Trên đường đi:

“Lâu ngày lại mới có dịp trở về phần đất ở phía nam của Tổ quốc (...) Nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ đang lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù mà lòng rộn ràng.

Dọc đường, gặp nhiều đoàn quân Nam tiến (...) Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm không bao giờ phai lạt. Trên đường tới các sân ga, chiến sĩ với vũ khí, hành trang trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở đầy bộ đội, ầm ầm chạy về phía nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc (...)

Tối hôm ấy, tôi ghi vào nhật ký đi đường: “Đó là tinh thần độc lập bất tử của dân Việt. Với một dân khí như thế, nước Việt Nam ta nhất định phải hoàn toàn độc lập”.

Trên đường về:

“Tối ba mươi Tết, xe đến chân đèo Hải Vân (...) Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa. Một bên là vực sâu. Một bên là vách đá dựng đứng. Gió hun hút (...) Sương mù dày đặc. Trời mưa mỗi lúc một to (...)

Chỉ mấy tháng trời mà biết bao đổi thay (...) Một tuần trước còn là những người bí mật, len lỏi trong chốn rừng xanh. Một tuần sau, đã về giữa Thủ đô, người làm việc này, người làm việc kia (...) Bánh xe lịch sử dường như quay tít. Đối với mỗi người cách mạng, mỗi ngày, mỗi giờ lúc này, sao quá ngắn. Bước chân của thời gian đang vội vã. Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa”.

Đèo Hải Vân không cao, nhưng dài. Như dành cho một người cực kỳ bận rộn chút thì giờ vào lúc giao mùa để ôn chuyện đã và cảm khái chuyện đang:

Hải Vân lên nhớ Cao Bằng,
Những ngày “bí mật” như gần, như xa.
Nức lòng câu chuyện dân ta:
Muôn con vì Mẹ, giã nhà, quên thân!


Cái câu “Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”, người nói hơn ai hết biết thừa khó mong sẽ được như vậy, nhưng chúc Tết mà, lệ là cứ nói ước mơ...

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đi thăm phía nam đầu 1946”



Giữa tháng Giêng (1946), tôi được Chính phủ phái vô Nam công tác một chuyến ngắn ngày (...)

Báo chí ở Hà Nội vừa ra số đặc biệt về một trăm ngày kháng chiến (...)

Cuộc kháng chiến không hề bị dập tắt. Nó vẫn nổi lên mạnh mẽ khắp nơi, nó tiếp diễn ngay ở trong lòng những vùng đô thị mà địch tưởng là đã bình định xong (...)

Vùng nông thôn rộng lớn ở Nam bộ vẫn nằm trong tay ta. Nhiều khu căn cứ du kích được xây dựng. Ta đã có những căn cứ lớn tại vùng Đồng Tháp Mười và rừng U Minh. Một số căn cứ ở sát ngay các vùng đô thị.

Quân địch đổ bộ ra Nha Trang hồi cuối tháng Mười Một, bị bộ đội và nhân dân địa phương cùng một số chi đội Nam tiến vây chặt trong thành phố (...)

Đồng bào Kinh, Thượng cùng với các đội quân Nam tiến đã giành giật từng buôn, làng với địch tại Tây Nguyên. Bộ đội ta đã chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột trong tay giặc Pháp, làm chủ suốt mười ngày vào trung tuần tháng Chạp (...)

Kẻ địch đã nhìn thấy nguy cơ của một cuộc chiến tranh kéo dài. Chúng đang xin gấp viện binh từ Pháp sang. Từ đầu năm 1946, địch liên tiếp mở những cuộc càn quét dữ dội vào vùng cơ sở của ta tại Nam bộ. Chúng đang dồn sức để lấn chiếm thêm một số tỉnh ở nam Trung bộ, chuẩn bị thực hiện những âm mưu mới.

Tôi rời Hà Nội ngày 18 tháng Giêng (...)

Lâu ngày lại mới có dịp trở về phần đất ở phía nam của Tổ quốc (...) Nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ đang lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù mà lòng rộn ràng.

Dọc đường, gặp nhiều đoàn quân Nam tiến. Những người con của miền Bắc, miền Trung vẫn tiếp tục ra đi. Cán bộ, chiến sĩ nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các chiến sĩ mặt trẻ măng. Với số đông, đây là lần đầu đi chiến đấu. Và chắc đây cũng là lần đầu, nhiều người được đi tới những miền xa xôi của đất nước. Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm không bao giờ phai lạt. Trên đường tới các sân ga, chiến sĩ với vũ khí, hành trang trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở đầy bộ đội, ầm ầm chạy về phía nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc. Nhiều lần, tôi dừng xe lại dọc đường, nói chuyện với anh em các đoàn quân Nam tiến (...)

Ngày 20, vô Huế (...) gặp anh Nguyễn Chí Thanh tại trụ sở Việt Minh (...) gặp nhau lần đầu, ở Đại hội Tân Trào (...)

Tới đây, đã thấy hừng hực không khí kháng chiến. Huế lúc này là hậu phương trực tiếp của nhiều mặt trận. Cán bộ ở mặt trận Nam bộ, nam Trung bộ, mặt trận Lào về (...)

Tôi ở lại Huế hai ngày, bàn bạc việc thi hành những chỉ thị của Trung ương, thực hiện quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam bộ và nam Trung bộ, ráo riết chuẩn bị trường kỳ kháng chiến (...)

Càng đi về phía nam, không khí kháng chiến càng sôi nổi.

Tinh thần của đồng bào hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi rất cao (...) Tại Quảng Nam, cứ một trăm Vệ quốc quân thì đã có ba mươi bảy người đi chiến đấu ở miền Nam. Quảng Ngãi là nơi bộ đội đi chiến đấu đạt tỉ lệ cao nhất: cứ một trăm chiến sĩ thì có tám mươi nhăm người đã đi các mặt trận, chỉ còn mười lăm người ở lại tỉnh.

Tiếp sau buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Quảng Ngãi, là cuộc mít-tinh rất sôi nổi của đồng bào tại sân vận động. Tối hôm ấy, tôi ghi vào nhật ký đi đường: “Đó là tinh thần độc lập bất tử của dân Việt. Với một dân khí như thế, nước Việt Nam ta nhất định phải hoàn toàn độc lập” (...)

Đâu đâu cũng thấy dân quân. Áo vải, quần nâu bình dị. Trong tay khi thì khẩu súng, khi là thanh mã tấu, khi chỉ một cây tre vát nhọn, nhưng khí thế lạ thường.

Ngày 23, tôi tiếp tục từ Quảng Ngãi đi vào (...)

Phong trào tòng quân tại Bình Định rất sôi nổi. Trong thành phố Qui Nhơn, có cả một đơn vị thủy quân gần một trăm chiến sĩ. Nhiều nữ thanh niên cũng vào bộ đội. Bình Định có hai xưởng chế tạo, sửa chữa vũ khí; một trăm rưởi công nhân làm việc ngày đêm.

Tôi đi Ninh Hòa với anh T.2 (tức đồng chí Phạm Kiệt). Ở Ninh Hòa đã thấy không khí mặt trận. Giặc Pháp vừa huy động một vạn rưởi quân, trong đó có binh đoàn xe bọc thép, từ hai phía Sài Gòn và Buôn Ma Thuột tiến đánh Di Linh và Đà Lạt.

Tôi tới trụ sở Ủy ban quân sự Khu VI giữa lúc đồng chí Khu trưởng ra lệnh cho một đội dân quân cảm tử lên tăng viện cho mặt trận Ma-đơ-rắc. Suốt ngày hôm đó, địch tấn công. Những xe bọc thép của chúng đang định thọc qua Ma-đơ-rắc, tiến xuống Ninh Hòa. Các đơn vị ở mặt trận báo cáo về bằng điện thoại. Các đồng chí Nam Long và Hữu Thành đang chiến đấu tại Ma-đơ-rắc. Nghe tin tôi tới đây, đồng chí Nam Long gọi điện thoại về. Chúng tôi chưa kịp nói chuyện thì địch đánh tới, đường dây bị cắt.

Hai ngày sau, chúng tôi tới Khánh Hòa vào buổi chiều.

Giặc Pháp đang tấn công phía Nha Trang. Máy bay địch lượn, thả bom và bắn liên thanh xuống thành phố (...) Ở Khánh Hòa, chúng tôi nhận được thêm nhiều tin tức về tình hình khẩn trương của mặt trận Nam bộ.

Đúng là địch đang tìm cách giải vây cho Nha Trang, cố gắng đánh chiếm thêm một số tỉnh dọc bờ biển nam Trung bộ, cắt con đường tiếp viện từ miền Bắc vào (...)

Ở đây (...) đã thấy được rõ ràng (...) cái tinh thần “thà chết tự do hơn sống nô lệ” ở mỗi người dân (...)

Tôi chỉ mới tới được Khánh Hòa thì có điện của Bác gọi quay ra.

Trở lại Sông Cầu, tới Qui Nhơn, chúng tôi rẽ lên thăm mặt trận Tây Nguyên.

Tới An Khê, một vùng cao nguyên mênh mông hiện ra trước mắt. Nơi đây, xưa kia, Nguyễn Huệ đã dựng cờ khởi nghĩa.

Qua đèo Măng Giang, đến Plây Ku. Đồng bào tỉnh Plây Ku phần lớn là người dân tộc Gia Rai. Tại tỉnh lỵ, có nhiều người Kinh. Bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đóng quân dã chiến ngoài thị xã. Chúng tôi dừng lại Plây Ku nói chuyện với đồng bào và bộ đội. Các chiến sĩ đều sục sôi khi nghe kể những gương chiến đấu ở mặt trận, và tỏ vẻ nóng lòng chờ đón giờ phút được tiêu diệt quân thù.

Buổi trưa, đi tiếp lên Kon Tum. Một năm trước, vùng núi non hiểm trở này còn là nơi giặc Pháp giam cầm những người hoạt động cách mạng. Đồng bào Kon Tum thuộc các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Xê Đăng... Bộ đội đóng quân một phần trong thị xã, một phần ở ngoài (...)

Tại đây tôi gặp lại đồng chí Đức Thanh, một thanh niên dũng cảm của núi rừng Pắc Bó (...) Anh tới Tây Nguyên với bộ đội Nam tiến. Ít lâu sau, được tin đồng chí Đức Thanh đã hy sinh (...)

Chúng tôi nghỉ lại Kon Tum đêm hôm đó; sáng sau, quay ra sớm (...)

Tối ba mươi Tết, xe đến chân đèo Hải Vân. Nhìn qua cửa kính, là bể, là sương. Giữa cảnh biển trời bao la vô định, lập lòe ẩn hiện một ánh đèn. Không biết đó là ánh đèn của một chiếc thuyền chài ra khơi về muộn hay là ngọn đèn của một túp lều tranh trên đảo Tiên Chà.

Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa. Một bên là vực sâu. Một bên là vách đá dựng đứng. Gió hun hút. Đèo này nổi tiếng hiểm trở: “Một người giữ ải, muôn người khó qua”. Trong thế kỷ trước, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thông, những sĩ phu yêu nước ôm hận chống Pháp không thành, khi qua đây đã đề thơ. Một tên lính Tưởng hiện ra bên đường, yêu cầu dừng xe lại để kiểm soát. Xem giấy xong, chúng để xe đi. Ở các tỉnh miền Trung này, các quan quân Tưởng đều giữ một thái độ phải chăng.

Sương mù dày đặc. Trời mưa mỗi lúc một to. Đèn pha ô-tô rọi không quá mũi xe năm, sáu mét.

Chỉ mấy tháng trời mà biết bao đổi thay (...) Một tuần trước còn là những người bí mật, len lỏi trong chốn rừng xanh. Một tuần sau, đã về giữa Thủ đô, người làm việc này, người làm việc kia (...) Bánh xe lịch sử dường như quay tít. Đối với mỗi người cách mạng, mỗi ngày, mỗi giờ lúc này, sao quá ngắn. Bước chân của thời gian đang vội vã. Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa.

Không biết giờ này, Bác và các anh đang làm gì. Tết Độc lập đầu tiên ở Thủ đô chắc là vui lắm. Mười ngày trước, đã nghe thư Bác kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào chia sẻ cuộc vui chung với các chiến sĩ ngoài mặt trận, với gia đình các chiến sĩ. Chiều hôm nay, khi qua Đà Nẵng, được đọc thư chúc Tết của Bác. Bác đã dành những tình cảm thắm thiết cho các chiến sĩ đang “đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân”. Trong thư Bác có mấy câu thơ:

Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
(...)

Hôm sau, ra tới Huế. Chúng tôi cùng dự buổi mít-tinh lớn đón xuân với đồng bào tại bến Thương Bạc. Rừng người, cờ và biểu ngữ bát ngát. Chiều xuân chan hòa nắng ấm (...) Những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!” (...) vang lên như sấm dậy (...)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 202-211, nhan đề tạm đặt.)