Dĩ nhiên Tàu muốn “ở lại luôn” lắm, nhưng tình thế không tiện chút nào. Nội chiến Tàu đang rất ác liệt, đâu phải lúc xung đột với Pháp!

Giặc Pháp sắp ra để... hạ thành Hà Nội lần thứ ba.

Lời hiệu triệu đồng bào ngày 22 tháng 2 năm 1946 chứa mấy chữ mà ý nghĩa sẽ quán xuyến toàn bộ cuộc kháng chiến gian khổ nhất trong lịch sử dân tộc.

“Trường kỳ, toàn dân, toàn diện”...

“Trường kỳ” thì dễ hiểu. “Toàn dân” cũng dễ hiểu, nhưng không thể đạt mức trọn vẹn vì một số lý do. “Toàn diện” là chuyện mới mẻ: tất cả các lần đánh ngoại xâm trước đều hoặc quân sự thuần túy hoặc quân sự kết hợp với kinh tế, riêng lần này phải mở cả mặt trận chính trị, mặt trận ngoại giao...

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Rục rịch Tàu về, Pháp ra…”



Tôi trở lại Hà Nội giữa lúc đồng bào đang xôn xao, căm phẫn vì quân Pháp tràn vào Lai Châu. Đây là đám tàn quân của A-lét-xăng-đri chạy Nhật hồi đảo chính mồng 9 tháng 3 năm trước (1945). Từ đó, bọn chúng vẫn bị chính phủ Tưởng Giới Thạch giữ ở một vùng gần biên giới Việt – Hoa. Thực ra, đám quân này đã qua biên giới từ cuối tháng 1. Ngay trong những ngày Tết, một số đơn vị Vệ quốc đoàn đã nhận được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc, ngăn chặn quân địch.

Vào thời gian này, ngày càng có nhiều lời đồn đại tại Trùng Khánh, Pháp và Tưởng đang đàm phán về vấn đề Đông Dương. Tin đó do các hãng thông tấn phương Tây tung ra. Trùng Khánh vẫn giữ im lặng, không hề đả động đến chuyện đàm phán, nhưng cũng không cải chính.

Các báo ở Hà Nội kéo tới phỏng vấn Lư Hán. Lư Hán tuyên bố: Số binh lính Pháp vào Lai Châu đã được Trùng Khánh cho phép. Y nói thêm: quân Pháp phải đi theo đúng một con đường đã được ấn định. Khi các báo hỏi những tin tức về cuộc điều đình Hoa – Pháp là thực hay hư, Lư Hán trả lời: Không biết gì về chuyện này (...)

Ngày 20 tháng 2 (năm 1946), tại Pa-ri, Mu-tê, bộ trưởng bộ nước Pháp ở hải ngoại, công bố những điều khoản của hiệp ước Pháp – Hoa. Điều khoản quan trọng nhất là: Trùng Khánh bằng lòng cho Pháp đem quân ra miền Bắc Đông Dương, thay thế quân Tưởng sẽ rút đi (...)

Những hoạt động để chuẩn bị kháng chiến về mọi mặt đã được tiến hành từ trước, lúc này càng được đẩy mạnh.

Khó khăn nhất hiện thời là làm thế nào cho nhân dân hiểu rõ hoàn cảnh hiểm nghèo mà không ảnh hưởng tới chí khí chiến đấu? Làm thế nào để động viên một tinh thần chuẩn bị kháng chiến thật cao mà vẫn tránh được những hành động khiêu khích đối với quân đội Tưởng? Làm thế nào cho nhân dân không hoang mang trước những luận điệu tuyên truyền (...) của kẻ thù (...)

Ngày 22 tháng 2, dưới hình thức “Lời hiệu triệu giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến Nam bộ”, Bác viết:

“Hiện nay, ngoài chiến tranh quân sự, bọn thực dân Pháp đang tiến hành chiến tranh tinh thần, chúng phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong dân ta hoang mang nghĩ ngợi (...)

(...) phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh (...)

Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống, khiến quân địch (...) phải tiêu hao mòn mỏi (...)”.

Hồ Chủ tịch còn nêu lên các vấn đề cơ bản: cuộc kháng chiến phải lâu dài, toàn dân; ta phải đánh địch bằng cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao... (...) nhấn mạnh: “Trước hết là bằng tinh thần, bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác..., chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ”.

Đây chính là lời hiệu triệu đồng bào cả nước chuẩn bị sẵn sàng đi vào một cuộc chiến đấu trường kỳ, toàn dân, toàn diện (...)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 214-219, nhan đề tạm đặt.)