Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1939 hoặc 1940, sau khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ.

Cảnh mở đầu là một vùng quê gần Hải Phòng.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (1)



Đoàn tàu chỉ đỗ hai ba phút ở cái ga xép gần đầu cầu xe lửa rồi lại huýt còi, phụt khói, hỗn hễn chạy đi. Bóng những toa tàu xa dần, chỉ còn là một vệt đen mất hút trên đồng bằng. Một hồi còi dài cuối cùng vẳng lại. Trên cái sân ga hiu quạnh đang tắt dần nắng, mấy người đàn bà vừa ở tàu xuống lúi húi xếp lại quang gánh để ra về.

Hội cắm cúi đi lẫn trong đám hành khách ra ngoài ga.

- Ông giáo về chơi đới?

Từ trong một cái quán nhỏ bên ven đường, tiếng ông cụ Tư Gạch bán nước hỏi ra.

- Thế nào, bên Tây bên Tàu đánh nhau đến đâu rồi, ông vào uống chén nước với lão cái đã. Trên Hà Nội người ta chạy loạn cả rồi phải không ông giáo?

Cụ già lom khom từ trong túp lều chui ra, và đứng thẳng lên. Ông cụ đầu trọc, mấy sợi râu loăn xoăn trắng bạc, mặt gồ ghề như tạc vào một tảng đá cháy đen, hai vai rộng, cánh tay dài, bàn tay thật to làm cho ông có vẻ người cổ sơ, khỏe mạnh khác thường.

Hội vui vẻ dừng lại chào ông lão.

- Ấy thưa cụ người chạy đi, kẻ lại chạy về, như là đèn cù ấy thôi.

Hai người vừa nói được đôi câu thì tiếng còi ô-tô râm ran làm họ ngoái cổ chú ý. Từ phía Hải Phòng, một đoàn ô-tô phóng lên. Đoàn xe dài quá, ba chục, bốn chục, năm chục chiếc còn chưa hết, toàn những xe cam-nhông Mỹ mười bánh sơn màu cỏ úa còn mới tinh, nối đuôi nhau phóng bạt mạng. Còi bóp đinh tai, bụi bốc mù mịt, những bánh xe nảy uỳnh uỳnh trên mặt đường.

Lâu nay dân hai bên đường số năm đã quen thấy hàng ngày những đoàn xe như vậy chạy qua. Đó là ô-tô Mỹ chở qua đất ta sang cho chính phủ Tưởng Giới Thạch đang đánh nhau với Nhật Bản.

Ông cụ Tư đã kéo Hội vào trong quán để tránh bụi. Mấy người khách buôn ngồi uống nước kháo nhau:

- Gớm! Ở Hải Phòng bây giờ còn ứ lại không biết bao nhiêu ô-tô ông ạ.

- Vâng, tôi nghe người ta nói dưới ấy cơ man là ô-tô, không còn một miếng đất nào bỏ trống nữa. Ai đời, một bãi đất hoang trước kia chỉ để đổ rác, mà bây giờ cũng cho thuê được tháng mấy chục bạc, làm nơi xếp ô-tô. Người Tàu họ vẫn cứ chạy loạn sang ta đông lắm, ô-ten, cao lâu cứ mở ầm ầm, đủ các cô Hồng Kông, Thượng Hải, họ bảo ở Hải Phòng bây giờ cứ gảy ngón tay cũng hái ra tiền.

Đoàn ô-tô đã chạy qua, chỉ còn để lại đám bụi mù. Hội đứng dậy:

- Thôi, cháu phải về kẻo tối.

- Hôm nào trở lên, ông giáo nhớ tạt vào nói chuyện nhá.

Hội đi nhanh ra phía bờ sông.

Buổi chiều thu đang thoi thóp tắt dần. Dưới gầm cầu xe lửa, con sông Lương ào ào xoáy nước chảy qua. Nơi bến phà cũ, hai ba con thuyền cắm sào bập bềnh đang lên lửa thổi cơm, khói bếp bay là là trên mặt sông.

Buổi chiều êm đềm quá. Hội rẽ xuống con đường đê, và khoan khoái đón gió đồng thổi lùa trên mặt anh mát rượi. Mỗi lần về đến đất quê, Hội lại như con chim vừa rứt được dây, bay ra ngoài trời. Đời sống tù túng, nhay nhắt của một anh giáo khổ dạy tư ở Hà Nội lúc này đã xa đi, tận đâu. Những lũy tre, những con đường đất quen thuộc, cánh đồng lúa gợn gió, chân trời xa rộng đầy mây, - quê hương như bà mẹ hiền xoa dịu những nỗi buồn tủi của đứa con ở xa về.

Một hồi chuông chùa đổ thong thả đằng xa như gieo vào lòng Hội nỗi buồn lặng lẽ. Mấy dãy núi phía Chí Linh Đông Triều vẫn như sóng nhấp nhô ở chân trời, và cũng như đã bao nhiêu buổi chiều, những khoảng sườn núi đang dần dần phủ một làn sương biếc. Hội vẫn cắm cúi đi trên con đường đê. Bóng tối đã bắt đầu trùm lên mặt đất. Dưới bãi sông, trong những đám cỏ lau, một vài đứa trẻ đi bắt cáy còn cố lội bì bõm dưới bùn.

Trong bóng chiều âm thầm, Hội lại thấy phảng phất hình ảnh chị Thiết lúc chị bị bắt sáng nay. Chị Thiết, hai tay bị khóa, tóc xỏa xuống lưng, mặt nhòe nhoẹt những vết máu, mắt chị lúc ấy nhìn ngoái lại muốn dặn dò điều gì? Ở các tỉnh không hiểu thế nào? Mình định về đây tìm Khắc, nhưng Khắc có còn được yên không hay cũng bị bắt rồi! Mình có nên sang bên Khắc bây giờ không? Biết đâu ở nhà Khắc lại không có một hai thằng chó đang ngồi rình như ở nhà mình hôm nay? Hội buột thở dài, ngao ngán. Nỗi buồn như từ bốn phía vây lại (...)

*

“Buổi chiều sao mà vắng ghê người”! Hội nhìn quanh, như sực tỉnh khỏi những ý nghĩ triền miên. Con đường lúc này qua những vườn vải rộng. Từ trong lá um tùm, mấy con dơi thấy động loạng choạng vỗ cánh bay ra. Tiếng mõ lốc cốc và tiếng người lầm rầm tụng kinh làm cho Hội nhận ra là mình đã về gần tới đầu làng. Bãi tha ma đã trước mặt. Cây đa già quen thuộc xòe bóng lá tối đen ôm lấy ngôi chùa Gành le lói ánh lửa giữa những đống mả ngổn ngang.

Hội bỗng có cảm giác là có người đi sau mình. Anh ngoái cổ nhìn lại quãng đường mờ. Một bóng người đang đi đằng sau thật. Cái bóng tiến đến thoăn thoắt, im lặng. Cái bóng đã tới gần, tay cắp cái nón, người nghiêng đi, đeo một cái bị bên vai. Dáng một người con gái. Hội chưa nhận ra ai thì nghe tiếng chào:

- Cậu giáo về chơi nhà đấy ạ?

- Ai đấy?

- Cháu đây mà.

Cái bóng đã tới bên. Cô con gái quệt mồ hôi trán, và đổi cái bị cói sang vai. Cái bị nặng làm cô ta vẹo lệch hẳn người.

- Cậu quên cháu rồi à? Xoan đây mà.

- Ôi chao! Thế mà tôi cứ ngỡ ai!

Hình như Xoan khẽ cười. Xoan cao, mảnh dẻ, dáng đi xốc vác. Đúng cái Xoan, con bác Mùi, không ngờ nó đã bằng ấy. Hội không biết gọi nó thế nào nữa.

- Cháu nom thấy cậu từ ngoài ga kia.

Giọng Xoan nói vui vui.

- Cháu sang bên ấp cụ tuần Vĩ về cứ lo giữa đường tối mất. Cậu đi nhanh quá, cháu đuổi mãi chả kịp. Mấy lần cháu đã toan gọi cậu lại sợ, không dám.

Hội cười. Ai ngờ mình lại còn được có người nể sợ đến thế!

- Việc gì mà sợ! Cái bị có nặng không, đưa tôi xách đỡ cho một quãng.

Xoan lại khúc khích:

- Cháu chả dám. Có cái vò rượu nhung quý bên cụ tuần gửi biếu ông nghị, cũng không nặng lắm, chỉ sợ vỡ thì chết cậu ạ.

Chóng thật, đã năm sáu năm từ ngày gia đình bác Mùi mắc nạn và cái Xoan còn bé loắt choắt đã phải đi ở gán nợ cho nhà nghị Khanh. Ngày ấy, tuổi thanh niên của Hội còn đang đầy máu nóng, cả làng Gành ai cũng đoán biết chính lão nghị đã cho tay chân bỏ bã rượu lậu vào ruộng nhà bác Mùi rồi đi báo Tây đoan về bắt bác giai, để nó cướp nhà cướp đất của bác. Hội cũng đã tìm đủ cách, nào viết thư cho mấy tờ báo ở Hà Nội, nào rủ người làng làm đơn kiện, nhưng rồi đâu vẫn đó. Lão nghị mạnh thần thế, câu chuyện oan ức của gia đình bác Mùi vẫn chìm đi như trăm nghìn chuyện oan ức khác. Không ngờ cái Xoan đi ở trong nhà nghị Khanh bây giờ đã cao bằng kia!

Hai người đã đi khỏi khu gò đống, ra đến ngã ba chợ Gành. Xoan dừng lại.

- Cậu lại nhà ạ, cháu rẽ đoạn này.

Bóng cô gái lại thoăn thoắt đi vào con đường mờ.

Hội còn lại một mình giữa ngã ba, băn khoăn không biết nên sang làng Chẩm tìm Khắc, như là đã nghĩ từ Hà Nội, hay là hẵng về nhà đã. Hội muốn về nhà, nghe ngóng cho cẩn thận, rồi mai sẽ sang thì hơn. Nhưng nhỡ không báo tin ngay cho Khắc, đêm nay hoặc ngày mai nó đến bắt Khắc, thì Hội sẽ ân hận mãi. Vả lại bên ngày sang bên Khắc, đi lại nhà người bị quản thúc, bọn hương lý bên làng Chẩm để ý, cũng rầy rà. Đêm nay không sang ngay thì mai cũng khó lòng... Hội biết thế, nhưng vẫn dùng dằng đứng ở ngã ba đường nhìn theo phía cái Xoan vừa đi. Bóng nó đã mất hẳn. Bỗng nhiên Hội cảm thấy mình đang đỏ mặt tự xấu hổ với mình. Anh rẽ xuống phía con đường đi về làng Chẩm.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)