Các ông Tây khảo cổ ngày xưa chỉ căn cứ vào một ít họa tiết tương tự mà bảo đồ đồng Ðông Sơn có gốc Ðông Âu. Bảo thế, khác nào bảo vì trong tiếng Việt có chữ cắt, chữ rớt đọc nghe tương tự chữ cut, chữ drop trong tiếng Anh mà do đó, bất chấp vô số chữ khác không hề tương tự và bất chấp dị biệt hết sức căn bản về ngữ pháp giữa hai thứ tiếng, tiếng Việt có gốc ở tiếng Anh!

Sở dĩ Tây có thể nghĩ nhảm đến mức ấy, là do trong óc họ có cái định kiến sai lầm rằng văn hóa luôn chảy từ Tây sang Ðông. Sự thực, nếu có cái gì luôn chảy từ Tây sang Ðông, thì đó chỉ là bạo lực.

Như Nguyễn Duy Hinh nhắc, cái “khảo” của các ông Tây ở nước ta nó bắt đầu là khảo của chứ không phải khảo cổ. Đến khi tiến hành khảo cổ thì đó lại là làm khoa học với “khuynh hướng chủ quan”, nghĩa là một cách phản khoa học. “Làm ăn” như thế dĩ nhiên phá sản: vô số cổ vật mà ngành khảo cổ Việt Nam đưa ra ánh sáng đã hoàn toàn khẳng định nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn.
(Thu Tứ)



“Khảo cổ phản khoa học”

Đào Duy Anh




Thực ra thì các nhà khảo cổ học Tây phương chỉ bằng vào sự tồn tại của một ít mô-típ tương tự trong các hệ thống nghệ thuật đồ đồng ấy, đặc biệt là mô-típ văn xoáy ốc đôi và văn thừng tết, mà khẳng định rằng nghệ thuật Ðông Sơn, cũng như nghệ thuật Trung Quốc, là bắt nguồn từ nghệ thuật Han-tát.

Cái phương pháp đối chiếu loại hình là phương pháp thông dụng của các nhà nghệ thuật sử, nó đã cho người ta thu được những kết quả khả quan, và đối với khoa học, phương pháp ấy vẫn có giá trị, nhưng nếu dùng nó một cách đơn thuần, cô lập, không căn cứ vào những sự kiện về loại khác mà kiểm tra, nếu chỉ so sánh hình thức để do đó mà suy luận về quan hệ nhân quả, hay quan hệ thân thuộc giữa các nghệ thuật rất xa nhau về thời gian hay về không gian thì người ta có thể đi đến những kết luận phiêu lưu, hoàn toàn trừu tượng, xa với sự thực.

Nếu không có chứng tích gì khác thì một vài điểm giống nhau về hoa văn không thể chứng minh quan hệ thân thuộc giữa các hệ thống nghệ thuật Ðông và Tây cách nhau xa vời ấy. Nhưng sở dĩ các nhà khảo cổ học Tây phương đều sẵn sàng đi đến hay công nhận một kết luận phiêu lưu như thế, là bởi mọi người đều có cái khuynh hướng chủ quan - do lập trường thực dân - đế quốc chủ nghĩa của họ quy định - muốn chứng tỏ rằng ở thời thượng cổ cũng như ở thời hiện đại, nguồn gốc của văn minh là ở Tây phương, và, xưa cũng như nay, Ðông phương phải nhờ Tây phương khai hóa cho.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)