“Sông núi ngày xuân”

Trần Huiền Ân




Tháng chín tháng mười, mưa trắng trời trắng đất. Nhìn không thấy núi nữa. Ngọn núi cao nhất cũng đã bị xóa nhòa trong màn nước đổ. Mưa khỏa từ cao xuống thấp, chẳng chừa một khoảng trống nào. Cũng không nhìn thấy sông nữa. Sông tràn lên ruộng đồng, đất thổ, vườn tược, nước ngập mênh mông phả lấp bãi bờ.

Mưa, lụt nhưng không lạnh. Trái lại, hình như có chút gì ấm áp của vui vẻ đợi chờ. Ta đang sống trên sông núi của đất trời, sống dưới nắng mưa của trời đất, thụ hưởng những gì tạo hóa ban cho, cứ thế năm tháng xoay vần.

Rồi mùa mưa đi qua như nhanh hơn. Nắng ráo thay chân mưa tạnh để núi lại hiện ra. Ngọn núi cao nhất bây giờ hóa ra hiền lành nằm giữa quần sơn nhấp nhô. Nước rút hết cho sông lại hiện ra. Chỗ khúc sông quành ôm chân núi vẫn là bãi cát vàng rộng, một ít rều rác đọng thành dấu vòng cung. Buổi sáng, buổi chiều những con chim nhỏ thong thả đi theo mép nước nhìn mặt sông gợn sóng lăn tăn. Núi già dặn đậm đà bởi mưa rửa sạch bụi bặm mùa hè, gió lay rụng hết lá vàng mùa thu.

Và năm đang dần tàn.

Lúc này nửa đêm về sáng lạnh buốt, thức giấc rồi e không muốn dậy, nhưng dậy rồi thấy khác hẳn. Dù đã quá quen thuộc, người dân miền quê không khỏi cảm nhận chút gì đó như ngạc nhiên, những chàng trai chớm yêu, những cô gái mới lớn, những đứa trẻ hồn nhiên thì thoáng qua dáng vẻ ngẩn ngơ. Một điều thay đổi, kỳ lạ và mới mẻ đang âm thầm dàn trải chung quanh. Trời xanh hơn chăng? Mây trắng hơn chăng? Hương thơm của núi rừng, vị ngọt của sông nước, gió nhẹ bổng, màu nắng cũng nhẹ. Ta bước đi trong không gian thấm đậm thân tình.

Tháng chạp ngổn ngang công việc phải làm, trên rẫy, ngoài đồng, trong nhà, giục giã, gấp gáp, dù thức khuya dậy sớm ngày đêm cứ thoăn thoắt hết. Chợt một buổi trưa yên tĩnh nhìn ra sân trước, mấy hàng vạn thọ nở tràn, đủ màu sắc, cây này vàng tươi, cây kia vàng sậm, có cây loại hoa nhỏ, chung quanh cánh tía, mùi lá vạn thọ hăng hăng. Ở nhà sau có lẽ nhả bánh thuẫn đầu tiên vừa chín tỏa mùi thơm. Người ta gọi chung là bánh cúc, bánh thuẫn, vì cùng một thứ bột pha chế, chỉ khác nhau khuôn đổ, bánh cúc giống hoa cúc, bánh thuẫn có hình thuẫn. Thật ra bánh cúc giống hoa vạn thọ hơn hoa cúc. Hoa vạn thọ và bánh cúc bánh thuẫn là tiêu biểu ngày tết vùng quê, không thể thiếu vắng. Trong mỗi gia đình, người đàn ông cẩn trọng với hàng vạn thọ trước sân, người phụ nữ vui thích khi bánh cúc bánh thuẫn năm nay ngon hơn năm ngoái, ngon hơn các nhà láng giềng, bánh nở đều, xốp mà giòn. Trong xóm cũng chỉ ba bốn người gói bánh tét khéo tay. Đòn bánh cân đối, tròn, chặt, nhưn nằm đúng chính giữa, khi tét ra cái bánh da xanh ruột trắng, vừa dẽ vừa đẹp. Nó sẽ đi cặp kè với dĩa dưa món đủ màu sắc mời nhau ngày tết. Nấu bánh tét phải dùng nồi bảy, chụm bằng củi gộc nguyên cây vác từ rừng về, phải đúng độ lửa bánh mới chín ngon.

Khuya cuối năm mọi việc đâu vào đó, hoàn toàn yên tĩnh, nằm lắng tai nghe con gì ra đời, tức là con thượng cầm hạ thú nào nơi giồng đồi lên tiếng lúc giao thừa, để theo đó đoán định năm tới trời đất có mưa nắng hạn lạo gì chăng, mùa màng được mất ra sao, cuộc sống bà con xóm trên, xóm dưới no đói thế nào. Bâng khuâng suy nghĩ dành ý tưởng cho câu chuyện trong ba bữa tết, bảy ngày xuân.

Mùa xuân đến như bao nhiêu mùa xuân trước, đúng theo kỳ hẹn, đã biết rồi, đã nghe hơi hướm từ buổi đông tàn, đã chuẩn bị đón chờ, thế nhưng hình như vẫn là đột ngột. Sáng mồng một tết thấy tất cả mới mẻ hẳn. Dù nhà cửa lớn hay nhỏ, bàn thờ cao hay thấp, qua làn khói hương u hiển vẫn nghiệm ra sự hiện diện của tiên linh ông bà tạo ra không khí ấm cúng thân tình. Không nói lớn tiếng, không la rầy con trẻ, ai nấy cùng tôn trọng một điều thiêng liêng.

Thăm viếng nhau, cũng con đường quen thuộc ấy bỗng chốc hóa ra rộng rãi, cũng người chơn chất bạn xuề xòa ấy, cũng giọng nói quê mùa mộc mạc ấy, bỗng chốc hóa ra tề chỉnh, trịnh trọng, lễ nghĩa, mà nào có ai cố ý tạo ra. Tự nhiên chẳng biết từ đâu những điều đó nảy sinh trong từng cá nhân. Mỗi cái tết đánh dấu sự chín chắn, trầm tĩnh hơn ở mỗi con người.

Riêng lũ trẻ chăn trâu bò ra với giồng đồi ngay từ buổi đầu năm. Giờ này ở đây không có ai nên tất cả núi sông là giang sơn của chúng. Chúng đạp lên gốc tranh đế cho những ngọn non còn ướt chút hơi sương rạp xuống, băng băng đi tới, lá tranh đế với hàng răng cưa nhỏ dày cắt cứa vào tay chân nghe hơi ngứa ngứa. Chúng gọi nhau, hú nhau, âm thanh lảnh lót càng vang động, lan xa… Buổi xế tràn ngập nắng vàng, chúng tụ lại nhìn xuống xóm làng trong thung lũng, thấy nhà cửa đường sá người đi đều nhỏ bé, bất chợt một chút xa vắng quạnh hiu, một chút buồn mênh mang vô cớ, và có giây phút nào đó thoáng qua như quên mất đang là ngày tết. Rồi nhà này, nhà kia, những cuộn khói bếp bay lên báo hiệu chiều về, làm cho cái cảm giác xa vắng quạnh hiu còn ngưng đọng chưa tan.

Những con suối mùa xuân lưu lượng trung bình, không ngập tràn như mùa đông, không cạn kiệt như mùa hạ. Nước suối dịu ấm khi ta vốc lên rửa mặt, khi ta lội ngang lội dọc, những suối nước hến màu trắng đục mát hơn, những suối lòng cạn cát nhiều được sử dụng như con đường rất tiện lợi. Ta ngẩng nhìn lên ngọn cây, dấu rều rác còn mắc vướng trên đó cho biết mực nước kỳ lụt vừa qua. Những vạt rừng gần nhìn rõ mỗi đỉnh cây lớn là một cụm tròn. Rừng cây bây giờ ba từng sắc lá. Từng dưới xanh đậm của những lá già đã trải qua một mùa đông lạnh, từng giữa xanh tươi của lớp lá non sau cơn mưa lụt và từng trên của những cành lộc vừa báo tin xuân, tím nhiều hơn hồng, hồng nhiều hơn xanh, tưởng tượng lá nào cũng chua dìu dịu như lá bứa. Trùng điệp rừng xa thì nối liền thành một mảng bình yên. Mây phơn phớt trắng nõn giăng màu trôi chậm. Đẹp nhất là đoạn sông chảy giữa hai bờ vai núi, dòng nước từ chân mây đổ thẳng xuống, mở rộng ra, thong thả về xuôi. Phía soi thấp đang chờ đợt gieo trồng.

Mồng bốn, ngày tết trâu bò. Nói “tết trâu” hay “tết bò” là nói tắt lễ tạ ơn vị thần bảo trợ gia súc, phù hộ cho trâu bò khỏe mạnh. Phẩm vật dâng cúng là xôi, chè, bánh tét và nỗi con trâu (bò) một cặp bánh dẹp, gói bằng nếp, tương tự như bánh chưng nhưng dẹp hơn, cột thành từng cặp. Lá vàng bạc dán ở cửa chuồng. Đứa trẻ chăn trâu bò ở nơi rừng núi đồng nội (dù là đứa ở thuê làm mướn) được coi là chủ bầy gia súc, phải bái lạy. Chủ nhà (người lớn) đứng vái và làm các thủ tục nghi lễ.

Mồng bảy hạ nêu. Sau đó cúng khai sơn. Đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần. Có lẽ sơn thần hung dữ hơn nên lễ cúng khai sơn long trọng hơn, tại một gốc cổ thụ, thông thường là một gốc da. Rải rác trong giồng đồi có rất nhiều cây da, mỗi cây có một tên riêng đặt theo vị trí hoặc hình dáng. Cây da đôi hai gốc liền kề nhau, cây da sà tàn sa xuống thấp, cây da dù trông giống cây dù, cây da chiến xưa là nơi đồn trại, quân binh đánh nhau, cây da miễu ở gần miễu. Có thể nói cây da là điểm sinh hoạt thiên nhiên của dân quê, là nơi bộ hành nghỉ chân, uống nước, ăn cơm dỡ, người vác củi, gánh tranh dừng lại tạm bỏ khối nặng trên vai xuống năm mười phút, mở căng buồng phổi đón ngọn gió lành, là nơi lũ trẻ u quạ, đánh trổng, bắn bi, đá bò, trên mặt tảng đá phẳng bàn cờ bằng nét than kẻ đậm, bày quân tướng lớn nhỏ bằng sỏi sạn.

Cây da cúng khai sơn hơi sâu trong rừng, chiếm ngự một vùng đất rộng, rễ phụ tua tủa buông dài, chung quanh gốc không một bụi cỏ, hình dáng đường bệ đã sẵn vẻ bí ẩn linh thiêng. Đội nhạc cử những bản ai, tiếng kèn nghe thê lương, tiếng đờn cò não nuột được tiếng trống nghiêm trang cắt nhịp cho bớt phần rùng rợn. Cúng xong, đầu heo được để lại, đêm xuống sơn thần sẽ về hưởng. Người ta tin như vậy, nhưng không ai kiểm chứng, vì sau lễ cúng không ai trở lại nơi này, đây là nơi rừng cấm tự nguyện, không cần treo bảng, không cần nhắc nhở. Cúng khai sơn xong mọi người mới được đi rừng đi núi, chặt cây, quơ củi... Sông suối thì dễ hơn, không nhiều tục lệ ngăn cản, không có lễ khai giang.

Sau tiết vũ thủy, nhất là từ cuối tháng giêng rừng núi nở hoa. Tháng hai trăm màu rực rỡ sáng trời sáng đất. Hoa vẹn sắc hương và hoa chỉ có sắc, hoa kết trái và không kết trái, hoa thực dụng và hoa trang trí phong cảnh thiên nhiên. Hoa găng vàng tươi, hoa lành ngạnh, hoa cổ rùa tím thẫm, mùi hoa nhím gắt mũi, rừng mằng lăng tới kỳ lột vỏ, phần vỏ già xám mốc rơi xuống, để lộ phần vỏ non màu lục nhạt loang lổ, mỗi ngày một đậm dần. Người dân quê ngày ngày qua lại cùng núi đồi sông nước, quen thuộc gần gũi, nhưng ít ai để ý từng chi tiết. Trừ có bọn trẻ chăn trâu chăn bò.

Mỗi bầy trâu bò có đến mấy chục con, nhưng đã thành nếp, thả ra gò trảng giồng đồi rồi tự đi ăn theo bầy, lũ trẻ chỉ trông coi, trưa gom xuống suối cho uống nước, chiều lùa về. Thỉnh thoảng cũng có con nghé đi lạc, chúng bủa nhau đi tìm, kêu gọi, chỗ này “ngưa ngưa”, chỗ kia “ngưa ngưa”. Bởi vậy chỉ riêng lũ trẻ mới hiểu rõ sông núi ngày xuân, nhận ra được mọi điều nhỏ nhặt, đứa này lanh chanh chỉ trỏ, chút bọt sóng trắng trên đầu tảng đá giữa dòng hay đám cỏ bên mé nước, hôm nay cao hơn, thấp hơn hôm qua, đơn vị đo lường là gang là bước, đứa kia lặng lẽ nằm rạp xuống mặt gò chăm chú ngắm nhìn lá tai bèo bé xíu bằng đầu ngón tay, chu miệng thổi nhẹ cho cánh hoa rung rung vì hoa nhỏ quá, gió đi trên cao không hề lay động. Chính chúng là tri kỷ của sông núi ngày xuân.


(Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng)