Ðất Sở vốn thuộc người Việt tộc, sau bị Hoa tộc nam tiến chiếm mất. “Cửu ca” đại khái là thơ tả một cảnh sinh hoạt của người Việt tộc trên đất Sở. Sinh hoạt ấy, hẳn rất lạ đối với người Hoa, xem kỹ chính là một buổi lên đồng! Ta có lên đồng, chủ trước của đất Sở cũng có lên đồng. Lẽ nào ngẫu nhiên! (TT)



Bình Nguyên Lộc, “Cửu Ca tả lên đồng”




Bài thơ “Cửu Ca” trong tập Sở từ (...) là một bài giả tế ca (...) được sáng tác để chơi vậy thôi, chớ không phải là tế ca thật sự. Lời thơ kêu gọi thần linh, y như là chủ bái kêu gọi, nhưng nó chỉ là lời thơ, vì nó có tả cảnh. Chủ bái thật sự không tả cảnh trong lời khấn vái bao giờ. Ðó là chi tiết không ai thấy (…)

Chúng tôi không có bản Sở từ nào trong tay hết và dưới đây là lượm lặt những phân tách của Granet, Chavannes và nhứt là của H. Maspéro. Những vị này phân tách “Cửu Ca” vì mục đích khác (...) nên hóa ra cuộc phân tách của họ có tánh cách khách quan tuyệt đối đối với luận cứ của chúng tôi (...)

Tác giả “Cửu Ca” tả các bà đồng ăn mặc rực rỡ như các vị thánh mà các bà chầu mời (Thần Mưa, Gió, Mây, Núi, Sông, Mặt trời v.v.), y phục các thánh thần cũng được tả, rồi các bà múa theo nhịp trống kèn càng lúc càng quay cuồng. Lời chầu mời tỏ lòng tưởng nhớ các thánh thần đó, nhưng không có hạ mình trước các thánh thần, chỉ coi các thánh thần là bậu bạn mà thôi. Các bà nhại cái chuyến đi đến nơi ngự của thánh thần bằng những cuộc múa vũ. Và lời tỏ lòng tưởng nhớ bắt ta nghĩ đến tình yêu hơn là lòng thành khẩn đối với thánh thần.

Các bà vừa múa vừa kêu gọi thánh thần như vậy cho đến khi các bà lả người, ngã xuống là lúc các bà đã đến nơi rồi. Các bà bèn có những cử chỉ, những lời lẽ mời thánh thần giao hợp với các bà. Có như thế, những gì các bà nói, mới chắc chắn là lời thánh nói, bởi sự giao hợp có giá trị (...) nhất hóa (...)

Thì ra, đó là thơ tả một hoặc các buổi lên đồng chớ không có gì lạ (...) Việc lên đồng trong xã hội Việt Nam, không thấy có cái pha gây cấn cuối cùng đó, vì (...) ta về sau theo lễ giáo Khổng Mạnh, nên phải bỏ đi, nhưng xưa thì có.

Ông H. Maspéro cho biết rằng trong xã hội Gia Rai các bà đồng vẫn còn mời thánh giao hợp với các bà (...) Theo chúng tôi nghiên cứu ở chương ngôn ngữ thì Gia Rai thuộc đợt hỗn hợp, tức y như Việt Nam.(1)


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)




















__________
(1) Ý nói người Gia Rai và người Việt Nam đều là Mã Lai đợt I hỗn hợp với Mã Lai đợt II. (TT)