Nhớ những cuộc kháng chiến trước.

Dân tộc Việt Nam điển hình không có một quân đội đông đảo “đứng” sẵn. Quân, tức là nông dân khi hữu sự hóa thành.(1) Vũ khí có sẵn chắc chắn cũng không bao nhiêu. Phải đem nông cụ và các loại đồ vật bằng kim loại khác ra chế tác lại cho thành gươm, giáo, mác, mã tấu v.v. Tưởng như còn nghe được tiếng thổi bễ, tiếng đập chan chát ngày đêm ở vô số lò rèn, rất nhiều lò vừa mới dựng!

Nhưng vũ khí ta tự chế được không thể giúp ta đánh thắng giặc Pháp.

Phải có súng. Mà súng thì súng nhỏ vừa ít vừa “trên bốn chục thứ với nhiều cỡ đạn khác nhau”, bất cứ cỡ nào cũng hết sức khan hiếm. Súng lớn khỏi nhắc vì coi như không có.

Trí và dũng đã giúp kháng chiến đi bước đầu. Nhưng với tàu Pháp dồn dập cập bến, đổ xuống vô số giặc trang bị vũ khí hiện đại, cái nhu cầu súng đạn tử tế cho quân ta nó to hẳn lên từng ngày!

Trí và dũng sẽ giúp kháng chiến tiếp tục lớn mạnh bất chấp ưu thế hỏa lực cực kỳ áp đảo của đối phương. Nhưng nếu không có bạn rút cuộc bắt đầu giúp quân ta nâng cấp vũ trang, thì đã không thể có Điện Biên Phủ.

(Thu Tứ)

(1) Xem “Dụng võ là bất thường” cùa Đào Duy Anh.



Võ Nguyên Giáp, “Vũ lực ta vào cuối năm 1945”




Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục triệu đồng bào già, trẻ, gái, trai trên cả nước đã thành đội ngũ. Ngay cả ở những thành phố có quân Tưởng đóng, trước mũi súng của chúng, những tổ chức cứu quốc của ta vẫn rầm rộ phát triển. Từ thành thị đến làng quê, đâu đâu cũng cờ mở trống giong, ngày mít-tinh, đêm khai hội. Vùng nông thôn Việt Nam lâu đời yên tĩnh chưa bao giờ sôi nổi, rộn ràng như vậy (...)

Việc quân sự hóa các đoàn thể cứu quốc trước ngày Tổng khởi nghĩa (16-8-1945), chỉ mới thực hiện ở các chiến khu, nay được mở rộng ra cả nước (...)

Phong trào tìm kiếm, chế tạo, mua sắm vũ khí rất sôi nổi. Những lò rèn ở nông thôn trở thành nơi sản xuất giáo mác, mã tấu cho các đội tự vệ, dân quân. Các em nhỏ đua nhau đi lượm nhặt sắt, thép vụn. Người lớn đem tới góp những đồ dùng hàng ngày trong nhà như mâm thau, nồi đồng v.v., cả những đồ thờ cúng như lư hương, đỉnh đồng để đúc thành vũ khí.

Dưới thời đô hộ, mọi thứ vũ khí đều bị coi là đồ quốc cấm (...) Nói sao cho rõ được nỗi khát khao của mỗi người dân có được một vũ khí để bảo vệ nền độc lập vừa giành lại được.

Với thanh mã tấu, ngọn giáo dài trong tay, tinh thần, khí phách thượng võ của dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ (...) trong anh tự vệ hôm nay, đứng bên trống canh tại trạm gác đầu làng.

Đến cuối năm 1945, hầu hết các thôn, xã, đường phố, nhà máy đều có lực lượng tự vệ. Nơi nhiều, thì một, hai đại đội; nơi ít cũng có một trung đội. Lực lượng tự vệ được Đảng lãnh đạo chặt chẽ, được chính quyền giúp đỡ huấn luyện về quân sự, nhưng hoàn toàn tự cấp và tự túc về sinh hoạt và trang bị vũ khí (...)

Ở Hà Nội, tổ chức tự vệ thành thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên của Thủ đô. Anh em đã khéo tìm cách tự túc được khá nhiều loại vũ khí khác nhau, từ dao găm, súng săn đến bom ba càng, đại liên Nhật.

Làm nòng cốt cho tự vệ thành có những đơn vị tự vệ chiến đấu (...) Anh em được Bộ Quốc phòng trang bị vũ khí và trong tình hình lúc bấy giờ, phần lớn đều ở tập trung. Những nhu cầu về mặt sinh hoạt vật chất của tự vệ chiến đấu đều phải dựa vào đồng bào (...)

Đồng thời với việc phát triển các lực lượng vũ trang của quần chúng rộng khắp, chúng ta ra sức đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung.

Các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Du kích Ba Tơ v.v. thống nhất thành Quân giải phóng Việt Nam, đã trải qua một bước phát triển nhảy vọt (...) Chỉ trong vòng một tháng, số lượng quân đội ta đã đông gấp mười lần Quân giải phóng ngày cách mạng vừa giành được chính quyền.

Tất cả các đơn vị Vệ quốc đoàn (tức Quân giải phóng) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua tổ chức của Đảng trong quân đội (...)

Trường Quân chính kháng Nhật mở từ hồi ở chiến khu, chuyển thành trường Quân chính Việt Nam, quy mô rộng hơn, mỗi khóa huấn luyện tập trung hàng mấy trăm cán bộ. Bác thường đến nói chuyện. Để che mắt bọn Tưởng, Bác cho đổi tên trường thành trường Cán bộ Việt Nam. (Đây cũng là lý do Bác chỉ thị đổi tên Quân giải phóng thành Vệ quốc đoàn: chữ “đoàn” gợi cho chúng nghĩ đến những tổ chức vũ trang nhỏ của địa phương, làm cho chúng bớt chú ý. – trang 170).

Phong trào tòng quân sôi nổi khắp cả nước (...) Tại Hà Nội, nhiều khu phố lập bàn thờ Tổ quốc, đón nhận những người muốn tòng quân. Không riêng thanh niên, mà cả nhiều người lớn tuổi cũng tới ghi tên (...)

Tại phần lớn các nơi, việc nuôi dưỡng bộ đội vẫn phải dựa vào đồng bào. Đoàn thể Phụ nữ cứu quốc đóng góp một vai trò đặc biệt trong việc chăm sóc các chiến sĩ.

Ta tìm mọi cách để có được thêm nhiều vũ khí cho bộ đội. Ngoài số súng thu được tại các trại bảo an binh, và của binh lính Nhật trong một số trận chiến đấu, chúng ta dùng tiền và vàng nhân dân đã quyên góp để mua thêm súng của Nhật và của quân Tưởng. Tuy vậy, vẫn không sao đáp ứng được những nhu cầu rất lớn về vũ khí và trang bị của quân đội đang phát triển từng ngày. Có được thứ nào thì dùng thứ ấy, nên súng đạn đã ít, lại rất nhiều loại. Cùng với những khẩu tiểu liên nhỏ, nhẹ mới ra đời trong đại chiến lần thứ hai là những khẩu súng trường nòng dài lêu nghêu chế tạo từ hồi đầu thế kỷ, những khẩu súng kíp sản xuất trong những lò rèn thủ công (...) trên bốn chục thứ súng với nhiều cỡ đạn khác nhau! (...)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 183-189, nhan đề tạm đặt.)