Trong loại chợ “mua may bán dại”, ở Bắc Ninh có Chợ Ó cũng rất nổi tiếng (xem bài “Hội Ó” của Đặng Văn Lung).



Tổng hợp, “Chợ Tết cầu may”




Từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên ngày xưa có phong tục đến phiên chợ Tết thì có người đem các hàng lặt vặt như gạo, kẹo, bánh, đồ chơi trẻ con v.v. đi bán và cất tiếng rao rất lạ và hồn nhiên: “Có ai mua dại không?”. Những người “bán dại” này không cần bán mà cũng không cần có ai trả lời là mua hay không mua, còn nếu có người mua thì bán rẻ mà không cần lấy lãi.

Ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, có tục cứ hàng năm, vào sáng mồng Một, dân làng đi chợ mua may, bán may. Hàng hóa mua bán ở đây là bánh kẹo, chè, thuốc lá, hoa quả vườn nhà. Phong tục là, nếu món hàng đáng giá 500 đồng thì người bán sẽ nói tăng lên gấp 100 lần thành 50000 đồng. Nhưng người mua, sau khi khi ngã giá rồi thì lúc nhận hàng, lại trả tiền giảm xuống 100 lần, tức là trả đúng giá trị thực của món hàng là 500 đồng mà thôi. Cái quy ước tự nâng lên 100 lần và tự hạ xuống 100 lần ấy đã làm cho cả hai bên đều thấy là mình được may mắn (người bán thì bán được giá cao vọt, còn người mua thì mua được với giá rẻ như bèo), và cái may mắn ấy sẽ theo họ trong suốt cả năm trên mọi lĩnh vực: làm ăn, buôn bán, học hành v.v. Chợ không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi trao đổi những nụ cười, những lời chào, lời chúc thân ái đầu năm để bước vào một năm mới đầy hạnh phúc và may mắn.

Ở một số nơi như chợ Đồng (Hà Nam), chợ Phủ Giày (Nam Định)... có tục mở những phiên chợ Tết đặc biệt vào ngày đầu xuân, để mọi người đến rũ hết mọi sự xúi quẩy của năm qua và mua cái may mắn cho năm mới, gọi là chợ mua may bán dại. Trong phiên chợ ấy, người bán mang đến bán bất cứ thứ gì, nhiều ít, đắt rẻ không quan trọng, cốt bán cho được thì thôi – đó là bán “cái dại” của năm cũ. Ngược lại, người mua cũng chỉ cốt mua được thì thôi – mua bất cứ thứ gì, đắt rẻ, tốt xấu không quan trọng – đó là mua được “cái may” cho năm mới.

Ở Nam Định còn có chợ Viềng nổi tiếng xưa nay là một chợ cầu may đặc biệt và đặc biệt nữa là cho đến nay vẫn còn tồn tại. “Chợ Viềng” là một danh từ chung, chỉ một loạt chợ cầu may ở vùng này. Có chợ Viềng Kim Thái (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Nam Trực (huyện Nam Ninh) họp vào ngày mồng 8 Tết; chợ Viềng Liễu Đề ngày mùng 6 và chợ Viềng Lạng ngày mùng 7 Tết. Chợ Viềng cầu may mỗi năm chỉ mở đúng một lần và họp từ đúng lúc nửa đêm, cảnh mua bán diễn ra trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn đuốc.

Chợ Viềng bán cây kiểng, cây giống, thịt bò, thịt bê thui (hiện nay mỗi phiên chợ Viềng có hàng trăm con bò, bê thui bày bán la liệt từ cổng chợ dài đến vài cây số), và nhiều nhất là bán đồ cũ (người ta có thể mang tới chợ bất cứ vật dụng gì trong nhà đã qua sử dụng, bất kể còn nguyên vẹn hay sứt vỡ, từ quý giá như đồ thờ tới đồ thông thường như bát đĩa, nồi mâm, bình vôi, bát điếu v.v.). Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ, chỉ cốt để lấy may. Người bán muốn bán nhanh lấy may cho việc làm ăn quanh năm, còn người mua tới chợ, ra về không khi nào về tay không.

Chợ Viềng Nam Định tập trung người mua kẻ bán không chỉ trong tỉnh mà từ khắp tứ xứ - gần có Thái Bình, xa tận Thanh Hóa, Vinh..., bây giờ có cả khách các tỉnh phía Nam, đáp máy bay xuống Nội Bài rồi thuê xe xuôi Nam Định, tan chợ lại ngược về ngay. Người ta miệt mài, lầm lũi và háo hức đi hàng chục, hàng trăm cây số trong cái rét căm căm một đêm tối trời, để rồi khi tàn chợ lại miệt mài quay về, người bán có thể trong túi chỉ giắt thêm vài chục nghìn đồng, người mua có khi mang về chỉ là một món đồ cũ sứt mẻ. Cái phiên chợ một năm chỉ có một lần ấy đã bao nhiêu năm qua vẫn chưa lỗi hẹn một lần và hiện nay có lẽ là phiên chợ cầu may duy nhất còn lại của xứ Bắc.


(Trích
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm, nxb. TPHCM, in lần 3, năm 2001. Sách ghi bài viết này “dựa theo Nguyễn Mạnh Hùng (...) 12-1999 (...) và Phạm Thị Thu Thủy (...) 2-2000”.)