Thế là cô Tép đã được nghe rõ những lời bênh vực ấy từ miệng một nhân chứng đáng tin cậy. Tri âm sờ sờ kia, ai bắc hộ tôi nhịp cầu...

Thuật chắc nom giỏi trai nhỉ. Cũng như Tép đẹp gái. Thì đích là kẻ đáng thương và người tử tế, nhưng cái ngoại hình tương đối của đôi bên nó hẳn cũng góp phần nào...

(Thu Tứ)



Lan Khai, “Lầm than” (chương 7)




Dương vừa rửa mặt xong thì Tép đến.

- Đi đâu thế, cô Tép?

Tép cười:

- Lâu ngày lại thăm anh xem có được mạnh khỏe không?

- Gớm, chờ được cô đến hỏi thăm thì vừa! May nhờ trời, trâu bò vẫn ăn cỏ... bà vẫn bình an chứ?

- Cám ơn anh; bu em không biết làm sao cứ đau yếu luôn, chẳng mấy ngày khỏe hẳn.

- Tạng bà thế, nói mạnh thế nào được!

- Ấy vì bu em cứ yếu luôn nên em làm được đồng nào cũng chỉ chi vào thuốc men cơm cháo, có khi còn không đủ.

Rồi Tép buồn rầu nói tiếp:

- Một mình em xoay xỏa, lắm lúc cùng quẫn quá!

- Làm thế nào được! Cha mẹ chỉ nhờ con những lúc già yếu, bệnh tật chứ còn biết trông vào ai.

- Vâng, em cũng biết như thế và có dám phàn nàn gì đâu! Em chỉ lo lắng một nỗi sức mình làm chẳng đủ tiêu, quần quật suốt năm cùng tháng mà rút cục vắt mũi vẫn chả đủ đút miệng. Giá trời cho mẹ em mạnh khỏe thì nó còn đỡ khổ...

Mắt Tép dơm dớm ướt, hai gò má cô đỏ bừng:

- Đằng này lo ăn lo mặc chưa xong, mẹ lại cứ ốm... Em thật cũng chỉ vì thế mà mang tai, mang tiếng...

Cảm động, Dương quay lại gần Tép và ngọt ngào an ủi:

- Tai tiếng ở đời này thì ai mà tránh hết được!

Tép thổn thức:

- Nhưng cũng năm, bảy đường tai tiếng, anh ạ! Em, em khổ không biết chừng nào!

Dương thở dài:

- Tôi cũng biết lắm! Nhưng cô cũng đừng nghĩ ngợi quá làm gì.

- Nhưng người ta độc ác lắm, người ta chửi bới...

Dương khuyên giải:

- Cô nghĩ thế đấy! Tôi có nghe ai nói gì đâu.

Dương có ý ngượng vì đã nói dối. Anh nhìn đi nơi khác và nhớ lại những lời của bọn Thông, Lộc hôm nào...

- Cho dù thế nào đi nữa thì đối với cô không phải ai cũng bất công như cô vẫn tưởng đâu. Trong số ấy, tôi biết có người rất tốt.

Tép nhìn chòng chọc vào mặt Dương, ngực cô đánh thình thịch, hơi thở cô như ngừng hẳn lại, toàn thân cô tựa hồ hướng cả về phía trước.

- Người ấy đã bênh vực cô, hết sức cãi cho cô...

Tép chớp nhanh hai mắt để cho mấy giọt nước khỏi trào ra. Cô khẽ hỏi, tuy cô đã đoán biết người ấy là ai rồi:

- Người nào mà tốt bụng thế, anh Dương?

- Thuật.

- Anh Thuật?

- Phải.

Tép sung sướng, thở dài một tiếng, thấy tràn ngập trong tâm hồn một cảm giác như nắng xuân đầm ấm... Ngần ngại hai, ba lượt rồi Tép mới hỏi Dương bằng một giọng thấp:

- Anh có thể nhắc lại cho em biết anh Thuật đã nói gì để... bênh vực em không?

Dương tủm tỉm cười vì hiểu lòng Tép. Nhưng, bản tính hay nghịch ngợm, Dương không chịu nói ngay mà thủng thỉnh đáp:

- Những câu Thuật đã nói để bênh vực cô ấy à?...

- Vâng, anh nhắc lại cho em nghe thì hay quá!...

- Ai nhắc được!

Tép van nài:

- Em lạy anh nữa!... Anh Dương, chóng đi...

- Hừ! Người ta dỗ dành tôi, làm tôi như một đứa bé con ấy!

Tép cười:

- Không, làm anh như một ông anh chứ lại!...

- Nhưng mà ông anh quên hết rồi. Thuật nó nói dài lắm vì tính thằng cha ấy dai như đỉa.

Dương quay đi chỗ khác để giấu một nụ cười vì chàng vừa bịa.

- Gớm anh ỡm ờ quá! Em đi về vậy.

- À, thế ra cô đến đây chẳng phải cốt để thăm tôi như cô vừa nói mà chỉ cốt để nghe chuyện Thuật đấy phỏng?

Tép đỏ bừng sắc mặt.

- Quyền của anh, anh muốn nói thế nào chẳng được!...

Dương lúc đó mới dừng cười cợt. Vẻ mặt anh ta trở nên nghiêm trang.

- Anh đùa cô đó thôi! Cô ngồi xuống đây anh nhắc lại cho mà nghe.

(...) vừa nghe bọn họ đả động tới cô, Thuật đã đỏ bừng ngay sắc mặt và nói như gắt với hết thảy: “Tôi không thích nghe những câu ấy vì những câu chế giễu bản tâm chỉ cốt nói đùa thôi nhiều khi có thể làm hại cả một đời người ta. Vả, cho dù câu chuyện các anh nói có là đích thực chăng nữa thì ai mũ lệch xấu người ấy việc gì cứ phải bàn ra tán vào? Mà mỗi việc của người ta làm biết đâu nó đã thực đáng chê trách. Còn nhiều lý do ngấm ngầm biết đâu? Chẳng nói chi một người con gái yếu hèn, không ai là chỗ tựa nương, không ai che chở, phải tự lực nuôi thân và nuôi mẹ già, hãy cứ lấy ngay một người trong bọn mình đây, thực là đàn ông sức dài vai rộng hẳn hoi đấy, nếu bây giờ tôi hay anh chẳng hạn không có công ăn việc làm, không có một đồng tiền, một hạt gạo mà, cùng lúc ấy, cha già, mẹ già hay con thơ ốm yếu gần chết thì liệu cùng đường đâm ra trộm cắp hay cứ khoanh tay mà ngồi nhìn? Huống hồ cô Tép đã chắc đâu tự mình làm việc nọ? Chắc đâu cô không bị người ta dọa nạt ép uổng?...”.

Tép lẳng lặng lắng nghe Dương nhắc lại những lời Thuật nói, uống từng câu ấy vào linh hồn như bông hoa bị phơi nắng suốt ngày uống những giọt sương trong mát... Cô cảm động quá. Trong ngực phập phồng một mớ tình cảm dạt dào nó mơn trớn trái tim non nớt đã sứt sở nhiều vết thương đau... Cô dơm dớm nước mắt và, sau cùng, thở dài như cất một gánh nặng. Cô nhắm mắt lại, yên tĩnh giờ lâu để cho những lời êm ái thấm thía vào tận cùng đáy linh hồn... Cô như người bị thương nặng bỗng có một bàn tay nhân từ bó vết thương lại bằng một thứ thuốc thần diệu. Cô cần phải lắng nghe cái sung sướng sau cơn đau... Cùng lúc ấy, hình ảnh Thuật hiện ra trước mắt cô với tất cả mọi vẻ đáng yêu, đáng mến. Đối với cô, hình ảnh ấy ví như mặt trời xuân đối với cảnh giá rét của mùa đông... Trời ơi! Cớ sao cô lại bị lấm lem, đau đớn ở trong hai cánh tay của người Tây nọ. Cớ sao người được hưởng sự trong sạch của cô lại chẳng là Thuật?

Tép đứng lên.

- Anh Dương, lúc nào anh cảm ơn anh Thuật hộ em mấy câu nhé.

- Chờ cô dặn thì vừa! Tôi đã nói ngay từ hôm ấy.

- Thế thì em cảm ơn anh lắm!...