Đoàn Tiến Lực, “Ngày xưa ốc dạ, cua ngôm…”



Thức dậy bằng những tiếng mưa rơi lộp bộp, tiếng sấm ì ùng, bằng những tia chớp sáng loè nhoè trong mưa, và những kí ức của ngày xưa...

Ngày ấy, những hôm nửa đêm về sáng, trời mưa và đến sáng thì chỉ còn lây phây những hạt mưa nhỏ không đủ làm ướt áo những đứa trẻ nhà quê dạn mưa dạn nắng.

Lũ trẻ chúng tôi lại ùa ra đồng để bắt ốc dạ. Trông chúng tôi như đi chơi bởi bắt ốc dạ không cần dụng cụ gì. Chỉ cần một chiếc túi để đựng. Mà ngày ấy không có nhiều loại túi như bây giờ, chiếc túi mang theo có khi là chính chiếc xà đùi của mẹ, của chị được buộc thắt một đầu.

Ra đến đồng, cánh đồng sau mưa trắng băng toàn những nước. Những thửa ruộng lúa đã gặt bị nước mưa xoá tràn những bờ ngăn nên trông xa về phía trước thấy mênh mông như biển.

Trên cánh đồng mênh mông ấy, dáng những đứa trẻ quê loáng thoáng nhỏ bé. Những bàn chân bước nhẹ, những bàn tay nhón xuống nhặt từng chú ốc dạ cho vào túi. Chẳng mấy chốc túi đã đầy. Có đứa ham còn cởi cả quần dài thắt dưới hai ống để đựng ốc.

Ốc bắt về đem thả vào xô vào chậu ăn dần hoặc đem cho ông bà chú bác chứ chẳng mấy khi đem bán. Nhiều nên không đắt mà! Ngày ấy, những con ốc vặn, ốc đá (mà bây giờ đắt hàng ở những quán ốc nóng trên thành phố) không mấy ai bắt vì nhỏ, khi bắt cũng lâu, khi khêu để nấu làm thức ăn cũng lâu.

Lũ trẻ chúng tôi ham đi bắt ốc đến lạ! Chiều tối hôm trước đã nhắt nhỉ hẹn nhau sáng mai đứa nào dậy sớm thì sang nhà gọi. Đến tối về lại nài nỉ bố mẹ đồng ý cho đi. Được đi thì háo hức có khi ngủ không yên giấc cả đêm. Thỉnh thoảng lại giật mình bật dậy, ngỡ đã muộn mất rồi. Không được bố mẹ cho đi thì hậm hực tiếc nuối rồi dằn dỗi không yên.

Mùa bắt ốc dạ chỉ kéo dài độ mươi ngày. Sau khi lúa đã gặt hết, các thửa ruộng lại được cày, bừa để chuẩn bị cho vụ lúa mới. Nhưng đám trẻ chúng tôi cũng không “thất nghiệp ‘ vì hết mùa bắt ốc lại đến mùa bắt cua.

Cái nắng hè gay gắt và oi ả. Cái nắng hè làm nước “nóng như ai nấu”. Và khi ấy, chúng tôi lại ùa ra đồng bắt cua. Ngày ấy cua cũng nhiều lắm! Những lô ruộng đã được máy lồng san phẳng, thỉnh thoảng nhô lên những hòn đất bùn. Những chú cua vì nước nóng quá, bò lên đó để tránh nóng và... ngắm mây trời. Chúng tôi chỉ việc nhón chân bước tới nhặt lên cho vào giỏ hoặc túi. Có những chú cua thấy động vội bò xuống nước lẩn trốn nhưng chỉ một lúc sau không chịu được nước nóng lại bò lên ngoan ngoãn nộp mình.

Rồi dần dần dọc theo tít tắp lô ruộng, những thửa ruộng màu xanh của mạ non hình thành chiếm dần, chiếm dần đến hết cả. Khi ấy cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn chưa hết, nước vẫn nóng và chúng tôi vẫn ra đồng bắt cua. Chỉ khác, chúng tôi bắt cua ở rìa bờ ruộng. Những chú cua lúc này ẩn mình trong cỏ bờ ruộng chui trong lỗ. Chỗ nào cỏ rậm, chỉ việc vạch cỏ ra là có thể thấy vài ba chú cua đang ẩn mình. Cũng có con vội chạy xuống nước nhưng sao thoát được khỏi tay đám trẻ con nhà quê thạo nghề chúng tôi.

Chỗ nào ít cỏ, chúng tôi lại tìm cua trong lỗ. Đứa nào nhút nhát thì cứ việc tìm chỗ cỏ tốt mà bắt thôi vì bắt cua trong lỗ dễ cua không thấy đâu lại thấy rắn thì hết hồn. Còn đứa nào tợn hơn, bắt cua trong lỗ dễ bắt được cua to, cua càng hơn. Cũng có đứa tuy nhát sợ nhưng nhìn thấy thằng bạn móc được trong lỗ ra con cua to vàng béo ngậy thì ham cũng thọc tay vào lỗ, cua đâu chẳng thấy, chỉ thấy con gì trườn trườn như con lươn mà da ram ráp, giật mình rút vội tay ra, hét toáng lên… ră... rắn...

Cua bắt về cũng có khi đem bán. Có đứa vừa mang cua lên đến đầu bờ, gặp người đi làm đồng thấy mớ cua ngon muốn mua là bán luôn.

Người quê tôi, đến mùa cua thường nấu canh cua với rau đay, rau mùng tơi và nếu sẵn vườn nhà thì có thể có thêm quả mướp hương. Cua được bắt mang về, đem rửa sạch, bỏ yếm, bóc mai, khêu gạch. Phần thân cua rửa lại lần nữa cho sạch để ráo nước rồi cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó, lọc lấy nước. Phải lọc đi lọc lại hai ba lần kẻo có lẫn một chút bã cua thì canh ăn sẽ không ngon. Bọn trẻ con nhà quê chúng tôi ngày ấy thích bắt cua nhưng ngại làm cua lắm. Nhất là khi giã cua, thịt cua nát ra, bắn tung tóe lên người, có khi bắn cả vào mắt ấy chứ.

Bữa cơm ngày ấy thường món chính là món canh. Có thêm thì là một vài quả cà hay vài ba miếng đậu phụ. Thế mà cũng thành bữa cơm no. Ngày ấy, cuộc sống giản dị từ trong cách ăn, cách uống.

*

- Ôngơi! Giúp tôi bỏ cua ra chậu này.

Tôi giật mình, ngắt dòng miên man kí ức xưa cũ...

- Bà mua cua đấy à?

- Ấy, ông nhẹ tay thôi!

- Làm gì mà bà xót xa thế ?!

- Lại chả xót hả ông?! Ngày xưa, bọn thằng Long, thằng Hùng nhà mình chỉ ra đồng một loáng là có cả nồi cua. Giờ cua bán lạng, bán cân, mà đắt gớm ông ạ! Ông biết chỗ này bao nhiêu tiền không?

- Thì chắc khoảng mươi mười lăm ngàn gì đấy!

- Đúng là ông chẳng bao giờ đi chợ! Năm mươi ngàn đấy ông ạ!

- Thế cơ à? Thế nhưng bà mua cua đãi con trai cưng mà sao than đắt than rẻ thế?

- Ông này chỉ đổ tiếng ác cho tôi. Tôi có than gì đâu! Là nói chuyện thế. Chuyện của người đi chợ ấy mà. Vả lại mình vốn cũng người nhà quê, từng ăn để sống bằng con cua, con ốc mà bây giờ thấy thay đổi quá. Bây giờ mà sống bằng ăn cua, ăn ốc thì chắc phải đại gia ông ạ!

- Ô, thế hóa ra ngày xưa mình là đại gia mà không biết.

- Cái ông này! Không nói chuyện với ông nữa.

Tôi nằm trong giường bật cười khi nghe chuyện của bố mẹ. Tôi góp thêm:

- A, thế hôm nay mẹ cho bố con con làm đại gia ạ?

Mẹ tôi cười:

- Bố anh! Dậy đánh răng, rửa mặt, rồi ăn sáng đi! Bữa sáng anh cứ là người nhà quê với bún ốc của thím Liên đầu ngõ rồi bữa trưa tôi mời đại gia bố và đại gia con ăn canh cua với cà pháo!

- Vâng ạ!

Tôi nhẹ lòng bước ra khỏi giường. Thời tiết sáng nay thật dễ chịu. Sau mưa đêm mà. Nhưng mưa thế này, ngày mai chắc là nắng to lắm. Không biết bây giờ, ở quê người ta còn bắt ốc dạ, cua ngôm không?!


(Nguồn: trang
vietvan.vn)