Nguyễn Dư, “Hồ Hoàn Kiếm” (4)




Tháp Rùa ngày nay

Bùi Thiết viết rằng Bá hộ Kim nhận sửa lại đình Tả Vọng vào cuối thế kỉ 18 và xây thêm một tầng vào cuối thế kỉ 19 thành tháp Rùa ngày nay. Khoảng thời gian giữa hai lần sửa và xây thêm dài quá, một người không thể làm được. Bùi Thiết viết nhầm mất một thế kỉ?

Hoàng Đạo Thúy cũng nói đến tháp Rùa trong hoàn cảnh Hà Nội bị quân Pháp chiếm đóng kể từ năm 1882.

“Bang Kim biếu Tây cái tháp Rùa. Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì” (Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 75).

Ở một chỗ khác, Hoàng Đạo Thúy viết rõ là một nhà giàu phố hàng Khay xây tháp Rùa từ năm 1884 (Đi thăm đất nước, sđd).

Trong chuyến đi công tác tại Bắc kì và Trung kì (từ tháng 1 năm 1884 đến tháng 4 năm 1886), bác sĩ Hocquard có chụp ảnh tháp Rùa nhìn từ phía tháp Hòa Phong (xem trang bìa sách Histoire de Hanoi, hoặc bản khắc trong sách Une campagne au Tonkin, tr. 249).

Tấm ảnh cho thấy tháp Rùa thời đó giống tháp Rùa ngày nay. Diện tích đảo Rùa năm 1884-1886 rất giới hạn, chỉ rộng hơn mặt bằng của tháp mỗi bề độ 2 mét.

Một nhà báo Pháp đã tả Hồ Gươm năm 1898 như sau:

“(...) (Hồ Gươm xanh tươi, trầm lặng và duyên dáng, có cái tháp cũ kĩ, kiến trúc lạ kì, xây trên một hòn đảo nhỏ xíu giữa hồ)” (Les grands dossiers de l”Illustration, Le livre de Paris, 1987, tr. 93)

Chắc chắn là thời chúa Trịnh đảo Rùa cũng chỉ nhỏ xíu như vậy thôi.

Kiến trúc của tháp Rùa khá lạ kì, đặc biệt. “Dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì” (Hoàng Đạo Thúy). Tầng dưới cùng và tầng thứ nhì cùng có cửa lối gô-tích. Kiến trúc gô-tích thì phải chờ tới sau này người Pháp mới đưa sang nước ta chứ thời Lê, thời Trịnh thì làm sao có được? Như vậy thì hai tầng dưới cùng của tháp Rùa không thể là của đình chúa Trịnh hay đình Tả Vọng như Bùi Thiết cho biết được.

Kiến trúc của tháp Rùa chịu ảnh hưởng kiến trúc Pháp.

Người Pháp chỉ bắt đầu xây cất, thiết kế lại thành phố Hà Nội sau khi triều đình Huế kí hòa ước Patenôtre ngày 6 tháng 6 năm 1884, công nhận quyền bảo hộ của nước Pháp.

Mấy cái cửa của tháp Rùa phải được ra đời sau hòa ước Patenôtre, nghĩa là tháp Rùa được xây trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 (lúc Hocquard về Pháp). Tháp được xây toàn bộ và cùng lúc chứ không phải được xây thêm tầng vào tháp Tả Vọng đã có từ trước. Tháp Rùa không phải là kiến trúc của đời Lê.

Tấm ảnh còn cho thấy tầng dưới cùng của tháp Rùa có vẻ hơi cũ hơn các tầng trên. Nếu đúng như vậy thì tình cờ Hocquard đã chụp được lúc người ta vừa xây xong tháp Rùa, đang quét vôi. Các tầng trên đã được quét hai ba nước, tầng dưới đang chờ được quét thêm?

Một kiến trúc nổi tiếng khác, có rất nhiều cửa lối gô-tích, là nhà thờ lớn Hà Nội (cathédrale Saint Joseph) cũng được người Pháp xây vào những năm 1884-1888.

Kết luận

Căn cứ vào một số sách và bản đồ, của ta và của Pháp, thì có thể tạm kết luận rằng:

- Thời chúa Trịnh trên đảo Rùa chưa có xây cất.

- Đình Tả Vọng (hay đình chúa Trịnh) nằm trên đảo Ngọc Sơn chứ không phải trên đảo Rùa.

- Cung Khánh Thụy nằm trong phủ chúa Trịnh chứ không phải tại đảo Ngọc Sơn.

- Tháp Rùa được xây toàn bộ trong khoảng từ tháng 6 năm 1884 đến tháng 4 năm 1886. Về sau, hoặc là đảo Rùa được đắp thêm đất, hoặc là nước hồ Hoàn Kiếm bị cạn dần, nhờ vậy đảo Rùa mới trở thành lớn rộng như ngày nay.

*

Mấy ai còn nhớ bài “Hồ Hoàn Kiếm” của thời mới cắp sách đến trường ?

“Trong thành phố Hà Nội có một cái hồ gọi là hồ Hoàn Kiếm. Tục truyền rằng một hôm vua Lê Thái Tổ ngự ra câu cá ở bờ hồ, chỗ gần sở Đốc lý bây giờ, bỗng có một con rùa thật lớn nổi lên trên mặt nước. Vua lấy thanh bảo kiếm ném con rùa, thì nó lặn xuống, rồi nó đem thanh kiếm lên trả vua. Bởi thế mới đặt tên là Hoàn Kiếm…” (Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng, 1948, tr. 94).

Sử gia Trần Trọng Kim và đồng nghiệp đứng riêng một phe. Các ông cho rằng tên Hoàn Kiếm là do tích rùa mang trả kiếm cho vua Lê Thái Tổ.

Lê Lợi được trời cho thanh bảo kiếm để dẹp giặc. Dẹp xong giặc, lên làm vua, trời lại cho Lê Lợi giữ luôn thanh kiếm!

Cách trình bày này làm mất hết ý nghĩa cao đẹp của truyền thuyết.


(Nguồn: trang
chimviet.free.fr)