Kiều lại gặp “một bà”. Nhưng bà này ngồi “giữa giường thất bảo”, “ban ngày (mà) sáp thắp hai bên”, uy nghi đường bệ phát sợ! “Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra” chẳng qua chiếu lệ, chứ con gái bà đã mách tất cả điều cần biết rồi. Kia chắc chắn “chẳng phải thiện nhân” mà đích thị một “quân lộn chồng”! Bay đâu, “hãy cho ba chục”, cho “mèo mả gà đồng” “biết tay một lần”! Biết tay “bà” rồi, thì biết luôn tên mới, nghe chưa! Thương ôi, “phận sao bạc chẳng vừa thôi / khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan”... Nghĩ mình đang sống trong “địa ngục ở miền nhân gian” có chỗ hay là yên tâm không thể khổ hơn. Nhầm to đó, số đen ơi! Đợi có lẽ vài tuần, Hoạn Thư về thăm mẹ, tiện thể sau đó dắt “con hầu” mới về nhà mình. “Tiểu thư” không hành hạ xác thịt, lại còn biết “thương” khi thấy “tài”, nên trước khi tái ngộ Thúc Sinh là một quãng tương đối lặng trong đời cực kỳ mưa gió của Kiều. Như thể Kiều được ban điều kiện để phục hồi chút ít mà đón cơn bão “Hoạn” thứ hai ác liệt hơn nhiều sắp sửa bùng lên!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1705-1790)



Nước trôi hoa rụng đã yên, (1705)
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian!
Khuyển Ưng đã đắt mưu gian,
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
Buồm cao lèo thẳng cánh suyền,
Ðè chừng huyện Tích băng miền vượt sang. (1710)
Giã đò, lên trước sảnh đường,
Khuyển Ưng hai đứa nộp nàng dâng công.
Vực nàng tạm xuống môn phòng,
Hãy còn thiêm thiếp giấc nồng chưa phai.
Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai, (1715)
Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây?
Bàng hoàng dở tỉnh dở say,
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.
Ả hoàn trên dưới giục mau,
Hãi hùng nàng mới theo sau một người. (1720)
Ngước trông tòa rộng dãy dài,
“Thiên quan trủng tể” có bài treo trên.
Ban ngày sáp thắp hai bên,
Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà.
Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra, (1725)
Sự mình, nàng phải cứ mà gởi thưa.
Bất tình nổi trận mây mưa,
Mắng rằng: “Những giống bơ thờ quen thân.
Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng. (1730)
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
Ðã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!
Nào là gia pháp, nọ bay! (1735)
Hãy cho ba chục biết tay một lần!”
Ả hoàn trên dưới dạ rân,
Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào!
Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh! (1740)
Xót thay đào lý một cành.
Một phen mưa gió tan tành một phen!
Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Buồng the dạy ép vào phiên thị tì.
Ra vào theo lũ thanh y, (1745)
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao!
Quản gia có một mụ nào,
Thấy người thấy nết ra vào mà thương.
Khi chè chén khi thuốc thang,
Ðem lời phương tiện mở đường hiếu sinh. (1750)
Dạy rằng: “May rủi đã đành,
Liễu bồ mình giữ lấy mình cho hay.
Cũng là oan nghiệp chi đây,
Sa cơ mới đến thế này, chẳng dưng.
Ở đây tai vách mạch rừng, (1755)
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Kẻo khi sấm sét bất kỳ,
Con ong cái kiến kêu gì được oan!”
Nàng càng giọt ngọc như chan,
Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây: (1760)
“Phong trần kiếp chịu đã đầy,
Lầm than lại có thứ này bằng hai!
Phận sao bạc chẳng vừa thôi?
Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan.
Ðã đành túc trái tiền oan, (1765)
Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi!”
Những là nương náu qua thì,
Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia.
Mẹ con trò chuyện lân la,
Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời: (1770)
“Tiểu thư dưới trướng thiếu người,
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang”.
Lĩnh lời nàng mới theo sang,
Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu!
Sớm khuya khăn mặt lược đầu, (1775)
Phận con hầu giữ con hầu dám sai!
Phải đêm êm ả chiều trời,
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người! (1780)
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Cửa người đày đọa chút thân,
Sớm năn nỉ bóng đêm ân hận lòng.
Lâm Truy chút nghĩa đèo bòng, (1785)
Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau!
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?
Lần lần tháng trọn ngày qua,
Nỗi gần nào biết đường xa thế này. (1790)


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)