“Thái Bá Vân nghĩ về mỹ thuật”




Tên sách là Tiếp xúc với nghệ thuật tuy nội dung là tiếp xúc với mỹ thuật.(TBV-1) Vì mỹ thuật nằm trong nghệ thuật nên nhận thức về mỹ thuật ở mức khái quát nhất cũng chính là nhận thức về nghệ thuật. Tranh, tượng, thơ, nhạc v.v. chẳng qua những biểu hiện khác nhau của Đẹp. Tiếp xúc với bất cứ loại nào cũng có thể giúp ta “ngộ” Đẹp!

Tác phẩm này của Thái Bá Vân chứa nhiều nhận thức sâu sắc về nghệ thuật, nhận định đúng đắn về giá trị của nghệ phẩm và một số ý kiến đóng góp vào việc tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam truyền thống. Sau đây xin trích dẫn một số lời.

*

“Tác phẩm nghệ thuật (...) không miêu tả mà nói lên”.

Tranh Phái rõ ràng có Phố... Thì có, nhưng Phái vẽ Phố không phải để tả Phố mà để “nói lên” cái cảm xúc mỹ thuật của mình. Vì mỹ cảm không có hình, nên họa sĩ phải mượn cái gì đó làm “hình” cho nó. Cái hình mượn không cần phải cụ thể: tranh trừu tượng không vẽ cảnh, vật, hay người gì cả. Trong trường hợp đó, “hình” thuần túy là hình thù của mớ sơn mà cọ đã quét lên vải! (Nếu tác phẩm không nói lên mỹ cảm thì dù miêu tả tỉ mỉ đến mức nào cũng không có liên hệ gì với nghệ thuật: chẳng hạn, họa kỹ nghệ.)

“(Làm) nghệ thuật là một hành động vô tư, gần như lơ đãng”.

Vô tư là không nghĩ. Nghệ thuật không thể nghĩ mà ra, cho nên… Còn lơ đãng? Bùi Xuân Phái có lần nói: “Ðừng băn khoăn nhiều trong lúc vẽ. Ðừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ vẽ như người không biết vẽ cũng được chứ sao?”. Tức lơ đãng đây là như hồn nhiên. Họa sĩ nên tập trung “cảm” đối tượng rồi hồn nhiên vẽ, vì “chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong tranh”.(BXP)

“Bức tranh chỉ có, khi có người xem”.

“Có”, không phải chỉ một lối. Có như khung với vải với sơn, thì tranh vẽ xong sẽ “có” cho tới khi khung tan vải nát sơn phai, dù không mắt nào xem. Còn có như một nghệ phẩm, thì để “có” cần người xem, nhưng không phải bất cứ ai. Người xem phải thấy ở tranh một thứ hồn, nó mới “có”; nếu người xem chỉ thấy khung với vải với sơn, dù được xem đi xem lại nghìn lần, nó vẫn “không”! Chẳng riêng gì tranh, bất cứ loại nghệ phẩm nào cũng cần một tiếp xúc không hờ hững để thực “có” trên đời...

“Tôi có cảm tưởng rằng một bức tranh, khi không có người xem giống như chiếc bật lửa có đủ ga và đá nằm nguội lạnh trên bàn. Phải có một ngón tay bật vào bánh xe để ngọn lửa bùng lên, là giống như giây phút một cái nhìn chạm vào bức tranh, để hình tượng nghệ thuật trên đó được thức tỉnh, sống lại, và sống thêm một mặt đời mới”.

Thơ khác gì. Thơ ra đời rồi thì giữa những lần được đọc cũng nằm thiêm thiếp đợi hồi sinh. Riêng gì tranh với thơ, nghệ phẩm nào cũng thế, cũng cần “một ngón tay bật vào bánh xe” thì mới sống lại được. Sống lại, nhưng không phải là y như lần sống trước, mà tùy vào tâm hồn người thưởng thức lần này. Nghệ phẩm sống vô lượng kiếp, mỗi kiếp mang một “mặt đời” khác nhau.

“Tiếp xúc với tác phẩm (...) không phải là để nối liền sự vật trên tác phẩm vào một cái tên gọi (...) mà là để nối liền một quan niệm thẩm mĩ vào một hình tượng nghệ thuật”.

Họa sĩ vẽ, là vẽ ra cái quan niệm về đẹp của mình, chứ không nhằm tả bất cứ sự vật gì. Xem tranh Phố Phái, không nên: - A! Phái vẽ Phố Hàng Mắm. Mà nên: - A! Phái quan niệm tranh đẹp là, chẳng hạn, như thế này đây.

“Người ta chỉ thấy cái người ta hiểu (...) Cũng giống khi ta nghe tiếng ngoại quốc”.

Nếu hiểu tiếng Anh, khi nghe tiếng Anh sẽ “thấy” ý của người nói. Nếu hiểu thơ, khi đọc thơ sẽ “thấy” cảm nghĩ của người làm. Nếu hiểu tranh, khi ngắm tranh sẽ “thấy” quan niệm về đẹp của người vẽ. Nếu không hiểu, sẽ chỉ nghe được một tràng âm thanh, thấy được một mớ lời, một đám hình thể…

“Đứng trước tranh (...) tôi chỉ thấy có họa sĩ”.

Thấy đây không phải là bằng con mắt công cụ mà ai cũng có, mà là thấy bằng con mắt của người biết ngắm tranh. Đứng trước tranh Phố Phái, thoạt tiên người ấy cũng thấy Phố y như mọi người, nhưng rồi bắt đầu thấy Phái, rút cuộc chỉ thấy có Phái thôi!

“Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức”.

Thế thì ở giữa là gì? Thiết tưởng gì cũng được, ngoại trừ giải thích. “Tiếp xúc với nghệ thuật”, tha hồ “thích”, nhưng chớ có “giải”. Giải thích nghệ thuật Nguyễn Tuân cho là “bệnh” đấy.(NT)

“Thường tình ra, không ai sáng tác cho các nhà phê bình”.

Làm nghệ thuật là làm một cái xác cho một cái hồn. Hồn là cảm nghĩ nào đó. Hồn có thể là cảm xúc “tha thiết muốn được phê bình” lắm chứ. Có điều, không biết tại sao, trong trường hợp đó hình như làm nghệ thuật không bao giờ thành công. Chẳng riêng sáng tạo nghệ thuật, bất cứ việc gì cũng thế. Muốn thành công thực sự, ta phải làm vì một cớ khác hơn là cái ý muốn được nghe vỗ tay!

“Không bao giờ chúng tôi thấy có thể kéo tuột một tác phẩm, một nghệ thuật ra khỏi những mắc míu xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo...”.

Lôi một cô thôn nữ thế kỷ 19 về thành phố thế kỷ 21, hay lôi một cô thư ký thế kỷ 21 về làng quê thế kỷ 19, còn ra làm sao! Vẫn quần áo, tóc tai, điệu bộ, lời ăn tiếng nói, nền nếp ứng xử ấy, ở trong môi trường của chúng nom tự nhiên bao nhiêu, thì khi lìa xa môi trường sẽ ngớ ngẩn bấy nhiêu, đến nỗi không ai hiểu được!

“Chỉ trên cơ sở biến đổi hẳn lối sống, thì một cách nhìn thế giới khác (...) mới nẩy sinh. Mô hình thẩm mỹ là sự kết đọng và biểu trưng, theo cách nghệ thuật, cái nhìn đó”.

Sống sao, nhìn vậy. Mà người Việt Nam thì đang mỗi lúc mỗi sống thêm giống Tây. Cho nên đang mỗi lúc mỗi thêm nhìn mọi cái y như Tây nhìn. Độc lập nghệ thuật bắt đầu từ độc lập lối sống.

“Sự tiến hóa trong nghệ thuật (...) nên được hiểu là từng bước đi trong quá trình hình thành và hoàn thiện một mô hình”.

Tiến bao giờ cũng chỉ là trong một mô hình. Hễ khác mô hình thì không thể so sánh. Chẳng hạn, chớ có xem thơ Xuân Diệu là thơ Nguyễn Du tiến hóa!

“Cổ điển (là) thời điểm hoàn hảo nhất, ổn định nhất của (…) một nền nghệ thuật, một phong cách, một tác giả (…) Trình tự tiến hóa của phong cách nghệ thuật (gồm) những bước: nguyên thủy, cổ điển, kỳ cục, sa đà”.

Nghệ phong đại khái như trái cây. Bắt đầu xanh, rồi chín dần, chín tới, rồi chín quá, rồi nẫu, rồi... thối. Chẳng hạn cái văn phong của Nguyễn Tuân. Ở Nguyễn ấy là quả chín tới, ngon lắm. Nhưng nhà văn kia thấy ngon, bắt chước và quá tay, khiến vẫn cùng loại quả mà ta ăn, thấy không sao nuốt nổi.

“Mô hình Lý là tượng trưng (..) Mỹ thuật Lý là cổ điển (...) Chưa bao giờ tâm trạng con người Việt Nam lại thanh thản, thăng bằng, và hồn nhiên, như trong vài thế kỷ đầu của nước Ðại Việt (...) Trong hình thái Lý có sự nổi dậy kín đáo của một ý chí nghệ thuật cương quyết nhưng mềm mại. Ðó là một nét thuộc bản sắc dân tộc”.

Có người thạo gốm cổ Việt Nam đi thăm di tích Hoàng thành Thăng Long rồi viết: “Từ những viên gạch lát nền, lát thềm, gạch xây tường, ngói lợp mái, ngói ống, ngói nóc tới các đầu rồng, đầu phượng, các linh thú, các thạp, thố, bình, ấm, chén, bát, đĩa v.v. (...) Tất cả (...) đều in đậm nét văn hoá Đại Việt”.(HQH)

Gốm ấy hồi năm 1997 đã có mấy nhà sưu tầm Tây phương nhận xét: “Một kết hợp độc đáo giữa sáng tạo bản địa và một số yếu tố ngoại lai từ Trung Quốc, Khơ-me, Chàm và Ấn-độ (...) Người Việt Nam đã tạo ra những món đồ gốm tinh tế nhất vùng Đông Nam Á”.(JSJG)

Chúng tôi đã được xem khá nhiều đồ gốm Lý – Trần và cả đồ gốm cổ Tàu và nhận thấy về kỹ thuật gốm ta luôn thua gốm Tàu nhưng về mỹ thuật lại có giá trị hơn. Sản phẩm Đại Việt mộc mạc mà tinh tế. Sản phẩm Trung Quốc cùng thời thì cầu kỳ và tinh xảo, nghĩa là rắc rối và khéo. Khéo chứ không phải đẹp. Còn tại sao “nổi dậy (…) của (…) cương quyết và mềm mại”? Nhà khảo cổ Hà Văn Tấn có lần nhận định về đồ gốm Phùng Nguyên: “Họa tiết (…) dứt khoát mà vẫn mềm mại”.(HVT) Một nét văn hóa dân tộc cơ bản đã bay lên theo con rồng Lý.

“(Tác giả) tìm một giá trị tự tại, chứ không tìm giá trị mô phỏng (...) đã hiểu thấu (...) phép tạo hình cổ điển thời Lý, nhưng lại cố tình (...) dùng một ngữ pháp lật ngược, ngang tắt, linh động, như kiểu nói lóng trong dân gian (…) không sửa sang, gò gẫm (…) Điêu khắc đình làng (mang) phong cách lãng mạn, với ý nghĩa nhân văn Việt Nam, thiết thực (…) giản dị (…) lạc quan (…) là dòng thẩm mỹ rất dân tộc”.

Những điêu khắc ấy thoạt trông có vẻ dễ dãi, thậm chí ngây ngô, giống như đã được khắc chạm bởi những người không có năng khiếu tạo hình đáng kể. Nhưng ngắm đi ngắm lại, ta chợt nhận ra đó là tác phẩm thành công của những nghệ sĩ ưu tú. Bao nhiêu “hiện thực sinh động” kia đâu có phải là đơn giản cái mắt thấy, mà đều có chứa trong chúng cái nhìn riêng của tâm hồn tác giả. Tại sao “lật ngược, ngang tắt, linh động”? Hãy nhìn lại không gian hết sức khiêm tốn dành cho nghệ thuật. “Cái khó ló cái khôn”!

“Hội họa trừu tượng: khi hình thể tự nhiên đã mất, thì đến lượt sơn dầu lấy chính bản thân mình làm vẻ đẹp”.

Tranh trừu tượng như nhạc không lời. Hễ không có tiếng hát thì âm thanh của nhạc cụ phải “lấy chính bản thân mình” làm êm tai người nghe nhạc. Hễ không có “hình thể tự nhiên” nào cả thì sơn dầu phải lấy chính nó làm đẹp mắt người ngắm tranh. Không phải “không” thì cao hơn “có”. Chỉ khác nhau vậy thôi. Nhưng hình thể hay tiếng hát thường làm cho người thưởng thức bị giằng co, ít nhiều lấy trí óc mà nghĩ về hình hay lời, thay vì hoàn toàn lấy tâm hồn mà cảm cái vẻ đẹp của tranh hay nhạc. (Thực ra hình trong tranh hay lời ca khúc cũng mong được ta cảm chứ không muốn bị ta nghĩ!)

“Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật (...) Cái tên của nó (…) không cần có chữ “Lý luận” (...) Bởi vì đó là cách muốn đặt lý luận lên trên sự kiện”.

Không thể đặt lên trên, vì lý luận không làm ra nghệ phẩm. Và cũng không thể đặt xuống dưới, vì lý luận không giúp cảm nhận nghệ phẩm. Lý luận không có vai trò gì cả trong nghệ thuật, nhưng ở nơi khác lại rất có. Tưởng tượng “khoa Lý luận và Lịch sử Khoa học”, cái tên ấy chắc chắn không ai phàn nàn.

“Người ta không thể làm nên một nền nghệ thuật bằng cách mở một cái trường. Nghệ thuật chưa bao giờ là do những bài học kỹ thuật làm nên cả (…) Xưa nay, không một nghệ sĩ thực thụ nào là do nhà trường làm ra cả”.

Nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu. Không có năng khiếu thì dù có được bậc thầy dạy, cũng chỉ nên thợ mà không bao giờ nên thầy. Không nên mở trường đào tạo nghệ sĩ. Nhưng có thể mở trường bồi dưỡng những người có năng khiếu nghệ thuật. Bồi dưỡng bằng cách cho họ tiếp xúc nhiều với những nghệ phẩm đặc biệt giá trị. Vừa cho tiếp xúc vừa căn dặn chớ có đi bắt chước! Xem đọc nghe v.v. là để được kích thích, được gợi ý, mà thôi.

“Mổ xẻ (...) tháo rời từng chi tiết (làm) tiêu tan hết mỹ cảm”.

Xuân Diệu có lần nói “Một trứ tác nghệ thuật (…) là sự sống”.(XD-1) Hễ sống mà bị…, thì phải chết. Nói con người như Tây Thi chẳng hạn thì ghê, nói một con công trống đi. “Mổ, tháo” xong, thấy một mớ lông vũ, một nắm xương, thịt, da, một chút máu..., chứ đâu thấy con chim đẹp nào nữa. Hay nói một bông sen. Tỉ mỉ mổ, tháo sen ra, thấy một dúm cánh với cọng với vụn vằn, chứ đâu thấy cái “trông đầm gì đẹp…”!

“Một tác phẩm (nghệ thuật) cần vượt khỏi giới hạn vật chất của nó, của sự miêu tả ngoại hình (...) Chúng ta phải chờ đợi một linh hồn trong thân thể (...) Khả năng xa lắng diệu kỳ của nghệ thuật mà khoa học (...) không làm được là ở đó”.

Nhớ “Phút linh cầu mãi không về / Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen” (Hồ Dzếnh). Thực tế, mực cứ xuống giấy đi, xuống rồi dập xóa, xuống lại…, may thì rút cuộc “linh hồn” sẽ về nhập vào “thân thể”. Hồn thơ ở đâu mà về nhập vào lời thơ? Dĩ nhiên là ở trong tâm hồn thi sĩ. Sáng tạo nghệ thuật thành công là nhập được hồn mình vào xác nghệ phẩm. Tại sao máy móc vô hồn? Bởi nhà khoa học đâu có vận dụng tâm hồn khi sáng chế, mà đòi nó có!

“Không phải bất cứ con mắt nào đi qua tấm vải vẽ đóng khung kia cũng thấy (tranh)”.

Dĩ nhiên nếu không mù, nhìn thì thấy. Vấn đề là thấy gì? Tranh hay chỉ vải và sơn? Nhìn bất cứ cái gì, cũng y như vậy. Trăng là một khối vật chất, hay là nhà Hằng Nga, hay là chỗ có cây đa thằng Cuội, hay là “vú mộng của muôn đời thi sĩ”(XD-2), hay là nguồn của những cảm xúc rất đỗi kỳ dị của vài thi sĩ khác?... Bây giờ là thời của con mắt khoa học. Mắt ấy nhìn, thấy mồn một từng phân tử sơn, mà không thấy tranh đâu.

“Ðọc, xem, nghe v.v. nghệ thuật lại cứ lăm lăm trong đầu óc (...) cái thước đo của nguyên lý (dù là triết, mỹ, xã hội hay đạo đức...) thì rất trở ngại (...) cảm thức thẩm mỹ là cơ sở của thưởng thức nghệ thuật (…) không thể thụ giáo bằng nguyên lý được (…) Cái đẹp không bao giờ đến với chúng ta bằng con đường suy lý dông dài, giải thích chi ly”.

Ngộ thì lên, chứ Niết-bàn không có đường lên. Thế mà một bộ phận của nhân loại đang lôi kéo cả nhân loại hì hục chế phi thuyền để bay lên Niết-bàn! Đến với Đẹp cũng y như thế đấy. Đừng có “lăm lăm (...) nguyên lý” mà uổng công.

“Bảo rằng văn minh càng cao, thì nghệ thuật càng tài (...) là điều nhầm”.

Bàn phím văn minh hơn bút mực. Ðâu phải gõ bàn phím thì làm thơ hay hơn cầm bút chấm mực viết! Nghệ thuật có cần phương tiện. Nhưng không phải phương tiện càng tối tân thì nghệ thuật càng cao. Thậm chí, phương tiện tối tân quá có thể làm nghệ sĩ lạc đường, khi sáng tạo chú ý đến kỹ thuật hơn là nghệ thuật. Thực ra, vấn đề sắp thuộc về quá khứ. Bởi có mâu thuẫn cơ bản chí tử giữa văn minh và nghệ thuật. Văn minh đến mức nào đó thì nghệ thuật bắt đầu biến mất. Cái mức ấy đã đến rồi!

“Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm cái đẹp, và khi đã đến Đẹp, thì Thiện, Chân đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó”.

Họa sĩ vẽ như thiện nhân làm việc thiện, như thiền giả thiền... Tranh vẽ xong mà đẹp thì cũng “hồn nhiên” tốt lành và chứa chân lý... Phải làm sao để thấy được như vậy? Hãy thử ngắm tranh cách “tận tụy” và “hồn nhiên”.



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa gần nhất 10-2022

















__________
BXP: Bùi Xuân Phái, “Tâm tư nghệ thuật” (trích nhật ký), báo
Văn Nghệ, 2006.
HVT: Hà Văn Tấn,
Lịch sử Việt Nam, tập I, 1983.
HQH: Hoàng Quốc Hải,
Thành xưa in dấu, 2004.
NT: Trong
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997.
JSJG: John Stevenson & John Guy,
Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition, Mỹ, 1997.
TBV-1: Viện Mỹ thuật Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm 1997.
XD-1: Trong
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985.
XD-2: Bài thơ “Ca tụng” của Xuân Diệu.