Lối “dã ca” xưa ở vùng tổng Thanh Oai nó đại khái thế này:

“Bên nam (...) một thuyền, bên nữ (...) một thuyền (...) nam xướng (...) nữ họa (...) bắt đầu hát (...) cất cao giọng (...) dần dần hạ thấp (...) khi ngân (...) khi hãm (...) hát (...) những câu giao tình (...) như (...) hát đúm, hát trống quân”.

Cảm tưởng của “ký giả” thế này:

“Đêm thanh, cảnh tĩnh (...) trông lên vầng trăng len lỏi đám mây bay, nhìn xuống mặt nước nhấp nhô làn sóng gợn (...) nghe cái giọng (...) khi thì véo von như tiếng chim hót, khi thì ti tỉ như tiếng dế kêu (...) cũng (...) thưởng tâm, lạc sự”.

Nghĩa là vui, nhưng chưa vui lắm. Ấy hẳn bởi bọn hát chưa ai thực trội. “Hốt nhiên”, như từ trên cung trăng rơi xuống... Cô gái ấy xuất hiện như trăng rằm làm biến hết cả sao! Nhưng cô hát đủ lối như thế thì cái lối riêng ở Thanh Oai nó ra thế nào?

Mà thôi, phân biệt các lối cũ với nhau chi, vì lối nào thì cũng đang bị tiêu diệt: “gần đây, phong khí biến thiên (...) những lối chơi cũng đã dần dần đổi cũ ra mới”.

Đổi, “nhưng đã chắc đâu rằng lối mới là hay, mà lối cũ là dở; đã chắc đâu rằng lối mới là văn minh, mà lối cũ là hủ bại!”.

Rồi người đi “thưởng” sẽ kể ta nghe về cuộc bể dâu trong “ca”.
(Thu Tứ)



Nguyễn Mạnh Hồng, “Một cuộc thưởng ca” (2)




Cuộc thưởng hát đây (...) là thưởng một lối hát cổ (...) lưu hành trong chốn dân gian, tứclà một lối dã ca (...)

Ông Mai Khê có nói chuyện với chúng tôi rằng ở vùng tổng Thanh Oai có lối hát cổ hay lắm, đã lâu không có người hát đến nữa. Nay ông nghĩ rằng nếu không ai thưởng thì lâu ngày lối hát ấy sẽ thất tích, mà để nó tiêu diệt mất thì cũng hoài. Vậy ông có ý muốn bảo tồn và muốn mời chúng tôi về để quan sát. Tưởng cũng là một cái ý hay, vì gần đây, phong khí biến thiên, trong những lối chơi cũng đã dần dần đổi cũ ra mới; nhưng đã chắc đâu rằng lối mới là hay, mà lối cũ là dở; đã chắc đâu rằng lối mới là văn minh, mà lối cũ là hủ bại!

Ông Mai Khê bèn cố hết sức đi tìm khắp trong hàng tổng lấy mấy người, vừa nam, vừa nữ có thể hát được, rồi ông thuê mấy chiếc thuyền tụ hội cả ở khúc sông ngay ngõ nhà ông ra, lấy đấy làm nơi ca tịch. Ông lại treo giải để tưởng khuyến bọn ca nhân.

Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu thật! Nào tân, nào chủ, nào gia quyến, nào hương nhân, ước tới trăm người, đứng quây quần cả ở trên bờ và dưới nước (trên thuyền) để nghe hát (...)

Bọn ca giả thì bên nam ngồi một thuyền, bên nữ ngồi một thuyền; khi hát thì bên nam xướng lên trước, bên nữ họa lại sau, hai bên hát đối nhau chầm chập. Lối hát này, khi bắt đầu hát thì cất cao giọng lên, rồi dần dần hạ thấp xuống, giọng cũng đủ cả khi lên bổng, khi xuống trầm, khi ngân hơi, khi hãm giọng (...) những câu hát thì phần nhiều là những câu giao tình du hí, như những câu hát đúm, hát trống quân vậy (...) (cũng) có những tiếng trợ ngữ (...)

Cái giọng hát (đây không) réo rắt (...) nỉ non (...) như trong xóm Bình Khang. Thế nhưng mà, giữa lúc đêm thanh, cảnh tĩnh, ra đứng ngoài mũi thuyền mà trông lên vầng trăng len lỏi đám mây bay, nhìn xuống mặt nước nhấp nhô làn sóng gợn, và lắng tai nghe cái giọng những người điền phu, dã phụ hát đó, khi thì véo von như tiếng chim hót, khi thì ti tỉ như tiếng dế kêu (...) thế cũng là thắng cảnh, lương thần (...) thưởng tâm, lạc sự (...)

Bọn ca giả này hát vào khoảng hết trống canh hai thì hốt nhiên có một người con gái ở đâu vào dự cuộc hát, quyết tranh lèo, giật giải với bọn kia; rồi sau quả nhiên cái tài của cô việt xuất được cả bọn kia thật (...) Cô có cái tiếng tốt (...) lại hát được cả giọng nam, giọng bắc lẫn giọng kinh. Khởi đầu cô hát những điệu cổ, rồi sau hát đến những lối phổ thông trong xã hội bây giờ, như giọng ca, giọng xẩm, giọng hãm, giọng ru, giọng trống quân, trống quít, giọng hát gõ, hát chèo, giọng đò đưa, giọng sa lệch, giọng kể chuyện, giọng ngâm thơ, giọng nào cô cũng hay, mà lối nào cô cũng thuộc. Một mình mà pha được đủ giọng, ngả được đủ trò, cô này thật là một người có biệt tài về đường ca xướng (...)


(Trích từ bài du ký “Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai” của Nguyễn Mạnh Hồng, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 100, tháng 10 & 11-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III)