Thiền xưa là mong thành Phật. Thiền nay chủ yếu nhằm chữa bệnh căng. Sống căng quá, thiền để giải căng, rồi lại sống căng, lại thiền, cứ thế. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Thiền tông”




1. Phật ở trong lòng, trau dồi tâm tính tức là nên Phật; 2. Người tu hành có thể do giác ngộ thình lình mà thành Phật (...) Ðó là hai điều chủ yếu trong giáo lý của Thiền tông, tức là tâm ấnđốn ngộ, khác với giáo lý của các tôn phái khác cho rằng người khéo tu hành thì khiến nhẹ bớt được nghiệp báo cho kiếp sau rồi trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi mới dần dần thành Phật được (...) Thiền tông là một tôn phái của Phật giáo đặc biệt phát triển ở Trung Quốc, do Ðạt-ma tổ sư từ Ấn-độ sang Trung Quốc lập nên ở thời nhà Lương (Nam Bắc triều), được nhiều phần tử trí thức của Trung Quốc ngưỡng mộ, vì giáo lý của nó bao gồm những yếu tố triết học tinh vi. Ở Trung Quốc thiền tông truyền được sáu đời, đến Tuệ Năng thời nhà Ðường ở Tào Khê (tỉnh Quảng Ðông) là tổ thứ sáu. Sau vị tổ thứ sáu ấy Thiền tông chia làm nhiều phái, có phái truyền sang Cao Ly và Nhật Bản, có phái truyền sang nước ta, đến thời Trần thì nổi tiếng nhất là phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông tức Ðiều Ngự thiền sư làm tổ thứ nhất, căn cứ là chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Trần Nhân Tông truyền cho Pháp Loa thiền sư là tổ thứ hai, rồi đến Huyền Quang thiền sư là tổ thứ ba, đều ở thời Trần.


(Ðào Duy Anh,
Chữ nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1975)