“Phong cảnh (...) xinh lắm và thú lắm”. Nào “quán mát mẻ, thay lảy ở bên sườn núi”, nào hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, chùa Một Mái “tức là cái đỗng, bụt ngồi nhô nhố cả ở trên tòa đá!”, nào hang Gió, chùa Bụt Mọc...

“Nhân cảnh” vào ngày hội, cũng thú lắm. “Đứng ở dưới cửa chùa mà trông lên trên lối đi Chợ Trời, thấy đoàn người tựa như đàn kiến leo lên leo xuống ở cái gốc cây to, sắc đen, sắc đỏ, sắc trắng, sắc nâu, đủ các sắc kiến”...

Người xem hội nổi bật nhất dĩ nhiên là “các cô con gái, phần nhiều thấy mặc cái áo đổi vai, tựa như áo vá, nửa trên mầu nâu non hoặc mầu cánh gián, nửa dưới mầu hạt dền hoặc mầu nâu già, đường kim mũi chỉ tinh tế hẳn hoi”. Một cái mốt có gốc ở sự tiết kiệm và việc khuyến khích phát triển nữ công. “Nghe nói mà lấy làm kính thay!”.

Chưa hết. “Ký giả” đi chơi “về giữa tiết tháng ba, giống thực vật đương cái thời kỳ phát sinh”, nên có lúc “đứng ở trên đường mà trông, nào cây ở trên núi, nào trúc ở bên làng, nào dâu ở trong bãi, nào lúa ở bên đồng, rõ thật trên trời dưới đất, cùng một sắc xanh, mà ngoảnh lại trông quần áo mình, hình như cũng nhuộm lấy mầu xanh vậy”!

Hạt Quốc Uy, thật đáng nên đi!

(Thu Tứ)



Tùng Vân, “Chơi hạt Quốc Uy” (3)



Phong cảnh chùa Đính Sơn, có phần xinh lắm và thú lắm. Chùa thì ở trên núi, đường đi lên tuy ngoắt ngoéo, nhưng đã có bậc đá, kể cũng là dễ đi. Thoạt tiên vào một cái quán ở bên chùa, quán này là quán mát mẻ, thay lảy ở bên sườn núi, là nơi nhà chùa tiếp khách thập phương. Ở trước cái quán tức là cái sân chùa Đính Sơn. Bên kia cái sân, cũng có một cái quán; tức là chỗ bóng cô cậu múa mang, hay hoặc bà Thượng Ngàn hạ giáng. Ở trên núi mà nghe có tiếng đàn tiếng chầu văn, thì cũng vui tai. Ở giữa tức là chùa Đính Sơn, chùa có một nếp nhà, làm kiểu thờ dọc, mà cũng thấp nhỏ, không lấy gì làm nguy nga (...)

Ở ven chùa có một cái cửa xây (...) Trong cửa có một con đường hèm hẹp, đi vào đàng sau chùa, thì tức là chỗ hang Thánh Hóa. Ngoài cửa hang có một cái đỗng, cao cao nông nông và sáng sủa, tựa như một gian nhà. Ở mé sau cái đỗng chếch về bên tả, có một cái hang, hang ở trên lưng chừng đỗng, cửa hang chỉ lọt một người chui vào; đường lên hang thì phải bắc một cái thang nho nhỏ mà đi lên, lại phải bò sát vào sườn đỗng một chút, mới có thể chui vào hang được. Hang thì cũng hẹp, chỉ có thể dung được độ vài ba người; mà tối om om, thường phải thắp nến mà soi mới trông thấy hình tích. Trong có một vệt trán và hai vệt chân. Tương truyền khi ngài hóa, ngài in đầu và dỗ chân vào đá, đá lõm xuống mà thành vệt. Lại có sách chép rằng cái vệt ấy nguyên là cái vệt của tạo hóa, ngài ướm chân vào, đúng với hình thể ngài, nên khi ngài giải thoát trần duyên, mới vào đấy mà hóa (...)

Trước cửa chùa Đính Sơn, lại có một phiến núi cao lên, mà vuông vắn phẳng phiu, chừng độ bốn năm gian nhà; dân ở đấy gọi là chỗ vườn trúc, vì năm xưa trúc mọc rậm lắm. Hiện nay thì trúc đã phá quang đi rồi (...) Hỏi ra thì tương truyền rằng phiến đất ấy tức là chỗ thư viện của một người hiền tướng nhà Triệu là ông Lã Gia thủa xưa (...)

Khi xuống núi, mới cùng nhau vào nghỉ ngơi một chốc ở trong đình làng Thụy Khuê (...) Trước sân đình có một cây cổ thụ, gọi là cây trôi, cây thì thật là to lớn, cành xòe ra bốn bên, mà lại có dáng bé xinh, ngoằn ngoèo cổ quái; cây ở sân đình mà lại tựa như cây ở trong chậu, gốc kia ai hãm, cành kia ai uốn? Ông tạo hóa cũng tỉ mỉ thế ư? (...)

Bấy giờ trời đã xế chiều, cùng nhau đàm đạo một lúc; người thì lên xe về Hà Nội, người thì còn ở lại xem hội chùa.

Đệ niên cứ đến ngày mồng bảy tháng ba ta, là ngày hội chùa Thầy (...) “Bơi Đăm, rước Giá, giã La, hội Thầy” là những cuộc hội hè có danh tiếng ở chung quanh miền đó (...) Cái quang cảnh các hội nọ, gián hoặc cũng có khác xưa. Duy cái quang cảnh hội Thầy, thì năm nào năm ấy, dường như vẫn náo nức như cũ.

Đến ngày mồng bảy tháng ba thì đông lắm, tự trên núi cho đến cửa chùa, cơ hồ không có chỗ lách chân. Đứng ở dưới cửa chùa mà trông lên trên lối đi Chợ Trời, thấy đoàn người tựa như đàn kiến leo lên leo xuống ở cái gốc cây to, sắc đen, sắc đỏ, sắc trắng, sắc nâu, đủ các sắc kiến, cũng là một cái quang cảnh lạ mắt (...)

Các cô con gái, phần nhiều thấy mặc cái áo đổi vai, tựa như áo vá, nửa trên mầu nâu non hoặc mầu cánh gián, nửa dưới mầu hạt dền hoặc mầu nâu già, đường kim mũi chỉ tinh tế hẳn hoi (...) Nhân hỏi một bà cụ rằng vì sao các cô con gái lại mặc cái áo vá đi xem hội? Bà cụ giải thích rằng đó là thủa nhỏ cha mẹ dạy về đường cần kiệm (...) vả lại con gái thì phải biết khâu biết vá, mặc cái áo ấy đi ra ngoài, cũng có ý phô đường kim mũi chỉ với chị em. – Nghe nói mà lấy làm kính thay! (...) Yếm thì phần nhiều là yếm cổ xẻ, ít thấy yếm cổ xây (...) ở cổ yếm có thùa một con nhạn (...)

Ký giả khi ấy tránh chỗ đông người (...) Mới đi ra mé ở bên làng Thụy Khuê. Mé ấy đá thẳng như vách dựng, mà cây cối lại mọc nhiều, có bề hùng tuấn, có vẻ thanh u. Mới đi lên một cái chùa nữa ở trên núi, gọi là chùa Một Mái. Nghĩa là nhân cái đỗng mà làm ra, chùa chỉ có một mái đàng trước, còn đàng sau tức là cái đỗng, bụt ngồi nhô nhố cả ở trên tòa đá! Ở gần chùa lại có một cái hang, mới vào chỉ lọt người đi, vào độ dăm bước, thấy hơi rộng dần ra. Trong hang có dấu vết đề khắc về cổ đại, nhưng cũng đã mờ. Vì cái hang ấy hổng đôi đầu, lúc nào cũng có gió lùa, đứng ở trong hang mát lắm, người ta gọi là hang Gió. Trên tuyệt đỉnh ngọn núi ấy, lại có một tòa miếu khá rộng, có hai lớp nhà, cây cối um thùm mát mẻ, mà người lên xem đây chỉ loáng thoáng ít người, đối với chỗ hội chùa ở bên kia, lại riêng ra một bầu thế giới khác. Về đàng sau miếu một chút, có một cái hang, trong hang có một cái hình ông Phật đá, mới tìm thấy vào độ mấy năm nay, không biết là tự đời nào tạc ra, người ta gọi là chùa Bụt Mọc.

Đến như cái hang Thần, tức là hang Cắc Cớ, thì lâu nay cũng ít có người dám vào. Cửa hang thì hẹp nhỏ, đứng ở ngoài trông vào, chỉ thấy tối om om. Nghe người ở đây nói: trước kia đã từng có người mạo hiểm mà đi vào, khi ra thuật lại (...) phải dự một túi trầu, hay hoặc một túi giấy vụn, để đánh dấu lối đi, và mấy bao nến nữa; đốt nến mà soi, thì thấy có chỗ vùng ra cao rộng như tòa nhà, có chỗ lấp lánh như đá kim cương; trong hang lại ngóc ngách ra năm bảy cái hang nữa, nếu lạc lối thì nguy ngay (...)

Ký giả nhân còn ở chơi lại trong phủ thành Quốc Uy, ngày hôm sau (...) có dạo xe lên chơi núi Đồng Lư nữa. Núi Đồng Lư là một trái núi đất, đất lẫn có đá vụn, đá đỏ như son. Núi ở chếch về mé tây nam phủ thành, cách cũng hơi xa, phải đi một độ xe, chứ không gần như núi Hoàng Xá. Núi kề ngay ở mé tây ngạn con sông Hát (...) chân núi có một cánh bãi mênh mông (...) có một con đường đi vòng (...) Khi ấy về giữa tiết tháng ba, giống thực vật đương cái thời kỳ phát sinh. Đứng ở trên đường mà trông, nào cây ở trên núi, nào trúc ở bên làng, nào dâu ở trong bãi, nào lúa ở bên đồng, rõ thật trên trời dưới đất, cùng một sắc xanh, mà ngoảnh lại trông quần áo mình, hình như cũng nhuộm lấy mầu xanh vậy (...)


(Trích từ bài du ký không biết tên (vì đánh mất trang đầu) của Tùng Vân, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 93, tháng 3-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III. Nhan đề phần trích tạm đặt.)