“Lương Châu từ”

của Vương Hàn




Chỉ mới nghe trống thúc quân, giờ mới nghe đàn tì bà thúc. Lên đường chưa kịp uống, vậy quắc cần câu là sau khi đã tới gần nơi sẽ là chiến trường, thấy còn sớm, nên nhậu một chầu? Rượu ngon chén quý, người uống một ông tướng? Tướng say thì “ngọa trướng” cho kín đáo, chớ gục tại chỗ coi chừng quân nó “tiếu” rần trời. “Tướng phong” như vầy, chà, sợ phen này ai nấy hơi khó “hồi” đa. Ờ, mà đi thường cũng nhiều về chớ đâu tới nỗi hiếm. Trận nào đây mà người dự bi quan thế? Dù sao, cái hình ảnh một chinh nhân lăn quay không phải bởi tay địch đã vào và vĩnh viễn ở lại trong thơ.

(Trong hai bản phóng tác, nơi chốn là đâu đó Miền Nam, khung thời gian là từ năm 1959 đến năm 1975, người uống rượu thuộc vào lực lượng không phải là quân Giải phóng hay Quân đội Nhân dân.)

Nguyên văn

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.


Dịch nghĩa

Rượu nho ngon đựng trong thứ chén ban đêm phát sáng
Muốn uống thì đã nghe tiếng tỳ bà trên ngựa thúc giục
Có say nằm nơi bãi cát bạn cũng đừng cười
Vì xưa nay ra trận đâu được bao nhiêu người về.

Dịch thơ

Bản 1 (thời xưa):

Rượu ngon chén quý mới kề môi
Chửa nghiêng, đàn gẩy: kíp đi thôi!
Túy lúy nằm say, cười chi chứ
Quỷ Môn nửa bước tới nơi rồi!
(1)

Bản 2 (vẫn thời xưa):

Rượu ngon chén quý vừa nâng
Kề môi chửa nhắp đã ngân tiếng tỳ
Nốc say nằm bãi ngủ khì
Ai cười chi kẻ một đi không về...


Bản 3 (thời nay, người uống là cấp chỉ huy):

Mác-ten rót cốc pha-lê
Cụng chưa kịp uống, “... lên xe”, lính mời
Dô! Dô! Cấm đứa nào cười
Mai giao chiến biết còn đời hay không!


Bản 4 (thời nay, người uống là lính):

Gò Đen còn nửa bi-đông
Mở chưa kịp uống, “Tập trung!” vang trời
Biết đâu mai sớm xong đời
Tối nay xài hết, miễn cười, anh em!


Bản dịch thơ khác

Rượu đào chén ngọc sáng choang
Trên yên, sắp uống, đã vang tiếng tỳ
Say lăn bãi cát, hề chi
Những người ra trận, mấy khi lại về.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ
















______
“Khúc Lương Châu” là tên một ca khúc cổ.
(1) Thơ xưa không biết tên có câu:
“Quỷ Môn quan! Quỷ Môn quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!”, nghĩa là: “(...) Mười người ra đi, chỉ một người trở về!”. Nguyễn Du cũng có bài thơ chữ Hán nhan đề “Quỷ Môn quan”, đề vịnh một chỗ núi non hiểm trở thuộc tỉnh Lạng Sơn.