Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan bảo “văn Ngọc Giao đẽo gọt quá (...) nhiều câu gần như sáo ngữ”“văn Ngọc Giao không bao giờ có thể là văn tả chân được. Ông chỉ hơi tả theo sự quan sát là sai ngay”. Đọc truyện sau đây, viết năm 1936, không thấy thế. Thấy văn cũng tự nhiên và cũng có giá trị tả chân y như văn của nhiều nhà văn tiền chiến khác. VNP đã căn cứ vào những tác phẩm khác của Ngọc Giao chăng? (Thu Tứ)



Ngọc Giao, “Cô gái làng Sơn Hạ” (1)




Trong đêm tối, một mình anh đi như thế mãi: đầu cúi thấp, chân bước nặng nề, guốc nghiến rào rạo những hòn than vụn ướt.

Mưa phùn dai dẳng từ mấy ngày nay vẫn chửa ngớt cơn. Từng vũng nước đục lấp lánh ánh sáng mấy cây đèn dầu trồng rải rác trên bến tầu vắng lạnh. Những con đường goòng chạy theo dọc bến tầu khuất sau những trái núi than lù lù trong bóng tối mênh mông. Từng chỗ, nhô lên trên mặt đất một tảng sắt hoặc một đoạn gỗ lim tròn, quấn chặt sợi xích lớn hay sợi thừng chắc khỏe của những chiếc tầu buôn ở các ngả sông xa vừa tới cắm neo.

Nước sông ngầu đỏ cuồn cuộn chẩy. Sóng âm ỷ vỗ mạn tầu, mạn thuyền, xô cọ vào nhau bật thành những tiếng kêu khô rắn. Gió rít mạnh, làm lảo đảo những cột buồm cao vút trên giời tối, và kéo căng những đầu dây neo trên bến.

Anh ngẩng đầu lên. Một rặng núi đen sì sừng sững đứng trên đường cao, và dưới chân núi có một vạch lửa vàng le lói. Đó là ngọn lửa ấm áp của gia đình anh. Tự nhiên, anh thở dài. Anh nghĩ đến người mẹ già, giữa lúc khuya khoắt này, đang ngồi co ro trong xó bếp, tay nhem nhuốc nắm những hòn than, nắm chất thành đống cao để sáng mai đội xuống tầu bán cho khách trú, và anh nghĩ đến người cha, có lẽ lúc này vẫn ngồi khoác chăn ngất ngưởng ôm chai rượu vào lòng.

Đầu lại cúi xuống, anh chậm chạp bước theo dọc bờ sông. Chán nản, anh không muốn về nhà, định bụng đêm nay gặp đâu ấm chỗ thì ngủ nhờ ngay đấy, rồi mai lại thức dậy từ mờ đất, còng lưng đẩy hết chuyến xe goòng này đến chuyến xe goòng khác, vác hết bao than này đến bao than khác, như tất cả những con người sống lam lũ ở bến sông.

- Bác Vĩnh! Hãy vào uống nước đã nào!

Anh dừng lại. Ánh sáng gắt của cây đèn phẫn trong nhà hàng cơm làm chói mắt anh, và giọng thân mật của cô gái dậy thì khiến anh phải mỉm miệng cười.

- Thế nào, canh tài bàn đêm qua Vĩnh phát tài, đãi chúng tớ một bữa rượu đi.<

Mấy người phu mỏ bạn Vĩnh đang ngồi đố quít với nhau, xúm quanh Vĩnh, cười nói huyên thiên. Một người có vẻ say quay lại cô gái nhà hàng:

- Có thế thì mới đúng lẽ chứ, phải không, cô Nhàn?

- Cái đó ở như bác Vĩnh, chứ em biết đâu ạ!

Nhàn mở nắp cóng chè tươi, múc nước đổ vào cái bát đàn Vĩnh vừa lật ngửa trên mặt chõng hàng. Hơi khói ở miệng cóng bốc lên nghi ngút, trong làn hơi khói ấy lóng lánh cặp mắt đen nháy và hàm răng hạt huyền đều đặn của Nhàn.

Thấy Vĩnh ngắm mình, mặt Nhàn đỏ bừng lên. Cô ngượng nghịu cúi xuống têm giầu bày ra đĩa.

Mấy người bạn lại quay sang Vĩnh:

- Kìa, tiếc chúng tớ một bữa chén xoàng ư?

Vĩnh trừng mắt nhìn nhìn bọn họ, rồi anh trật cái mũ cát-két ướt sũng nước mưa trên đầu xuống, đập mạnh vào mặt chõng, làm nẩy lên những chiếc bánh gai, bưởi, quýt và khiến những bát nước chè tươi sóng cả ra ngoài.

Lũ bạn Vĩnh không cười đùa nữa. Họ đã đoán Vĩnh đang buồn bực chuyện gì. Cử chỉ ấy, Vĩnh thường thường có; lắm khi người bạn mới nào chưa biết tính anh mà trêu cợt mãi, tất bị anh lẳng lặng đứng dậy đánh liền. Ở đây, từ mấy năm nay, người ta đã biết cái tính nết kỳ quặc đó. Người ta cũng biết là anh có khá nhiều miếng võ, ngoài ra anh còn một cái vốn chữ nho. Những cô con gái trên bến tối tối thường tụ họp trong quán nước đua nhau bói Truyện Kiều, nhờ anh xem hộ. Mùa xuân, họ đi lễ về, tìm anh nhờ đoán thẻ. Đó là những quẻ thẻ cầu duyên. Vĩnh khéo tán nghĩa, giọng ngọt ngào, gương mặt sáng sủa, giỏi trai, khiến các cô càng xúm xít quanh anh. Nhưng chưa cô nào được Vĩnh thực tình yêu lại. Tuy vậy, các cô vẫn không ghét Vĩnh. Các bạn trai đối với anh cũng thế, họ mến anh, vì vậy họ nhường nhịn anh, nhiều khi khiếp sợ nữa. Những lúc thấy anh mắt đỏ ngầu, lầm lì không nói không cười. Nhưng vào những buổi chiều nào thấy Vĩnh chải đầu, cạo mặt sạch sẽ, điếu thuốc lá trên môi, miệng nhai bỏm bẻm miếng trầu là các bạn Vĩnh reo lên, kéo anh vào hàng nước, giục anh kể chuyện. Anh kể rất có duyên. Những chuyện anh kể khiến họ nghe chăm chú.

Ông Cử khó tính, nên các bạn Vĩnh chỉ dám đến nhà Vĩnh khi biết ông đi chơi vắng. Bà Cử dễ dãi, hiền lành, thấy bạn con đến nhà là vội vàng rửa tay đi têm trầu, đun nước. Có khi họ chung tiền mua chó về mổ thịt chè chén, với nhau suốt cả ngày.

- Kìa, bác Vĩnh xơi nước đi cho nóng. Nước ban nẫy nguội, em đã múc bát khác rồi đấy ạ.

Vĩnh, từ nãy chống bàn tay vào má, cúi gằm mặt xuống không nhúc nhích, bỗng ngẩng lên. Các bạn anh đã không còn đấy nữa, mà Nhàn thì đang ru đứa em bé trong lòng, đôi mắt đăm đăm nhìn anh.

Vĩnh đưa bát nước lên môi, không thể không ngắm đôi mắt đẹp của Nhàn qua những sợi khói nóng tỏa lên miệng bát.

Nhàn e lệ, vờ cúi xuống hôn em. Cô sung sướng lắm, vì chỉ có tối hôm nay cô mới được người con trai mà cô thầm yêu mến ấy nhìn đôi mắt bồ câu và hàm răng mới triết của mình. Hàm răng đen cô nhuộm riêng vì Vĩnh. Đã bao nhiêu đêm khuya lạnh, trở dậy ra sân nhổ thuốc để rồi vào thay lá khác, cô đã đứng run cầm cập nhìn lên nhà Vĩnh trên đường núi, thở dài.

Mưa ngoài sông và gió bấc trên núi hắt lùa vào làm chao cây đèn phẫn dòng dây từ trên mái xuống. Gió mạnh quá làm đổ cả tấm dại dựng bên ngoài. Nhàn toan đứng lên, nhưng Vĩnh đã ra dựng lại, rồi anh vào ghế ngồi, vẫn im lặng như lúc nẫy.

Nhàn đã vào giường đặt em. Cô ra mở cái tủ kính nhỏ lấy bao thuốc lá, bóc đầu giấy sẵn đặt vào đĩa trầu. Giọng thân mật, cô bảo Vĩnh:

- Nhà em sẵn nồi than hồng sấy cau, bác Vĩnh có rét, em bưng ra bác sưởi.

Vĩnh ngước nhìn Nhàn, anh khẽ lắc đầu:

- Thôi, cảm ơn cô, trời này đã lấy gì làm rét.

Vĩnh uống cạn bát chè tươi, chụp mũ cát-két lên đầu, đứng dậy. Anh móc túi, đặt vào đĩa hai đồng trinh, rồi bước ra thềm.

Bóng Vĩnh in chếch lên bóng cây bàng khẳng khiu ngoài mảnh sân hẹp sũng nước mưa.

Tiếng guốc Vĩnh rào rạo, mất dần trên những lối đi đầy than vụn lờ mờ dưới ánh sáng mấy cây đèn dầu trồng theo dọc bến tàu.

Giọng hát ru em của Nhàn buồn rười rượi, vẳng bay theo gió bên tai Vĩnh. Anh cắn môi, nhai nghiền đầu mẩu thuốc lá đang lóe cháy trong bóng tối đen đặc quấn lấy mình anh. “Sao con bé ấy mãi chẳng lấy chồng cho xong chuyện. Yêu mình làm gì, thêm bận bịu mình ra thế này!”

*

Vĩnh vào nhà cai Cửu. Đây là sòng bạc cai Cửu mở ra để lấy hồ, bóc lột bọn phu mỏ và phu bến. Anh nào say gỡ, say đánh mà không có tiền thì hắn cho vay, rồi đến ngày lĩnh tiền, hắn sẽ trừ, tính thêm cả lãi. Có lắm anh, kỳ lĩnh lương không còn dính tay một đồng xu.

Vĩnh thấy cái tai hại ấy đã khuyên nhủ anh em nhưng đó là một việc làm vô ích. Đêm mùa đông ở cái bến tàu hẻo lánh này, người ta, sau một ngày làm ăn cực nhọc, nếu không đánh bạc thì cũng phải hút thuốc phiện, hay uống rượu cho say khướt mà thôi.

Bọn phu phen ở đây phần nhiều từ các phương xa tới làm ăn, số đông không có vợ con gia đình. Họ chia nhau từng tốp ba bốn người dựng một cái lều trên núi hay dưới bãi, sống chung đụng với nhau. Ngày Tết họ bỏ lều không, kéo về quê hương tất cả, chỉ còn lại gia đình Vĩnh. Những ngày đó bến vắng tanh vắng ngắt, các ống khói ở trong sở mỏ, sở than không nhả một tia khói lên trời. Xa các bạn, Vĩnh một mình đi thẩn thơ dưới bãi, nhìn mấy con tầu đầy hành khách chạy ngoài sông. Ông Cử thì tay chắp sau lưng, ngửa mặt ngắm những đám mây tan tác, ngậm ngùi nhớ tới quê nhà miền Kinh Bắc.

- Anh Vĩnh, lẻ rền luôn sáu tiếng rồi, đánh đi cho vui!

Cai Cửu, chiếc mũ chào mào úp lệch trên mớ tóc rối, mặt rỗ nhằng nhịt, mấy vết sẹo ghi rõ hình tích những nhát dao sâu lõm. Hắn sặc sụa hơi men, quàng tay vào cổ Vĩnh. Hắn làm ra thân mật ghé vào tai anh:

- Đánh đi! Nếu không mang tiền thì tớ có sẵn đây.

Nói rồi, hắn móc ví, rút ra tờ giấy năm đồng, giúi vào tay Vĩnh. Vĩnh lắc đầu cười nhạt. Anh rẽ đám đông rảo bước ra.

Thoát khỏi hơi người nặng nề hôi hám và cái mặt gớm ghiếc kia, Vĩnh thấy nhẹ cả mình. Anh lại lủi thủi đi theo dọc bến, định xuống một cái bè quen nào ngủ qua đêm.

Bỗng có tiếng ai đó rú lên. Thì ra, trong lúc cắm cúi đi, Vĩnh đã vô ý chạm phải một người. Người đó đứng phắt dậy: một cô gái. Vĩnh móc túi lấy đèn bấm soi. Cô ta đang lúi húi buộc sợi dây thừng vào cái cọc gỗ lim trên bến để giữ thuyền khỏi bị sóng đẩy ra xa.

Cô ta nheo mắt trước ánh đèn sáng chói. Vĩnh đã kịp nhìn kỹ gương mặt xinh đẹp của cô. Thốt nhiên tâm hồn Vĩnh xáo động lên như gặp phải một sự lạ lùng tốt đẹp mà từ đâu kiếp trước anh mong đợi, và bây giờ sự ấy trời đưa lại cho anh.

Vĩnh hỏi dịu dàng:

- Cô ở đâu đến chơi đây mà phải đi thuyền?

Cô gái trả lời, giọng êm mượt như gió thoảng:

- Em ở bên sông.

Vĩnh không biết nói gì hơn nữa, anh tắt đèn bấm, lặng im.

- Thế... gió đêm thổi dữ, sóng mạnh như thế mà cô dám sang ngang với chiếc thuyền thúng kia à?

Cô cười tự nhiên, miệng cười xinh quá, xinh hơn Nhàn nhiều.

- Gió thế này, sóng thế này đã thấm vào đâu ạ. Em là con nhà chài lưới, nếu thuyền có lật thì em bơi cũng được. Lượt sang em chở, lượt về đến phần anh em... Anh em vẫn đi nghề, ra bể hàng sáu bảy ngày đêm còn được, nữa là qua một con sông lành này.

Cô ngừng nói, nhìn người đàn ông đứng trước mặt cô. Cái anh chàng giỏi trai này sao thoạt nhìn đã thấy gần ngay. Cặp mắt to sáng ấy chứa đựng biết bao là ý tình êm dịu, vóc người và dáng điệu hiên ngang ấy hẳn là ấp ủ một tâm hồn mạnh khác người.

- Cô ở về đâu nhỉ?

- Em ở làng...

Cô nín lặng, ngoảnh nhìn lên bóng núi.

- Làng nào? Hình như cô muốn giấu tôi, tôi hỏi cho biết... khi nào tiện qua, tôi sẽ vào thăm các cụ nhà...

Cô e dè một lúc, rồi đáp nhanh:

- Em ở làng Sơn Hạ.

Sơn Hạ! Một tiếng sét bên tai Vĩnh. Bởi Sơn Hạ là một thôn ven khuất nẻo bên kia sông, trai làng thì vừa làm nghề chài lưới vừa làm nghề trộm cướp, gái làng thì đĩ thõa, lẳng lơ, anh em trong họ cũng cứ hỗn dâm là thường.

Vĩnh khẽ kêu lên:

- Cô là gái làng Sơn Hạ thực à?

Bất giác, anh lùi trở lại.

Không phải Vĩnh sợ cái tên ghê gớm đó như những người quanh vùng này vẫn sợ, anh chỉ thầm tiếc cho người con gái ấy, có cái nhan sắc ấy mà sao lại sinh ra giữa cái làng bạo nghịch này.

Như đoán biết ý nghĩ Vĩnh, cô quắc mắt nhìn mặt anh:

- Ông khinh làng tôi lắm phải không? Cũng như bao kẻ khác. Tôi biết. Nhưng mà người ta không có quyền khinh như thế, khi người ta chưa dám đến gần.

Mặt đỏ bừng lên, cặp mày tơ liễu hơi xếch lên, cau hẳn lại, người con gái lúc này càng tức giận, càng xinh đẹp, đẹp đến rợn người. Vĩnh thấy nhủn cả lòng, anh vội đáp:

- Không, tôi không hề cảm nghĩ như mọi người. Tôi tin rằng họ nhầm tất cả. Mà sao họ lại nỡ đồn đại ra như thế trong khi ở cái làng ấy, có một người con gái đẹp tuyệt trần như cô...

Giọng nói êm ngọt, miệng cười có duyên của Vĩnh làm tan ngay cơn giận của cô gái.

Vĩnh thân mật nói tiếp:

- Tôi có thể sang thăm các cụ nhà được không, cô cho tôi biết.

Cô gái cũng thân mật trả lời:

- Còn gì vui cho cụ em và anh em hơn nữa.

Cô quay lại, trỏ tay về phía bờ sông xa:

- Kia kìa, nhà em ở dưới những bóng dừa cao vút ấy. Sáng mai, em sẽ trèo lên buộc một tờ giấy hồng điều vào một ngọn cây cao nhất để ông dễ tìm.

Vĩnh hoan hỉ, ghé gần tai cô gái:

- Tên em là gì?

Cô đưa con mắt sắc như dao cau liếc cái anh chàng có giọng nói dịu dàng, vóc người gân guốc, đôi vai rộng.

- Tên em ông sẽ biết sau, bây giờ thì... kia kìa, anh em đã ở sòng bạc đang ra đấy. Thôi em xin phép xuống thuyền. Xin ông tránh xa ra một quãng, kẻo tính anh em khó chịu lắm cơ, nhất là khi anh ấy vừa thua bạc.

Vĩnh quay lại phía nhà cai Cửu. Một người con trai cao lớn, tay cầm chiếc gậy vuông, tay kia xách chiếc đèn mỏ đang xăm xăm bước đến.

Vĩnh đứng yên, lấy thuốc lá ra châm hút. Người con trai kia nhìn Vĩnh. Vĩnh điềm tĩnh nhìn trả lại.

Giá không có cô em gái xinh đẹp kia ngồi dưới thuyền nhoẻn miệng cười với Vĩnh, thì Vĩnh đã lẳng lặng quẳng anh ta xuống nước sông. Anh chàng này thấy Vĩnh to lớn và ngang ngạnh thì cúi xuống cởi sợi dây chão buộc đầu cọc lim, rồi nhảy xuống thuyền đẩy ra khỏi bến.

Vĩnh đứng lắng nghe tiếng mái chèo khuấy trên dòng sông gió hú. Khi ngọn lửa đèn trong tay cô gái đã thu lại bằng cái chấm đỏ ở tít đằng xa, anh mới thở dài, buồn bã, thấy rằng dưới trời khuya chỉ còn trơ lại một mình anh.