Năm Quý Dậu (1993) chúng tôi có dịp đi xem hội pháo Đồng Kỵ lần đầu tiên, hết sức bỡ ngỡ và vô cùng thích thú!(1)

Thật tiếc cái tục đốt pháo quá. Nói như Nguyễn Tuân, cấm pháo như cắt buồng gan ra khỏi Tết!(2)

Thiết tha đề nghị nhà nước cho đốt pháo trở lại!

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Bao Giờ Lại Pháo.
(2) Xem bài Nguyễn Tuân – Chùa Đàn.




Trương Thìn, “Hội pháo Đồng Kỵ”



Các gia đình dự thi coi làm pháo hội là việc hệ trọng (...) Nguyên liệu làm pháo được cẩn thận tẩy uế vì pháo làm để thờ thần, tượng trưng cho sấm sét, để đón một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt (...)

Hội pháo Đồng Kỵ xưa kéo dài đến 20 ngày, nay gói trọn vào mùng 4 Tết (...)





Từ sáng sớm, tiếng trống thôi thúc (...) Mở đầu cho ngày hội là cuộc rước pháo với nghi thức trọng thể (...) Mười giờ sáng, bắt đầu (...) trên các trục đường chính trong làng dẫn tới đình, trên đường rước các gia đình làm pháo hội lần lượt nhập vào (...) Dẫn đầu cuộc rước là quốc kỳ, cờ hội, phường bát âm, các loại kiệu và cỗ thờ, bốn ông quan đám, ban khánh tiết và các cụ phụ lão. Tiếp theo là đoàn rước pháo của các gia đình làm pháo hội, với kiệu và cỗ thờ của gia đình mình. Mười sáu thanh niên là con cháu trong gia đình cùng nhau khiêng pháo quả và mâm pháo, vừa đi vừa hô to: “Mừng cho pháo ta một tiếng này, i a!”, mỗi lần hô lại nâng kiệu pháo lên, tạo không khí hứng khởi, sôi động. Hai bên đường, người xem hội cũng reo hò náo nhiệt khi nhìn thấy những quà pháo lớn hai người ôm được bọc giấy đỏ, ngòi ở giữa thân pháo, đầu ngòi gắn bông sen đỏ tươi, trên thân pháo là những hình nổi hoa lá hoặc long ly qui phượng bằng các loại giấy trang kim lóng lánh (...) Cuộc rước kết thúc khi đoàn rước pháo thứ năm ra tới đình. Bốn ông quan đám và ban khánh tiết tiến hành những nghi thức lễ thánh trong nội cung.

Cuộc thi đốt pháo bắt đầu lúc một giờ trưa (...) Chủ pháo, quần áo chỉnh tề, khăn nhiễu đỏ thít ngang hông, khăn nhiễu điều chít trên trán, tay cầm nén hương đã châm lửa. Dứt ba tiếng trống, chủ pháo hướng vào đình vái ba vái rồi đi vòng quanh quả pháo và đốt pháo trước sự hồi hộp chờ đợi của hàng vạn người. Pháo nổ rầm trời, xác pháo bay tung, khói pháo mờ mịt, chiêng trống hòa với tiếng reo hò náo nhiệt (...) Gia đình nào thắng giải sẽ được thưởng một chiếc bánh dày, một quả cam, một tấm mía (...) Đó là lộc Thánh, gia đình chủ pháo long trọng đón nhận, con cháu trong gia đình tung xác pháo lên reo hò rồi rước xác pháo cùng với lộc Thánh về ăn mừng.



Dô ông đám – Hội pháo Đồng Kỵ 1993

Sau khi quả pháo cuối cùng nổ tan xác, tục “Dô ông đám” bắt đầu. Các chàng trai con cháu của bốn ông quan đám, mặc quần đùi thắt lưng đỏ, mình trần như các đô vật, vào đình công kênh các ông ra sân đình, vừa đi vừa reo hò. Bốn ông quan đám mặc quần đỏ áo đỏ, được con cháu thi nhau nâng lên cao, cứ thế trong gần nửa giờ. “Dô ông đám” là tục có trong nhiều hội làng nhưng được bảo lưu duy nhất trong hội pháo Đồng Kỵ này với ý nghĩa quân sĩ công kênh bốn vị tướng trước hàng quân trong ngày chiến thắng trở về, mở hội ăn mừng (...)

Đến với hội pháo Đồng Kỵ, người đi xem được thấy những quả pháo có một không hai và truyền thống yêu nước ở một vùng quê Kinh Bắc.


(Theo
Hội hè Việt Nam, Trương Thìn chủ biên, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 1990)