“Ôi! Cái văn chương ngôn ngữ nước nhà (...) Tiếc thay! Quốc dân (...) chỉ đua nhau học tiếng ngoại quốc, lấy thế làm vinh (...) Bé con hỉ mũi chưa sạch (...) bố mẹ cũng đã cho (...) bập bẹ, bấm be (...) Nghĩ cũng nực cười thay!”.

Bây giờ đang là thời quốc dân đua nhau bập bẹ, bấm be tiếng Anh. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xuống, kinh tế Tàu tiếp tục lên, rồi ta sẽ đua nhau bập bẹ, bấm be tiếng “Trung” trở lại, y như thời Bắc thuộc và cả sau Bắc thuộc.

Thua vật chất, mất tinh thần, bỏ tinh thần, rước tinh thần.(1)

Diễn biến lặp đi lặp lại suốt hai mươi mấy thế kỷ...

Làm cái văn hóa tinh thần của một dân tộc cứ phải tiếp xúc với những dân tộc khác giàu mạnh hơn mình, nghĩ cũng
nực khóc thay! (Thu Tứ)

(1) Tức: Thua người về vật chất, khiếp sợ, bỏ văn hóa tinh thần của mình đi, rước văn hóa tinh thần của người về.



Nguyễn Mạnh Hồng, “Một cuộc thưởng ca” (3)




Nói đến cuộc dã ca, ký giả lại hồi tưởng đến khi còn ở trọ gần nhà mấy anh thợ làm đồ đồi mồi, họ tốt giọng lắm. Những lúc đêm khuya thanh vắng, họ cất giọng hát lên, nghe cũng êm đềm, não nuột lắm. Lại những khi ở nhà quê, những đàn bà, con gái họ làm nghề dệt cửi và nghề thêu đăng-ten ở xung quanh láng giềng, đêm hôm tĩnh mịch, họ vừa làm vừa hát, mình nghe cái tiếng véo von, ánh ỏi như rót vào lỗ tai, khiến cho tâm thần cũng thấy khởi hứng. Thậm chí có khi nằm thiu thiu ngủ, mà chợt nghe thấy tiếng hát hay ở bên cạnh, cũng phải tỉnh lại mà nghe (...)

Lại những khi một mình đi lững thững trên con đường cái quan hay con đường bờ ruộng, mà bóng chiều thì đã xế, dặm về thì còn xa, chợt thấy đâu ở trong ngàn dâu xanh ngắt hay trong dải lúa xanh om, nẩy lên một tiếng lanh lảnh như tiếng chuông đồng, là cái tiếng của chị chàng nào đang hái dâu hay đang vơ cỏ đó, kể một câu Kiều lẩy để ví von hờ hững rằng:

Bóng dâu đã xế ngang đầu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi!


Thì cái cảnh tình của chị thế nào, cứ nghe kể câu Kiều đó cũng đủ biết.

Hay là hát một câu ca dao để ve vãn bâng quơ rằng:

Hỡi anh đi đường cái quan!
Dừng chân đứng lại, em than vài lời...


Thì cái anh chàng đi trên đường cái quan kia, giá việc có được rồi, ngày có còn dài, thì cũng dừng chân đứng lại, nghe xem chị than thở ra làm sao. Hay là chị than về nỗi cảnh ngộ lầm than, nhân duyên trắc trở chăng? Hay là than về nỗi nhân tình chểnh mảng thế sự éo le chăng? Nhưng mà:

Việc đời bận lắm ai ơi!
Có nhàn chăng đã ra người phong lưu...


(...)

Nghe thấy mấy câu hát đó, khiến lòng lại nghĩ đến đường văn chương, ngôn ngữ nước nhà.

Ôi! Cái văn chương ngôn ngữ nước nhà, há lại không phong phú, không cao thâm, không thanh tao, không hùng hồn hay sao? Cứ xét ngay trong một bộ Truyện Kiều, và trong những câu ca dao, phương ngôn, tục ngữ thì biết bao nhiêu là cái hay (...) Thật là một cái kho (...) văn chương vô tận (...) Tiếc thay! Quốc dân mình không mấy người chịu lưu tâm, chú ý đến mà luyện tập (...) Chẳng những không chịu lưu tâm luyện tập, lại coi hững hờ rẻ rúng nữa. Chỉ đua nhau học tiếng ngoại quốc, lấy thế làm vinh; thậm chí có những đứa bé con hỉ mũi chưa sạch, nói ngọng chưa xong, bố mẹ cũng đã cho con bập bẹ, bấm be đôi ba vần Pháp “la vát” (la vache), hay vài bốn chữ Tàu: “chi, hồ, dã, giả”. Nghĩ cũng nực cười thay!


(Trích từ bài du ký “Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai” của Nguyễn Mạnh Hồng, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 100, tháng 10 & 11-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III)