“Em” đi giang hồ hơi lâu, va chạm hơi nhiều, “sa cơ”, lòng “tàn lạnh”, nên thơ gửi “chị” bay đậm mùi thở than thế thái nhân tình. Nhưng mùi chủ yếu là mùi nhớ. Đọc vần nối vần chở nỗi lòng một người “Xuân vẫn tha hương” đang da diết nhớ “Xuân cố hương”, thấy dễ chia sẻ quá, bèn cũng tự mình gieo thử ít vần “đề vịnh” thơ xưa:

Xuân đã về, Xuân đã về!
Thư em gửi chị, não nề, tội chưa
“Một vần” tâm sự người xưa
Xa quê ai có bây giờ sẻ chăng?...
(Thu Tứ)



“Xuân vẫn tha hương”

Nguyễn Bính




Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu viễn phương

Em đi non nước xa khơi quá
Mỗi độ xuân về bao nhớ thương!
Mỗi độ xuân về em lại thấy
Buồn như chú lính ở biên cương

Thời chưa gặp đó nằm suông mãi
Suông cả ân tình rượu cũng suông
Trước mặt bút nghiên sầu tịch mịch
Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương

Một thân lữ thứ sầu phong tỏa
Ðốt ngọn đèn lên bóng rợn tường
Ðêm ba mươi tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương

(...)

Nêu cao pháo nổ trầm hương ngát
Hoa bưởi hoa cam rụng ngập vườn
Mưa xuân rắc bụi quanh làng mạc
Gái lịch trai thanh chật phố phường

Lá lộc chồi tơ tay ngọc hái
Giao thừa xuân đến bưởi thơm hương
(...)

Bao giờ em được về quê cũ
Dâng chị bài thơ Xuân cố hương.


Sài Gòn
tháng Chạp Quý Mùi (1943)
gửi chị Trúc
(vẫn trăm câu một vần)