Nghĩa là, trước năm nào đó về cuối thế kỷ 19, trên đảo Rùa không có tháp mà chỉ thỉnh thoảng có rùa. Cái tên “đảo Rùa” xuất hiện trong sách vở từ bao giờ nhỉ? Sách nào?



Nguyễn Dư, “Hồ Hoàn Kiếm” (2)




Tháp Rùa

Bảng chú bản đồ Phạm Đình Bách cho biết:

- “Đình chúa Trịnh: Pagode élevée sous les Lê à la mémoire des Trịnh” (đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê để tưởng nhớ các chúa Trịnh).

Đình chúa Trịnh nằm tại địa điểm tháp Rùa.

Nguyễn Khắc Ngữ cũng đồng ý với Phạm Đình Bách: “Một trong những kiểu kiến trúc thời Lê còn để lại là tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm” (Nguyễn Khắc Ngữ, “Mỹ thuật cổ truyền”, theo bài “Tháp Rùa có từ khi nào?” của Nguyên Thắng, Đoàn Kết, tháng tư, 1984).

Bùi Thiết cho biết:

“Tòa tháp tọa lạc trên gò Rùa xế về phía nam hồ Hoàn Kiếm, nên gọi là tháp Rùa. Nguyên là đình Tả Vọng do các chúa Trịnh dựng trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng, gọi là đình Tả Vọng. Cuối thế kỷ XVIII vì tin thuyết phong thủy, Bá hộ Kim nhận sửa lại đình Tả Vọng để nhân đó táng hài cốt cha mẹ xuống dưới; việc không thành, nhưng đình Tả Vọng vẫn được sửa lại để có quy cách như hiện nay” (Từ điển Hà Nội – địa danh, nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1993, tr. 383),

“Ngôi đình do các chúa Trịnh sai xây trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng (tức hồ Hoàn Kiếm) để làm nơi hóng mát và duyệt quân thủy. Vì đình nằm trong hồ Tả Vọng nên có tên gọi. Cuối thế kỷ XIX Bá hộ Kim xin được xây thêm một tầng trên tòa đình Tả Vọng để có quy mô như tháp Rùa ngày nay” (sđd, tr. 393-394).

Tiền thân của tháp Rùa là đình Tả Vọng.

“Cái đình này làm từ đời Trịnh Căn (chúa thứ tư trong dòng họ Trịnh) là một lầu hai tầng, tầng trên là một cái lầu vuông bốn mái cong có đắp bốn con rồng bò quay đầu lại… Lầu quay lưng hướng nam theo ý nghĩa làm vua quay mặt về phương nam, không chầu lại vua, không thần phục vua Lê, vì vậy bên trên cửa có để ba chữ Tả Vọng Đình” (Chu Thiên, Bóng nước hồ Gươm, theo Nguyên Thắng, sđd).

Nhưng, một bài “Hồ Hoàn Kiếm” khác (vì có hai bài, đã dẫn một bài) của sách Tang thương ngẫu lục (viết 1802-1819, bản dịch của Đạm Nguyên, nxb. Đại Nam, tr. 32-33) kể rằng:

“Mùa hạ năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1786), đương nửa đêm, giữa hồ Hoàn Kiếm, bỗng có những vật đỏ ối hiện ra trên đảo, tia sáng nhoáng tỏa ra bốn phía, bay về bờ phía nam rồi biến mất.

Sau đó sóng gió ầm ầm nổi lên? Sáng hôm sau, thấy xác tôm cá nổi trên mặt nước không biết bao nhiêu mà kể. Có người nói, ở trên nóc nhà Trung Hòa Đường trong phủ Chúa cũng hiện ra những vật tương tự, ánh sáng tỏa ra tứ phía, rồi tự nhiên tắt ngấm.

Sau đó ít lâu, nhà Lê mất nước”.


Nguyễn Khắc Ngữ nói rằng Tháp Rùa ngày nay có từ thời Lê. Phạm Đình Bách cho biết tại đảo Rùa có đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê. Bùi Thiết và Chu Thiên cũng đồng ý rằng các chúa Trịnh đã cho xây đình Tả Vọng trên đảo. Chỉ có Tang thương ngẫu lục là không nói đến công trình xây cất nào trên cái đảo giữa hồ Hoàn Kiếm này. Khó có thể cho rằng các tác giả Tang thương ngẫu lục quên cái đình chúa Trịnh hay cái đình Tả Vọng bởi vì trong bài có nói tới cái nhà Trung Hòa Đường trong phủ chúa Trịnh (nằm gần hồ Hoàn Kiếm) thì không thể không nói tới cái đình do chúa Trịnh xây trên đảo Rùa, nơi đang xảy ra điềm lạ.

Hay là đình đã bị đổ nát, năm 1786 không còn dấu vết gì? Giả thuyết này cũng khó đứng vững bởi vì đình do chúa Trịnh xây thì không thể bị hủy hoại ngay từ thời chúa Trịnh còn nắm quyền được.

Hay là đình Tả Vọng được xây sau năm 1786?

Sử chép rằng Nguyễn Huệ “phò Lê, diệt Trịnh”, năm 1786 chấm dứt chế độ cai trị của họ Trịnh. Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, lên làm vua, lập ra nhà Nguyễn Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn.

Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đều không quý mến gì các chúa Trịnh. Không thể có chuyện nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn (trong khoảng từ 1786 đến 1873) xây đình để tưởng nhớ chúa Trịnh.

Tóm lại, qua hai bài “Hồ Hoàn Kiếm” của Tang thương ngẫu lục thì phải thừa nhận rằng đến cuối đời Cảnh Hưng (1786, tức là năm Nguyễn Huệ chấm dứt sự nghiệp các chúa Trịnh) trên đảo Rùa không có đình chúa Trịnh hay đình Tả Vọng.

Nói cách khác, đình Tả Vọng hay đình chúa Trịnh không phải được xây tại đảo Rùa. Có thể tại một đảo khác, cũng nằm trong hồ Hoàn Kiếm.


(Nguồn: trang
chimviet.free.fr)