“Tháp Rùa là truyền thống”




Trong sách Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội do Hội Văn Nghệ Hà Nội in năm 1971, Hoàng Đạo Thúy viết về tháp Rùa ở hồ Gươm:

“Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì”.

Tháp Rùa xây khoảng năm 1884. Chúng tôi ngắm đi ngắm lại tháp, chợt nghĩ đến một số kiến trúc cổ ở nước ta: cổng văn miếu Xích Đằng ở Hưng Yên, cửa Đoan Môn hoàng thành Thăng Long, cổng chùa Thiên Trù ở Hương Sơn, cổng đền An Dương Vương ở Cổ Loa, cổng văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, cổng chùa Dận ở Bắc Ninh, cổng chùa Bối Khê ở Hà Tây cũ, cổng chùa Linh Phong ở Bình Định, cổng đền Trần ở Nam Định, cửa Ô Quan Chưởng, cổng miếu Trung Liệt ở gò Đống Đa v.v.

Rõ ràng tất cả các kiến trúc cổ này đều được xây cơ bản theo cùng một lối. Lối cổng tam quan quen thuộc.(1)

Và cũng rõ ràng, kiến trúc tháp Rùa chẳng qua là một biến thể của cái lối ấy! Để ý, tháp không phải hình khối vuông, mà hình khối chữ nhật, với ba cửa lớn ở mặt trước mặt sau và hai cửa nhỏ ở hai mặt bên, cửa trước giữa có bậc cấp. Gọi là tháp, chứ thực là cổng. Sở dĩ trông không quen mắt là vì có cửa ở hai mặt bên tầng một và vì đứng một mình giữa một cái hồ.

Xin đính kèm theo đây ảnh của tháp Rùa và của những kiến trúc vừa nêu (đều lấy trên Mạng), với cả ảnh mô hình tháp bằng đồng để mọi người tiện ngắm mà nhận định xem có phải như chúng tôi thấy hay không.

À, xây ở giữa hồ Gươm cái cổng tam quan của một ngôi chùa hay đền hay miếu gì đó vô hình, cái ý không biết của ai tưởng cũng độc đáo đấy chứ!

Bây giờ nói đến chi tiết “cửa lối gô-tích”. Quả thực, cái đỉnh nhọn ấy không phải truyền thống, mà là bắt chước lối Tây. Người thiết kế tháp Rùa trông thấy cửa Tây ở đâu mà bắt chước? Chắc nơi nhà thờ Lớn cũng đang xây gần đó vào khoảng ấy.

Những cái cửa đỉnh nhọn không hề làm cho tháp Rùa trông quen thuộc với người Pháp đâu. Năm 1898, một nhà báo Pháp thăm hồ Gươm rồi viết: “Hồ (…) xanh tươi, trầm lặng và duyên dáng, có cái tháp cũ kĩ, kiến trúc lạ kỳ, xây trên một hòn đảo nhỏ xíu (…)”.(2)

Cùng bỡ ngỡ, nhưng người Việt Nam rút cuộc nhận ra quen, trong khi người Pháp chắc chắn có ngắm bao lâu đi nữa cũng thấy bỡ ngỡ cứ còn nguyên vẹn!

Tháp Rùa là một biến thể của kiến trúc Việt Nam truyền thống với duy nhất một nét Pháp.



Tháp Rùa




Tháp Rùa (mô hình)




Cổng văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên) (ảnh 1)




Cổng văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên) (ảnh 2)




Cửa Đoan Môn hoàng thành Thăng Long




Cổng chùa Thiên Trù (Hà Tây cũ)




Cổng đền An Dương Vương (Cổ Loa)




Cổng văn miếu Hà Nội




Cổng chùa Dận (Bắc Ninh)




Cổng chùa Bối Khê (Hà Tây cũ)




Cổng chùa Linh Phong (Bình Định)




Cổng đền Trần (Nam Định)




Cửa Ô Quan Chưởng (Hà Nội)




Cổng miếu Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội)



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa tháng 2-2020























_________
(1) Gọi “tam” chứ có khi chỉ có một “quan”, như cổng đền Ngọc Sơn, cổng miếu Trung Liệt, có khi đến năm “quan”, như cổng chùa Sét ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
(2) Trong
Les grands dossiers de l”Illustration, Le livre de Paris, 1987, tr. 93, dẫn theo bài “Hồ Hoàn Kiếm” của Nguyễn Dư đăng trên trang chimviet.free.fr. Chỗ gạch dưới là do chúng tôi.