Ở nước ta, phụ nữ hát vốn không phải là đĩ, chuyện ấy Nguyễn Đôn Phục từng trình bày rõ.(1)

“Chao ôi! Các nghề chơi tao nhã bây giờ (...) thoái bộ! Mà những cách chơi dã man, thô bỉ thì nhiều!”

“Ký giả” phát biểu về bể dâu trong “ca” một thời. Chẳng hay “duyệt giả” thế kỷ 21 đọc lại lời trên có thấy động lòng về những chuyện ngoài “ca” bây giờ?
(Thu Tứ)

(1) Xem bài Một Nghề Đứng Đắn (xin bấm vào chỗ in màu xanh).



Nguyễn Mạnh Hồng, “Một cuộc thưởng ca” (4)




Thôi, đang nói dở chuyện cuộc hát đêm hôm ấy, giờ lại xin nói nốt.

Bấy giờ đêm đã khuya, mà người cũng đã mệt, bèn nghỉ hát, rồi ai nấy đều về cả. Khi thuyền đã quay mũi trở ra về, cô ta lại cất giọng trầm ngâm một bài thơ cổ nữa, cái giọng cô bấy giờ nghe lại càng réo rắt não nùng lắm.

(...) Tiếc thay (...) bọn chị em bây giờ (...) chẳng qua lối nhà trò giữ nhịp, giả danh con nhà ca xướng cho tiện đường buôn phấn, bán hương (...) Mà trong đám “quan viên làng chơi” bây giờ cũng ít người chơi lấy vẻ phong lưu, lấy mầu tao nhã; chẳng qua cách mượn tiếng hào hoa cho dễ bề vật chất đấy thôi.

Chao ôi! Các nghề chơi tao nhã bây giờ (...) thoái bộ! Mà những cách chơi dã man, thô bỉ thì nhiều!

(...)

Đêm hôm ấy, chúng tôi về nghỉ cả trong nhà ông Đoàn Mai Khê. Ký giả, vì nỗi lạ nhà và quá giấc, trằn trọc thâu canh, không sao ngủ được, song lại được hưởng cái thú dạ thâm canh tĩnh trong chốn hương thôn, êm đềm, lặng lẽ biết dường nào, khiến cho trong lòng dễ sinh ra trầm tư, mặc tưởng. Rồi chốc chốc lại nghe thấy tiếng gà réo trong làng, tiếng chó ran ngoài ngõ, tiếng tù và rúc nguyệt, tiếng mõ cầm canh, rõ ra cái biểu hiện chốn thôn cư đêm hôm khuya khoắt.

Lại còn một cái thú nữa, là lúc sáng ngày hôm sau trở dậy, mở cửa trông ra, thấy trăm cây rả rợp, dòng nước uốn quanh, chim chóc nhởn nhơ, cỏ hoa mơn mởn, thấy vầng thái dương dòm qua cửa sổ, thấy luồng không khí lọt thấu phòng sâu; cái phong cảnh lúc thanh thần đó, thật là một bức họa đồ thiên nhiên tuyệt bút!

(...)

Thôi! Chả gì cũng là một cuộc phiếm du, dù xa, dù gần, dù lâu, dù chóng mặc lòng trở về cũng tạm mượn ngòi bút quê kịch góp nhặt dông dài lấy mấy trang đuểnh đoảng ra đây gọi là để làm một bài ký sự cỏn con (...) Khéo, vụng, hay hèn, duyệt giả cũng lượng cho.


(Trích từ bài du ký “Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai” của Nguyễn Mạnh Hồng, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 100, tháng 10 & 11-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III)