Tết, đâu phải ai cũng ở một chỗ thật đông vui. Những người “được” nên cố làm cho những người không được vẫn cảm thấy vui. Nhớ người lính ở Trường Sa, rồi bỗng nghĩ đến chiến sĩ tàu ngầm. Tết này chắc “Hà Nội” chỉ nằm ở cảng Cam Ranh, nhưng vài Tết nữa, khi hạm đội tàu ngầm bắt đầu thi hành nhiệm vụ thì đêm giao thừa sẽ có những đứa con mai phục đâu đó dưới mặt nước Biển Đông để canh giữ Tổ quốc! Tưởng tượng những nồi bánh chưng nấu dưới một vài trăm mét nước! Chân thành kính chúc tất cả các lực lượng biên phòng một năm mới hoàn toàn yên vui!



“Tết ở Trường Sa”

Vũ Xuân Dân




Cùng với các loại hàng hóa, quà tặng từ đất liền gửi ra, mùa Xuân này, bộ đội Trường Sa còn đón Tết với những sản phẩm “cây nhà, lá vườn”, được nuôi trồng tại các đảo.


ảnh Vũ Xuân Dân

Đại tá Bùi Hải Phước, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho biết: Năm nay công tác bảo đảm, phục vụ cho quân và dân Trường Sa được chuẩn bị chu đáo từ sớm. Nhờ khai thác hiệu quả nguồn thực phẩm của các đơn vị ở đất liền, nên lượng thực phẩm tươi sống phục vụ bộ đội đón Tết tăng hơn 30% so với những năm trước. Hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ bộ đội đúng tiêu chuẩn, chế độ quy định trong Thông tư mới của Bộ Quốc phòng. Lãnh đạo, chỉ huy các đảo còn chủ động xây dựng kế hoạch, lập thực đơn chu đáo trong những ngày Tết sắp đến. Có nhiều đơn vị như đảo Sơn Ca đưa thêm vào bữa ăn bộ đội mỗi người từ 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng trong những ngày Tết. Ngoài số thực phẩm từ đất liền chuyển ra, đảo Song Tử Tây còn dành thêm 1 con bò, 10 con lợn cho bộ đội ăn Tết. Nhân dân trên đảo ăn Tết cùng đơn vị, các gia đình sẽ được bảo đảm chu đáo như bộ đội. Đặc biệt, có nhiều đảo chìm, như đảo Đá Thị, Đá Nam đã tự túc 100% rau xanh, bộ đội còn nuôi được lợn, chó, gà, vịt và đánh bắt hải sản như cá, ốc dự trữ phục vụ Tết. Nhờ những chế độ, tiêu chuẩn và quà tặng từ đất liền chuyển ra, bộ đội và nhân dân trên đảo Trường Sa sẽ có một cái Tết mang đậm hương vị quê nhà, thắm đượm nghĩa tình đất liền và hải đảo xa xôi...


ảnh Tấn Tuân, Tuấn Sơn

Đến đảo Song Tử Tây đúng vào đợt gió mùa đông bắc mạnh, nhưng chúng tôi thấy những luống rau trong nhà kính trên đảo vẫn phát triển xanh tốt chẳng kém các vườn rau xanh trong đất liền. Chiều đến, khi tiếng máy bơm nước ro ro chạy là hệ thống vòi phun nước từ trên cao tỏa xuống một màn sương mờ làm mướt mát thêm những cây lá trong vườn.

Dẫn chúng tôi tới tham quan khu vườn, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Khu nhà này được triển khai xây dựng từ đầu tháng 7-2013, trên diện tích 156m2 bằng nguồn kinh phí đầu tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trị giá khoảng hơn 600 triệu đồng, sau một tháng thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Qua 5 lứa rau đã trồng, rau trong vườn phát triển rất tốt, kể cả khi có gió mùa mang theo hơi nước biển, muối mặn, cho thu hoạch sản lượng ổn định trên 300kg/lứa, tăng năng suất từ 40 đến 50% so với trồng rau trong vườn quây bằng tường bê-tông như trước đây. Qua đó, giúp đơn vị duy trì lượng rau xanh thường xuyên bảo đảm cho bộ đội trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi…”.

Có khu vườn trồng rau sạch trên đảo, cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi. Từ nay số người và lượng thời gian dành cho tăng gia sẽ giảm đáng kể, nhờ đó có thêm thời gian cho huấn luyện, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí... ngoài giờ làm nhiệm vụ.


ảnh Tấn Tuân, Tuấn Sơn

Cùng với những nhà kính trồng rau sạch, đảo Song Tử Tây cũng vừa đưa vào hoạt động hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung. Chuồng trại không khác nhiều so với ở trong đất liền, gồm có 6 ô nuôi lợn thịt, 6 ô nhỏ hơn nuôi lợn sinh sản, khu vực nhà nấu, kho chứa thức ăn gia súc, cùng các vòi nước để làm vệ sinh chuồng trại. Thời điểm chúng tôi đến, đơn vị đang nuôi đàn lợn gần 50 con. Thượng úy Nguyễn Phú Huyến, Trợ lý Hậu cần cho biết: Thực hiện chủ trương của trên về phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, đơn vị đã được đầu tư xây dựng khu chuồng trại này gần nửa năm nay và hiệu quả đạt được rất tốt. Đơn vị duy trì đàn lợn từ 40 đến 50 con và chủ động bảo đảm được nguồn giống chăn nuôi, với 5 đến 7 lứa lợn sinh sản mỗi năm. Chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển quy mô lớn hơn, đồng thời góp phần thiết thực cải thiện môi trường sinh thái, phòng chống dịch bệnh… Hiện nay, đơn vị chỉ cắt cử một chiến sĩ phụ trách chăn nuôi đàn lợn và đàn bò hơn 10 con trên đảo.


(Lược trích từ bài “Tết cây nhà, lá vườn ở Trường Sa” đăng trên trang
qdnd.vn ngày 22-1-2014)