Đất nước ta mà hai thằng giặc đem ra thương lượng với nhau!

Thằng Pháp sắp sửa dưới biển đổ lên và trên trời nhảy xuống để tiếp tục đè đầu cưỡi cổ ta đấy. Nó cũng biết lần này sẽ không dễ ăn như hồi thế kỷ 19 nên vận dụng binh lực hùng hậu lắm.

Để xem những người cầm đầu nước Việt Nam mới tái sinh đối phó thế nào.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hiệp ước Hoa - Pháp tháng 2-1946”




Pháp với Mỹ không ưa nhau. Nhưng cả Mỹ, Anh, Pháp đang có chung một mối lo: Đó là sự phát triển hùng mạnh của Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai (...) Mỹ đang ra sức tập hợp lực lượng các nước tư bản ở châu Âu để đối phó với cái gọi là “nguy cơ Nga”. Như vậy, Mỹ không thể quá thờ ơ với những quyền lợi của Pháp.

Cuối tháng 8 năm 1945, Đờ Gôn qua Mỹ đã gợi ý Tơ-ru-man giúp đỡ Pháp trong vấn đề Đông Dương.

Mặt khác, nội tình Trung Hoa cũng đang làm Tưởng bối rối (...) Ngọn lửa cách mạng bùng cháy trên khắp nước Tàu (...) Tưởng Giới Thạch đang gặp nhiều khó khăn (...) sẽ phải rút (...) quân ở miền bắc Đông Dương về (...)

Vào đầu tháng Giêng năm 1946, Lơ-cléc đã cử người đến Trùng Khánh thương lượng. Đó là tướng Xa-lăng, người được chỉ định thay thế A-lét-xăng-đri, chỉ huy quân đội Pháp ở miền bắc Đông Dương. Xa-lăng đã xin được Trùng Khánh cho quân Pháp (chạy sang Tàu khi Nhật đảo chính) trở về Lai Châu.

Vào khoảng trung tuần tháng Giêng, nhân một phiên họp của Liên hợp quốc, chính phủ Pháp đã phái Mu-tê đến gặp đại diện của Tưởng Giới Thạch để đưa ra các điều kiện thương lượng cụ thể. Tưởng Giới Thạch nhận được báo cáo, tỏ vẻ ưng thuận. Pa-ri lập tức cử viên đại sứ mới, Me-ri-ê, tới Trùng Khánh. Me-ri-ê nhận chỉ thị của chính phủ Pháp cố gắng đạt thỏa thuận trong thời hạn ngắn nhất. Nhưng Trùng Khánh lại muốn kéo dài cuộc điều đình, làm cao để kiếm thêm lời.

(...) cuộc mặc cả (...) cuối cùng đã ngã giá.

Pháp đồng ý trả lại cho Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông, trả lại đất mướn Quảng Châu Loan, bán lại đường sắt ở Vân Nam. Không đếm xỉa gì đến chủ quyền của ta, chúng nhận với bọn Tưởng là Hải Phòng sẽ trở thành một cảng tự do, hàng hóa của Tưởng chuyển vận qua miền Bắc sẽ được miễn thuế. Để đổi lấy những quyền lợi đó, Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân Pháp thay thế quân đội Tưởng tại miền bắc Đông Dương, (việc thay quân sẽ được thực hiện) trong khoảng thời gian từ mồng 1 đến 15 tháng Ba, chậm lắm là 31 tháng Ba năm 1946.

Đó là nội dung bản hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết ngày 28 tháng Hai năm 1946. Hiệp ước ký xong, Xa-lăng vội vã quay về Hà Nội, chuẩn bị cho quân Pháp trở lại miền Bắc. Cơ-rê-panh ở lại Trùng Khánh, tiếp tục bàn với phía Tưởng về các thể thức tiến hành việc thay quân.

Ngày 1 tháng Ba, Lơ-cléc nhận được tin từ Trùng Khánh báo về là mọi việc đều đã được thỏa thuận.

Hạm đội Pháp đã đợi trên bến nhiều ngày.

Cũng theo những tài liệu của Pháp mà sau này ta được biết, Lơ-cléc lập tức đặt bọn lính dù trong tình trạng báo động và ra lệnh cho đoàn tàu nhổ neo rời bến.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)