Đỗ Đình Tuân, “Hương vị làng quê” (2)



Vụ gặt lúa chiêm là vất vả nhất. Thời tiết thì đã bắt đầu nắng oi mà còn hay gặp những trận mưa rào, mưa dầm. Những năm lũ về sớm, còn phải bì bũm gặt mò, gặt chạy ở những chân ruộng trũng. Gặt chiêm không cắt lấy phần gốc rạ mà chỉ cắt lấy phần bông lúa.

Ở những chân ruộng cấy hai vụ thì phần gốc rạ này sẽ để “cày vận rạ”. Người ta cứ để nguyên gốc rạ rồi cho trâu cày. Đất lật lên và thân rạ úp xuống. Cứ để thế ngâm chừng một tháng thì rạ sẽ thối. Lúc ấy người ta mới đem bừa ngả rồi lại tiếp tục ngâm thêm ít bữa nữa thì rạ sẽ thối hoàn toàn thành một lớp phân bón lót. Những chân ruộng trũng chỉ cấy được một vụ thì cứ bỏ mặc gốc rạ đấy, nó sẽ tiếp tục nảy nhánh, trổ bông gọi là “lúa chau”. Bông lúa chau thường ngắn, hạt lép nên ruộng chau làng tôi chủ yếu dùng để thả trâu cho nó kiếm ngọn. Chỉ những năm “gạo châu, củi quế” mới thấy những nhà nghèo cho người đi tuốt lúa chau.

Dụng cụ để cắt lúa chiêm gọi là “cái hái”. Cái hái gồm có một “lưỡi hái” trông gần giống như một chiếc lược nhưng to và bầu bĩnh hơn một chút. Phần cong cong của lưỡi hái được mài mỏng và rẽ răng cưa sắc để cắt cổ bông lúa. Hai đầu lưỡi hái có hai cái chân nhọn để cắm chắc lưỡi hái vào với thân hái. Thân hái chỉ là một thanh gỗ dài dài vuông vuông: dày chừng một phân, rộng chừng năm phân và dài chừng năm mươi phân. Trên thân hái có ba lỗ đục. Đầu tiên là một lỗ đục dùng để luồn dây treo hái và khi gặt thì luồn cổ tay phải vào đây giữ hái. Lỗ đục thứ hai cắm một cái chốt ngang để cho bàn tay phải nắm chắc lấy thân hái. Đầu cùng phía ngoài thân hái có một lỗ đục thứ ba để gắn “mũi hái” vào với thân hái. Mũi hái là một thanh tre (hoặc gỗ) dài dài cong cong nhòn nhọn. Khi được gắn vào với thân hái, nó sẽ tạo thành với thân hái một “góc hái” để giữ cổ bông lúa lại. Phần cong cong của mũi hái quay ôm vào phía lưỡi hái. Khi thường phần mũi hái chính là thanh bảo hiểm. Nó loại trừ khả năng va quệt chân tay vào lưỡi hái dễ gây thương tích. Khi gặt nó lại là “cánh tay” nâng và gom các bông lúa dồn vào góc hái. Lúc ấy tay trái sẽ nắm lấy cổ bông và tay phải sẽ đặt lưỡi hái vào đẩy ra một cái “xoẹt”. Cứ ba bốn nắm như thế là sẽ được một lượm lúa.

Lúa chiêm ướt nặng, bờ ruộng chiêm lại ướt trơn, nên gánh lúa chiêm từ đồng về nhà quả là một công việc cực nhọc. Người lớn khỏe cũng chỉ gánh chừng ba mươi lượm. Còn bọn trẻ con chúng tôi, gò vai rụt cổ cũng chỉ mươi, mười hai lượm. Thế cũng đã mồ hôi mồ kê nhễ nhại và mồm tranh mũi thở rồi. Gặp những ngày nắng ráo còn đỡ. Gặp kỳ mưa dầm thì thật là bức xúc. Những cầu lúa chưa đập cứ xếp đấy gội mưa. Những đống thóc chưa phơi cứa đắp đống ở ngoài sân chờ ngày mọc mậm... Còn con người thì cứ ngồi trông mà bồn chồn ngao ngán.

Trong những ngày mùa vụ như thế bữa cơm quê lại càng đạm bạc. Có được bát canh cua đã là ngon rồi. Còn không, lại chỉ rau muống luộc chấm tương hoặc nước cáy. Để cải thiện, chúng tôi thường đi bắt châu chấu. Cứ trời mưa là bọn trẻ con chúng tôi quần đùi, áo cộc, nón mê, mỗi đứa một cái chai chạy ra đồng vồ châu chấu.



ảnh khuyết danh

Trời mưa châu chấu bị ướt cánh nên không bay xa được. Mùa này cũng đúng “mùa tình ái” của châu chấu nên cô nào cũng cõng chồng trên lưng càng dễ bắt hơn. Nói vậy thôi chứ “các cô” cũng tinh quái lắm. Không bay được xa thì các cô cứ cõng chồng như thế mà nhao xuống nước, ngụp lặn và tìm chỗ kín để ẩn mình. Nhưng cũng chỉ quẩn quanh cái gốc rạ ấy thôi nên thể nào chúng tôi cũng tóm được. Cứ đầy chai hoặc tan mưa thì chúng tôi mới về. Tôi thường nút kín chai châu chấu để vào trong bếp, chạy sang ao nhà ông Hội Thỉnh nhảy ùm xuống đã. Quần áo ướt nên bí hơi và căng phồng cả lên. Mà nước ao thì ấm lạ. Chẳng khác nào tắm nóng lạnh ngày nay. Ngâm mình trong nước ao lúc ấy thật là dễ chịu. Tôi cũng thường bơi ra ngọn cây ủi tầu để lần ủi. Đôi khi cũng được một vài quả ương. Tắm xong tôi mới về nổi lửa để “làm lông” châu chấu. Đun một nồi nước sôi lên, mở nút chai châu chấu ra, xóc mạnh cho châu chấu rơi vào nồi nước sôi. Khi châu chấu đã chết cả thì đổ nó ra rổ vặt cánh, vặt chân. Làm lông xong thì cho châu chấu vào nồi hoặc vào chảo tra mắm muối rang lên. Khi cạn (?) thái thêm mấy cái lá chanh rồi rưới thêm một thìa mỡ lợn. Mùi châu chấu rang sẽ dậy lên ngay. Món châu chấu rang cũng là một món ăn ngon. Nó vừa giòn, vừa bùi, vừa thơm, vừa ngậy. Người làng tôi mệnh danh nó là “tôm bay”. Chỉ cần cơm chan nước rau muống luộc và ăn kèm với châu chấu rang thì cũng khó mà biết no, biết chán.


(Lược trích “Lan man chuyện làng tôi” của Đỗ Đình Tuân đăng trên trang
chimviet.free.fr)