Khi đất nước độc lập, và vào thời thịnh trị, chỉ những người đủ tư cách mới được ra làm cha mẹ dân.

“Thời này”, quyền ở cả trong tay giặc, nên dĩ nhiên “bọn chó săn (được) ra làm cha mẹ...”.

“Cái nước Nam đến bước mạt” từ ngày nhà Nguyễn ký hòa ước Patenôtre (1884) kia.

Nho Việt yêu nước trước thờ vua, nên vua ký thì mặc vua, nho cứ đánh giặc cứu nước.

Nho đã không cứu nổi, giờ đến lượt con nho. Con của nho theo “giáo” gì, chuyện ấy không quan trọng. Cứu cho được nước! Nước cứu rồi, giáo mới sẽ phải thỏa hiệp với văn hóa dân tộc như chính Nho giáo đã.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (2)



Cũng như nhiều nhà nghèo ở các làng vùng ven sông Lương, nhà Khắc ở ngoài rìa làng, trên đất bãi, giữa những khu vườn chuối và những nương dâu hẻo lánh, nhà nọ không nghe tiếng nhà kia. Hàng năm, cứ đến tháng bảy tháng tám, nước sông lên ngập bãi, tràn vào già nửa làng, đường sá, vườn sân đều đỏ ngầu nước, mấp mé đến các nền nhà. Nước lên nhanh nhưng thường rút cũng nhanh, mỗi cơn nước ngập chừng vài ngày, rồi chỉ trong một hôm, có khi chỉ một buổi đã rút xuống hết, để lại một lớp bùn đỏ quạch nhớp nháp ở khắp mọi nơi. Gốc cây, đường đi, chân tường, bờ ao, mặt ruộng, tất cả đều tráng bùn đỏ, cho đến cả chân tay người cũng vậy.

Hôm ấy, đường trong làng Chẩm cũng còn lầy bùn nước mới rút xong. Hội cứ nhắm mắt mà đi, vừa lội vừa trượt, mò mẫm trong bóng tối. Khi anh đến nơi thì gia đình Khắc đang ngồi ăn cơm trên hiên nhà. Ngoài Khắc ra, cái gia đình ấy còn có bà mẹ già, cô em gái và đứa con nhỏ của Khắc. Họ ngồi cả chung quanh cái mâm gỗ đặt dưới đất, trong ánh sáng lù mù của một ngọn đèn hoa kỳ.

Thấy bóng khách lạ từ ngoài ngõ tối đi vào, người nhà hơi giật mình buông đũa nhìn lên. Người em gái Khắc nhận ra Hội đầu tiên:

- Tưởng ai! Lâu quá bác mới sang chơi. Thu chào bác đi.

Đứa bé ngẩng lên, lúng búng:

- Bác ạ...

Cô Quyên đã đứng dậy vào trong nhà thắp cây đèn dầu tây và lấy cái ấm siêu xuống bếp đun nước.

Hội bây giờ mới hết lo. Nhưng anh bỗng lại hơi se lòng. Biết đâu, chỉ nay mai, cái gia đình đã chịu nhiều đau thương này lại chẳng xảy đàn tan nghé một lần nữa? Hội lên tiếng chào bà cụ:

- Bác vẫn khỏe đấy chứ ạ? Bác cứ xơi cơm đi, mặc con.

Khắc đứng dậy bắt tay bạn, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng:

- Anh vào chơi trong nhà.

- Vâng, anh cứ ăn cho xong bữa đi, mặc tôi.

Gian nhà gỗ vẫn như hồi hơn một năm trước, ngày Khắc mới được tha ở Côn Đảo về. Ngày ấy Hội sang thăm cũng ngồi ở cái bàn tre và đôi ghế gụ cũ này. Cái nhà gỗ năm gian đang hỏng nát, nền nhà lát gạch đã long lở nhiều chỗ. Giữa nhà là bàn thờ, một nửa nhà thành nơi nuôi tằm. Gần cửa sổ kê cái bàn viết của Khắc. Đồ đạc tuềnh toàng chỉ có vậy, dấu tích một gia đình dòng dõi cũ có lẽ chỉ còn ở mấy cây đèn thờ, cái lư hương cổ bằng đồng hun, và mấy chồng sách chữ nho xếp trên bàn thờ.

Vẻ thanh bạch quen thuộc ở đây làm cho trong lòng Hội lắng lại, nhớ những hình ảnh từ đã rất lâu. Ngày ấy Hội còn để chỏm và theo bố đến đây xin cụ tú Mai cho mấy chữ “nhân chi sơ” đầu tiên. Hội vẫn còn nhớ phảng phất nét mặt gầy và chòm râu nhọn của nhà nho già. Trước mặt môn sinh, cụ tú luôn mồm chửi Tây thậm tệ, nhưng cụ còn chửi bọn Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân cay độc hơn nữa. Cũng ở trước cái bàn tre này, như còn văng vẳng giọng ông cụ: “Hừ! thằng Vĩ mà bây giờ làm tuần phủ. Thời này, bọn chó săn ra làm cha mẹ dân cả. Cái nước Nam đến bước mạt rồi!”. Những lúc ấy, cụ tú rít lên, cười khạch khạch trong cổ họng, làm Hội và lũ học trò nhỏ ngồi sợ sệt im thít. Những buổi đi học về, Hội kể chuyện lại với bố thì ông buồn rầu nói: “Ông cụ tú chẳng chịu bó tay đâu, mà họ cũng chẳng để cho ông ấy yên!”. Quả nhiên, hồi Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ tú Nguyễn Mai bị bắt và đày đi Côn Lôn rồi chết ở ngoài đảo.

Ông cụ tú mất đi nhưng cái chí của cụ đã truyền lại cho đám con. Năm ba mươi, Khắc bị bắt về tội làm cộng sản. Tòa đề hình xử án hai mươi năm tù và Khắc cũng lại đi Côn Đảo. Ai cũng tưởng thế là Khắc lại chết ngoài đó. Đến hồi chính phủ bình dân Pháp lên, Khắc được tha về nhưng hai lá phổi của anh đã bị vi trùng lao đục ruỗng. Nếu Khắc lại bị bắt thì gia đình này có lẽ tan nát hẳn. Ý nghĩ ấy làm cho Hội xôn xao cả trong lòng.

Cô Quyên đã bưng khay nước lên, nhanh nhảu mời khách.

- Bác gái em và các cháu bên nhà có được mạnh không thưa bác?

- Cám ơn cô, nhà tôi và các cháu cũng vẫn nhì nhằng vậy.

Khắc đã ăn cơm xong và bước vào, cười và nói đùa:

- Anh đến nhà người bị quản thúc mà không vào trình diện qua ông lý nhé!

Hội cũng cười. Khắc nói tiếp:

- Anh lội có khổ lắm không? Ấy may nước vừa rút hôm qua đấy. Tôi đang lo nước còn lên to nữa, khéo mà lại vỡ đê như năm băm bảy chứ không chơi.

Hội vừa uống nước vừa bắt vào chuyện:

- Không, năm nay có lẽ sắp hết con nước rồi. Năm kia thì chập này còn đang mênh mông đâu cũng ngập hết.

Hội châm điếu thuốc lá hút im lặng mấy phút, rồi chép miệng, nói thêm:

- Mà không biết chừng lại sắp hạn hán đến vỡ đầu ra cũng nên. Giời đất mình thật ác!

- Mà nào chỉ có chuyện giời đất! Chắc anh lại sắp kêu tôi là hay...

Khắc vừa nói vừa cười. Người bạn của Hội cằm vuông, lún phún râu, miệng rộng có cái cười thật thà. Khắc giống cụ tú ở hai con mắt một mí lúc nào cũng như có những tia lửa nhảy nhót. Hội nhìn bạn và nhớ lại hình ảnh Khắc ngày mới được tha về, hai gò má nhô ra, lỗ mắt trũng hoáy, người gầy trơ xương lêu đêu như con hạc. Khắc đã đoán được ý nghĩ của bạn.

- Hồi này anh nom tôi đã khá nhiều rồi phải không?

Hội gật đầu, thoáng cười và cầm xem mấy quyển sách chữ nho cũ trên bàn (...)

- Anh vẫn dịch sách cho nhà Khai Hóa đấy à?

- Vâng. Tôi mặc cả mãi họ mới ưng cho dịch mấy quyển cổ văn. Dịch những thứ này thì công rẻ lắm (...)

Hai người cùng im lặng mấy giây. Hội bỗng nói khẽ hẳn:

- Anh Khắc ạ, trên Hà Nội hôm nay nó bắt nhiều lắm!

Vẻ mặt Khắc chăm chú hẳn lại. Khắc biết bây giờ mới là vào câu chuyện mà Hội muốn nói với anh. Hội kể tiếp:

- Hôm qua độ ba giờ sáng ô-tô nó sục đến chỗ tôi ở trọ để bắt anh Thiết. Không thấy anh ấy, nó tra chị Thiết ngay trong nhà rồi xích tay đưa đi. Đến sáng, tôi đảo đi dò qua mấy nơi thì tòa báo Thời Nay, Lá Lúa đều bị niêm phong, hiệu sách Đồng Xuân cũng bị khám, sách báo còn vứt cả ra hè. Mấy trụ sở ái hữu phố Hàng Bông, Cửa Nam, Chợ Hôm đều có mật thám lượn. Nghe nói nó bắt được cả anh Toản, anh Ngân rồi. Suốt buổi sáng, ô-tô đi sục hàng chục chuyến, chuyến nào cũng bắt người, các phố xao xác cả lên.

Khắc cúi đầu ngẫm nghĩ và hỏi khẽ:

- Thiết... có phải anh Thiết người Quảng Nam, ở báo Lao Động không?

- Phải đấy.

Vẻ mặt nhanh nhẩu, hồn nhiên của Khắc lúc này đã khác đi. Miệng anh hơi mím, trán nhăn lại. Bỗng dưng Khắc nhìn Hội rất nhanh, như muốn cân nhắc lại những điều Hội vừa nói. Khắc lại hỏi:

- Anh có được tin gì thêm nữa không?

Hội lắc đầu:

- Anh cũng biết tôi ở trên ấy không quen anh nào, chỉ có anh Thiết ở cùng nhà thì còn thường trò chuyện. Nên sáng nay, tôi nghĩ là nên về báo tin cho anh biết sớm chút nào hay chút ấy thì hơn. Có lẽ anh ở đây...

Khắc hiểu ý, gật đầu:

- Anh nói đúng đấy. Tôi cũng chỉ được vài bữa nữa thôi, có khi không được vài bữa cũng nên.

Khắc nắm chén nước trong tay, mãi vẫn chưa đưa lên miệng uống. Hội rụt rè hỏi:

- Anh thấy tình hình bây giờ rồi sẽ ra sao?

- Chúng nó sẽ khủng bố nữa!

Khắc đặt chén nước xuống bàn, trả lời cộc lốc.

Hai người cùng trầm ngâm mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Dưới bề ngoài vẫn bình thản, thực ra máu đang chảy mạnh trong mọi huyết quản của Khắc. Cả người anh căng thẳng như một con ngựa chiến đã vểnh tai lên nghe ì ầm nổ tiếng súng trận ngoài xa.

Họ bỗng lắng tai nghe ngóng. Ngoài xóm râm ran tiếng chó sủa. Con chó con ở nhà Khắc cũng lên tiếng cắn theo, í ẳng ngoài sân. Lúc đó bà cụ tú cũng lom khom dắt đứa cháu vào buồng trong đi ngủ.

Khắc bảo bạn:

- Ta ra ngoài nói chuyện tiện hơn. Nhân thể, tôi đưa anh một quãng đường.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)