141)

Tóm lại, âm dương tuy tính chất tương phản nhưng cũng tương ứng, tương cầu (tìm nhau), tương giao (gặp nhau), có tương giao mới tương thôi (xô đẩy nhau), tương ma (cọ xát nhau), tương thế (thay thế, bổ túc nhau) để tương thành (giúp nhau tự hoàn thành: có cái này thì mới có cái kia, có cái này thì cái kia mới làm tròn được nhiệm vụ của nó trong vũ trụ).

Quan trọng nhất là sự tương giao: giống đực giống cái, cả trời đất nữa (vì trời đất cũng chỉ là âm dương), có giao cảm với nhau rồi mới có vạn vật, vạn vật mới sinh nở biến hóa được. (tr. 142)

Muốn giao nhau thì cả dương lẫn âm đều phải động. (tr. 142)

Dương hiếu động hơn tĩnh (...) âm hiếu tĩnh hơn động (tr. 143)

Âm dương đều có thể động, có thể tĩnh. (tr. 143)

Âm dương thay lẫn nhau, cứ một cái tiến thì một cái lùi, một cái lùi thì một cái tiến. Biến hóa chỉ là sự tiến lui của âm dương thôi. (tr. 148)


(Nguyễn Hiến Lê,
Kinh Dịch - đạo của người quân tử)