Phố Hàng Trống ngắn, phố Bảo Khánh lại càng ngắn. Hai kiến trúc ở trên hai phố này, dù chính xác tại chỗ nào thì cũng rất gần nhau. Chả lẽ đây cung Khánh Thụy của vua Lê, kia cung Khánh Thụy của chúa Trịnh?... Hay gọi “xây”, chứ thực ra là Trịnh Tùng đã cho sửa sang lại một cung vua mới bị nhập vào phủ chúa? (TT)



Nguyễn Dư, “Hồ Hoàn Kiếm” (3)




Đảo Ngọc Sơn

“Hồ Tả Vọng tên cũ gọi Hoàn Kiếm là một danh thắng đất Kinh kỳ xưa. Phía bắc mặt hồ, một gò đất nổi lên rộng khoảng ba bốn sào, tương truyền là chỗ đài câu cá thời cuối Lê. Trước đây, ông Tín Trai làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế tại đấy bèn mở rộng sửa sang thêm gọi là chùa Ngọc Sơn (…)” (Bài ký “Đền Ngọc Sơn đế quân”, soạn năm 1843, Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 2, Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 68-69).

“Phía đông thành Hà Nội, ở thôn Hà Thanh, huyện Thọ Xương có một cái hồ, gọi là hồ Hoàn Kiếm, trong hồ có một cái đảo, gọi là Ngọc Sơn, trong đảo Ngọc Sơn, có một đền thờ gọi là đền thờ Văn Xương. Tôi làm Án sát ở Hưng Yên, vừa đổi về, gặp ông Phương Đình dắt nhau qua chơi, ông nói với tôi rằng: hồ Hoàn Kiếm này đời xưa rất lớn, từ đời Lê trung hưng về sau chở đất về lấp làm đường xe chạy cho suốt đến Long Lâu ở Nhĩ Hà, nửa hồ bên hữu gọi là Hữu Vọng, nửa hồ bên tả gọi là Tả Vọng, núi trong Tả Vọng là đài câu cá. Đầu niên hiệu Gia Long, mới có miếu thờ Quan Võ đế (…)

Hiện nay đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước kề bờ nước, làm đình Trấn Ba, ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng văn hóa. Bên tả, phía đông cầu Thê Húc, dựng Đài Nghiên. Lại về phía đông trên núi Độc Tôn, xây Tháp Bút, tượng trưng cho nền văn vật (…)”
(Bài ký “Sửa lại miếu Văn Xương”, Tuyển tập văn bia Hà Nội, sđd, tr. 70-71).

Bài kí thứ nhất được soạn năm 1843 nhân dịp sửa đền Quan đế thành chùa Ngọc Sơn. Ít năm sau lại đổi chùa Ngọc Sơn thành đền thờ Văn Xương. Bài kí thứ nhì làm nhân dịp sửa đền thờ Văn Xương. Hai bài văn của hai người khác nhau, viết cách nhau vài chục năm, đều nói trong hồ Hoàn Kiếm có một cái đảo Ngọc Sơn, lớn khoảng ba bốn sào, là đài câu cá thời cuối Lê.

Điều này chứng tỏ gián tiếp rằng không phải Tang thương ngẫu lục (1802-1819) bỏ quên công trình xây cất trên đảo Rùa mà chỉ vì đến năm 1843 và mãi vài chục năm sau, hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa có xây cất gì trên đảo Rùa. Hai bài kí không nói tới đảo Rùa có lẽ chỉ vì đảo nhỏ và không có gì đáng nói?

Hoàng Đạo Thúy cho biết:

Đền Ngọc Sơn “đời Lê là cung nghỉ mát Thụy Khánh của chúa Trịnh”.

“Đứng ở Trấn Ba Đình, nhìn xa về hướng nam, trong một khung cảnh đẹp, nổi lên ngọn tháp trên đảo Rùa. Mùa đông, gặp trời nắng, những con rùa bằng cái nia lên tắm nắng trên đảo. Xưa kia trên đảo có đình Tả Vọng. Cái tháp này, một nhà giàu phố hàng Khay xây từ năm 1884” (Đi thăm đất nước, nxb. Văn Hóa, 1978, tr. 55).

Chúng ta được biết thêm cung Thụy Khánh, nơi nghỉ mát của chúa Trịnh tại hồ Hoàn Kiếm.

Bùi Thiết gọi cung này là cung Khánh Thụy do Trịnh Giang (1729-1740) sai xây trên đảo Ngọc Sơn. Cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống cho người đốt năm 1787 để trả thù các chúa Trịnh. Về sau người ta xây đền Ngọc Sơn tại nơi đây.

Bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, thuộc khu vực phố Bảo Khánh ngày nay, còn có cung điện Khánh Thụy do Trịnh Tùng (1570-1630) xây. Cung điện Khánh Thụy cũng bị Lê Chiêu Thống đốt phá trụi năm 1787 (Bùi Thiết, sđd, tr. 221).

Bản đồ Phạm Đình Bách cũng có nói tới cung Khánh Thụy:

“Cung Khánh Thụy : Habitation des servantes du roi Lê Thái Tổ (emplacement de la rue Jules Ferry) (Cung Khánh Thụy: chỗ ở của các cung nữ của vua Lê Thái Tổ, nằm tại phố Hàng Trống ngày nay).

Sách Hoàng Lê nhất thống chí (nxb. Văn Học, 1970, tr.191) kể chuyện vua Lê Chiêu Thống “ngầm sai người phóng hỏa đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt.

Thế là hai trăm năm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành ra bãi đất cháy đen! Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính Ngọ (1786)”.


Lâu đài cung khuyết trong phủ chúa đã có từ 200 năm trước năm 1786, nghĩa là được xây vào khoảng năm 1586 ( đời Trịnh Tùng).

Bùi Thiết phân biệt cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc Sơn và cung điện Khánh Thụy tại địa điểm phố Bảo Khánh ngày nay và cho rằng cả hai nơi đều bị đốt năm 1787. Phạm Đình Bách chỉ nói tới cung Khánh Thụy ở phố Hàng Trống (thẳng góc với phố Bảo Khánh), có từ đời Lê Thái Tổ. Hoàng Lê nhất thống chí cho biết Lê Chiêu Thống chỉ sai đốt cung điện trong phủ chúa năm 1786, nghĩa là cung điện Khánh Thụy thôi.

Rất có thể cung Khánh Thụy được Hoàng Đạo Thúy và Bùi Thiết nói tới, và cho rằng nằm tại đảo Ngọc Sơn, là do nhầm lẫn từ cung điện Khánh Thụy trong phủ chúa Trịnh mà ra.

Đối chiếu các văn bản thì thấy đời cuối Lê, địa điểm đền Ngọc Sơn còn là đài câu cá, chỗ hóng mát. Đình Tả Vọng cũng là chỗ hóng mát, duyệt quân thủy của chúa Trịnh. Cho rằng đình Tả Vọng (đình chúa Trịnh) nằm trên đảo Rùa là chuyện khó hiểu. Đảo Rùa thời chúa Trịnh rất nhỏ (sẽ nói thêm ở phần sau), những lúc tế lễ, duyệt quân thủy thì tổ chức ra sao, chỗ đâu để chứa được vài chục người? Mỗi lần hóng mát, chúa Trịnh phải đi thuyền ra giữa hồ? Nếu đình nằm tại đảo Ngọc Sơn rộng lớn hơn, có cầu nối với bờ , thì sẽ rất tiện cho việc câu cá, hóng mát, hoặc tổ chức tế lễ, duyệt quân thủy.

Đình Tả Vọng hay đình chúa Trịnh nằm trên đảo Ngọc Sơn chăng?

Rất có thể Phạm Đình Bách và Bùi Thiết đã nhầm lẫn, xê dịch chỗ hóng mát, câu cá, duyệt quân thủy của chúa Trịnh từ đảo Ngọc Sơn sang đảo Rùa.


(Nguồn: trang
chimviet.free.fr)