Cái cuộc thưởng ca ấy nó mở đầu đại khái thế này:

“Thuyền (...) giương mui, trải chiếu chỉnh tề, lại kết lá, treo đèn rực rỡ, trông cũng có cái vẻ tôn nghiêm và trang nhã lắm (...) đủng đỉnh bơi giữa dòng sông (...)

Năm ba anh em đồng chí ngồi chung trong một khoang thuyền bềnh bồng trên mặt nước, đi lững thững dưới bóng trăng thu, trò chuyện cùng nhau mặn mà đằm thắm (...)

Tiếc (...) chiều trời vân vụ, sông thì cạn, trăng thì mờ (...) khi thì ẩn, khi thì hiện, khi ủ dột, lúc lại tươi cười, chợp chờn như có ý trêu cợt (...) Chúng tôi mới nói vui rằng (...) cổ nhân đi chơi đêm còn phải đốt đuốc, huống bọn mình hôm nay còn được cái bóng trăng suông (...)

Đến nơi, thuyền ghé bến, khách lên bờ (...) Ăn uống xong, thì mây đã quang, trăng đã tỏ, trời lại vừa đổ láy táy mấy hạt mưa xuống, khiến bấy giờ giang sơn sinh cảnh sắc mà bầu không khí cũng được tinh thanh (...) (Bèn cùng nhau) ra sông trông trăng và nghe hát”
.

Nếu đem ra mà diễn ca cho mỗi đoạn thành một câu, thì chẳng hạn:

Thuyền đèn đủng đỉnh xuôi dòng
Anh em đồng chí bềnh bồng, chuyện vui...
Chợp chờn trăng ý trêu người
Thưởng ca bắt đợi lên lời mới soi...
(Thu Tứ)



Nguyễn Mạnh Hồng, “Một cuộc thưởng ca” (1)




Ông Phạm Thượng Chi, ông Nguyễn Đông Châu, ông Nguyễn Tùng Vân và ký giả vốn là những người thích đi du lãm, nhân ông Mai Khê sẵn bụng ân cần trân trọng đón chúng tôi về chơi tận quý hương ông là làng Hữu Thanh Oai, giữa chiều hôm 14 tháng 8 ta, tức là ngày mồng 1 tháng 10 tây mới rồi, để thưởng một cuộc dã ca tự ông tổ chức nên ở con sông ấy.

Khoảng sáu giờ chiều hôm ấy, ông Mai Khê đón chúng tôi ở tỉnh lỵ Hà Đông, rồi cùng lên xe tay đi thẳng về chợ Tô. Đến đó đỗ xe rồi xuống thuyền theo con sông Nhuệ, đổ xuôi xuống đến làng Hữu. Chiếc thuyền chở bọn chúng tôi đó, nguyên là tự ông Mai Khê đã dự bị sẵn sàng từ trước, đã giương mui, trải chiếu chỉnh tề, lại kết lá, treo đèn rực rỡ, trông cũng có cái vẻ tôn nghiêm và trang nhã lắm. Một lá thuyền lan, mấy con chèo quế, thuận buồm, xuôi gió, đủng đỉnh bơi giữa dòng sông:

Lênh đênh một lá mui bồng,
Ngao du phong nguyệt trên dòng Nhuệ giang.
Cùng nhau kết bạn văn chương,
Chỉ trăng, thề nước, theo đường “quốc văn”.


Vậy thì cái thú của con nhà nho chơi đêm thu trước ngày rằm tháng tám, năm Ất Sửu trên sông Nhuệ Thủy này cũng không khác gì cái thú của ông Tô Đông Pha chơi trên sông Xíxh Bích sau ngày rằm tháng bảy, năm Nhâm Tuất vậy. Dẫu không bắt chước cổ nhân nâng chén, gõ thuyền mà ngâm câu:

Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang.
Diểu diểu hề dư hoài,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương...


Nghĩa là:

Lan quế làm rầm bánh lái,
Chèo không minh ngược lối lưu quang.
Lòng ta dằng dặc nhớ thương,
Đoái trông người đẹp một phương lên trời...
(1)

... Song, năm ba anh em đồng chí ngồi chung trong một khoang thuyền bềnh bồng trên mặt nước, đi lững thững dưới bóng trăng thu, trò chuyện cùng nhau mặn mà đằm thắm, tưởng như thế cũng chả kém gì cái thú phong tao của cổ nhân vậy.

Ôi! Trong vòng trời đất này (...) Duy chỉ có (...) ngọn gió mát trên dòng sông và (...) mảnh trăng trong bên sườn núi, là thanh là sắc, là giòn, là xinh (...) thật là cái kho vô tận của tạo vật dành lại cho ta, để ta chơi bời cho thỏa thích đó. Nay ta há lại không biết lợi dụng lấy hay sao?

Nhưng mà tiếc vì cái đêm hôm đi chơi ấy lại gặp phải chiều trời vân vụ, sông thì cạn, trăng thì mờ, cho nên kém mất cái mầu quang minh và cái vẻ thuần nhã của chị Hằng Nga đi, chỉ những khi thì ẩn, khi thì hiện, khi ủ dột, lúc lại tươi cười, chợp chờn như có ý trêu cợt bọn khách trần gian đi chơi phiếm vậy! Chúng tôi mới nói vui rằng: bọn ta đi chơi đêm nay, có dễ vô duyên với chị Hằng hay sao, mà chị không nhô cái khuôn mặt đầy đặn ra với cõi đời, lại cứ nấp bóng cung mây mãi thế? Song cổ nhân đi chơi đêm còn phải đốt đuốc, huống bọn mình hôm nay còn được cái bóng trăng suông (...)

Thuyền bắt đầu đi từ chợ Tô, trở xuống qua mấy làng Hữu Từ Thượng, Hữu Từ Trung rồi đến Hữu Từ Hạ, tức là làng Hữu Thanh Oai về bên hữu ngạn đối với làng Tả Thanh Oai (tức gọi làng Tô) về bên tả ngạn. Đến nơi, thuyền ghé bến, khách lên bờ, rồi cùng vào nhà ông Mai Khê (...)

Trò chuyện hàn huyên một lúc, rồi ông Mai Khê sai bày cơm tối (...) Ăn uống xong, thì mây đã quang, trăng đã tỏ, trời lại vừa đổ láy táy mấy hạt mưa xuống, khiến bấy giờ giang sơn sinh cảnh sắc mà bầu không khí cũng được tinh thanh. Ông Mai Khê mới mời đồng nhân ra sông trông trăng và nghe hát.


(Trích từ bài du ký “Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai” của Nguyễn Mạnh Hồng, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 100, tháng 10 & 11-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III)


















________
(1) Mấy câu này trích ở trong bài phú “Xích Bích” diễn quốc âm ra, các ả đào thường vẫn đọc đến.