Vậy đó. Dù người viết thuộc đảng phái nào thì tác phẩm viết ra cũng không tả khác. Thiểu số nhỏ sướng, đại đa số khổ, và càng ngày càng như thế. Nỗi căm hờn của đông đảo nhân dân mạnh như dòng nước lũ, đang chờ được vận dụng để đánh vỡ tan toàn bộ thứ đê che chở cho một thực trạng xã hội hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Dĩ nhiên dù dân không khổ thì vẫn phải cố hết sức đánh đuổi giặc ra khi thời cơ đến. Tổ tiên ta mở nước, xây văn hóa, không phải để cho kẻ nào đến cai trị, xô đổ văn hóa ta thay bằng văn hóa nó!

(Dân không khổ, khó động viên. Giặc làm dân khổ là giặc dễ đánh!)

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (4)



Nơi dinh cơ nhà nghị Khanh, mấy chục năm về trước cũng là bãi lau rậm hoang vu, bùn thụt đến bụng, chỉ có muỗi đói ở. Vào khoảng những năm 191..., dân nghèo thiếu đất cày ở mấy làng chung quanh bắt đầu đến đốt cỏ và đào mương, lập nên một xóm nhỏ hơn chục nóc nhà, gọi là xóm Đuổi.

Nghị Khanh trước kia gọi là hai Khanh. Nó là con lão cửu Hoạt người làng Gành. Thời trẻ, hai Khanh người trắng trẻo, đẹp trai, đã nổi tiếng tay chơi khắp một vùng. Cái cơ nghiệp của lão cửu để lại, cậu hai chẳng bao lâu đã đem nướng gần hết trên những chiếu xóc đĩa, hoặc trong những trận trác táng tại nhà cô đầu. Song cũng do chơi bời mà hai Khanh làm nên. Nhờ manh mối giao du rộng, nó được vợ ba một viên tri phủ gả con gái cho. Cô Đạt, con bà phủ ba, hơn hai Khanh đến sáu tuổi, cô nổi tiếng vừa xấu vừa khó tính, nhưng cô đem về nhà chồng một món hồi môn hơn ba chục mẫu ruộng. Lấy vợ rồi, hai Khanh tu chí, lo chuyện làm ăn. Năm ấy, khắp các tỉnh bắt đầu mộ hàng vạn phu đi cao-su Nam kỳ và Tân thế giới. Hai Khanh nhờ thế lực bố mẹ vợ xin được đứng thầu lại của một lão chủ Tây việc mộ phu ở mấy huyện tỉnh B... Sẵn có nghề gá bạc cũ, Khanh gọi một bọn tay chơi về các làng mở sòng xóc đĩa đánh suốt tháng này sang tháng khác. Không biết bao người bấy giờ bị trắng tay vì cơn đỏ đen sấp ngửa, đã phải đến xin lăn tay lên cái giao kèo đi phu năm năm. Nộp mỗi người phu cho công-ty cao-su, lão chủ thầu Tây cho Khanh một đồng rưỡi “hoa hồng”, ngoài ra mỗi người phu được công-ty cho vay công năm đồng bạc, Khanh lại khấu đi dăm hào, một đồng nữa. Chưa đầy hai năm, Khanh đã có bạc vạn.

Vợ chồng hai Khanh đã để ý dòm cái xóm Đuổi. Mụ vợ bỏ tiền mua mấy miếng đất và một nếp nhà ở giữa xóm. Rồi “bà chủ” Khanh về đó ở, hôm mới dọn về, mụ mời các cụ bô lão trong xóm đến uống rượu linh đình, và xin bỏ tiền xây một cái cổng gạch cho cả xóm, cụ nào cũng thích. Cũng bắt đầu từ đó, mụ Khanh bỏ tiền cho vay lãi.

Mấy năm ấy chớm nạn kinh tế, thóc gạo sụt giá, rẻ như bèo, đến mùa nhà nông gặt về, bán hết thóc còn chưa đủ tiền nộp thuế thân, thuế ruộng. Tháng ba, ngày tám, đủ mặt những gia đình nghèo đói trong cái xóm Đuổi, kẻ đến “bà chủ” xin vay, người đến “bà chủ” xin khất, mong mùa sau thóc lúa được giá hơn. Không ngờ thóc rẻ càng rẻ mãi, lại thêm lãi mẹ đẻ lãi con, dân xóm cứ theo nhau gán nhà gán đất, bạt ra ngoài bãi sông.

Cuối cùng chỉ còn gia đình bác Mùi và bà cháu anh Mầm. Hai nhà ấy gan, nhất sống nhì chết, liều quyết không đi đâu. Một hôm anh Mầm đi cất vó ngoài sông, ở nhà không hiểu sao bốc cháy. Bà cụ lòa không chạy được cứ sờ soạng gào thét trong đống lửa. Gia đình bác Mùi đổ sang, lôi được bà cụ ra, thì bà đã bỏng khắp người. Hai ba ngày đêm, bà cụ vẫn chưa chết được, cái Xoan cứ quanh quẩn đổ nước cháo cho bà cầm hơi. Khi bà cụ nhắm mắt, Mầm bấm bụng sang mụ Khanh xin bán đất.

Còn nhà bác Mùi, mấy tháng sau, một buổi sáng Tây đoan về khám, bắt được bã rượu lậu ở góc vườn. Bác Mùi bị trói giật cánh khuỷu lôi đi, không kịp dặn dò vợ con. Bác gái đang có chửa vượt mặt phải đến “bà chủ” xin bán nhà và đất. Mụ cười nhạt: “Nhà tao chưa cần chuồng trâu”. Lạy van mãi, mụ bắt phải cho cái Xoan đến ở mới trả bác hai mươi đồng bạc, và cho vay thêm năm đồng vào tiền công của cái Xoan. Bác Mùi gái đem hai đứa con nhỏ ra làm lều ở ngoài bãi sông.

*

Nạn kinh tế vẫn ngày càng trầm trọng. Thóc có lúc còn có hào rưỡi, hào sáu một thùng mà thuế thân cứ hai đồng rưỡi một đầu đinh. Lại còn nạn rượu phông-ten nhà nước bổ về bắt dân phải tiêu thụ, huyện nhỏ thì năm sáu nghìn chai một tháng, huyện to thì tám chín nghìn, một vạn chai. Mỗi vụ thuế, trong các thôn xóm, lính tráng quan nha đổ về như lũ giặc, sân đình, đầu điếm biến thành nơi đánh đập cùm trói để khảo tiền. Ngoài đường ngoài chợ đâu cũng một cảnh những người đàn ông đàn bà nhếch nhác, dắt trâu bò, gồng gánh chậu thau, mâm gỗ, cả đến bát hương cúng ông vải cũng đem bán chạy thuế. Một con trâu đáng hai ba chục bây giờ chỉ được năm sáu đồng. Đến những nhà không còn gì bán nữa thì chỉ còn cách đem con ra chợ hoặc vào các nhà giàu, một đứa trẻ được một đồng, đồng hai bạc.

Ngày nào, ngoài cổng nhà hai Khanh cũng có hàng dãy người chầu chực xin vào “quan chủ” để vay mượn, cầm cố. “Quan” cứ trông giỏ, bỏ thóc, nhằm nhà nào có mảnh ruộng miếng đất mới bỏ tiền cho vay, với lãi cắt cổ. Qua vài vụ thì ruộng đã về tay quan. Mấy năm giời kinh tế ấy, đám dân nghèo chết đói dở, nhiều nhà gọi là khá giả cũng mất nghiệp, ruộng làng Gành, làng Chẩm, làng Táo, làng Chuông, hết miếng này đến miếng khác cứ theo nhau làm to lên mãi cái sản nghiệp của hai Khanh.

Cái xóm Đuổi không còn vết tích gì nữa. Năm hai Khanh trúng nghị viên, nó bắt đầu cho làm nhà mới. Quan nghị sang chơi tận đồn điền Ma-ti (1) xem, rồi về ra kiểu cho kiến trúc sư ở Hà Nội vẽ. Cái nhà thành một mớ vừa rồng phượng kỳ lân, vừa đá hoa bàn cờ, vừa đủ sập gụ, hoành phi, câu đối, vừa có xa-lông, đi-văng ngồi chơi. Phòng tiếp khách và ăn tiệc ở tầng dưới, hai dãy cửa kính chạy dài, những khung cửa kính đều chạm hình con dơi ngậm đồng tiền, bốn phía tường treo kín những bức thêu sặc sỡ, nào là kim kê độc lập, anh hùng tương ngộ, bát tiên quá hải, lại còn đao kiếm bát bảo sơn son thếp vàng. Trên gác thì có phòng gương theo kiểu Tây để uống nước, ăn tiệc, nhảy đầm. Từ ngoài cổng vào, con đường rải sỏi đi qua vườn hoa, có hồ bán nguyệt thả sen, quanh hồ có chuồng nuôi chim, vượn, có cả sân đánh te-nít. Nhà phụ, nhà bếp, nhà kho, nhà chứa ô-tô, nhà trâu, nhà bò, rồi những cây thóc ở vườn sau, tất cả quây kín trong bốn bức tường đá chạy dài sừng sững. Một con đường ô-tô lát gạch dẫn từ đường đê xuống đến cái cổng tam cấp đồ sộ, hai bên trồng phi lao.

Làm xong nhà, vợ chồng nghị Khanh mở tiệc khánh thành. Đèn lồng treo khắp vườn hoa, ô-tô, xe kéo nườm nượp đưa quan khách tới. Người ở và dân ấp lên phục dịch chạy rối như đèn cù. Đến đêm ánh đèn măng-sông thắp lên, sáng khắp trên gác, dưới nhà. Cái đêm đèn sáng đầu tiên ấy, dân mấy làng chung quanh đổ hết cả ra đồng. Dưới gốc đa chùa Gành, trên bãi tha ma, những người đã mất nhà cửa ruộng nương ngồi tụm từng đám nhìn về phía ánh đèn ồn ào những tiếng cười, tiếng kèn hát, tiếng vỗ tay.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)







____________
(1) Vốn là một vùng đồi và ruộng chạy dài mười mấy cây số, bị Tây cắm làm đồn điền trồng cà-phê và nuôi bò.