Đàn nhiều loại. Nhà thơ càng nhiều loại: mỗi nhà thơ là một loại! Có loại Thiều, loại Điểm, loại Du, loại Trứ, loại Quát, loại Khuyến, loại Xương, loại Hiếu, loại Xuân, loại Huy, loại Bính, loại Chế v.v. Bất cứ loại nào cũng vừa “không (...) được như” bất cứ loại nào khác, lại vừa có cái hay riêng không loại nào khác có được. Hành trình sáng tạo nghệ thuật là cố đi cho đến cái “đỉnh chót” của “cây đàn” mình. Chẳng hạn, “con chim đến từ núi lạ” có một lối hót riêng chưa ai từng nghe, nó đã cứ thế mà “dào dạt với âm thanh” suốt đời, để lại cho ta những “tiếng lòng” say sưa chót vót!

Đàn nào chả có hạn chế
Đừng ôm nguyệt mà réo rắt
Hay kéo nhị cho thành giọt!
Sáng tạo
Là cố đi
Sao cho đến đỉnh mình.
(Thu Tứ)



“Đàn nguyệt, đàn nhị, nhà thơ”

Xuân Diệu




Nhà thơ mang nhược điểm của mình như một cây đàn mang hạn chế của nó: đàn nguyệt gảy bằng ngón tay: tiếng tròn, đàn nhị kéo bằng vĩ tơ: tiếng dài, nguyệt không réo rắt xé không gian được như nhị, nhị không thánh thót “mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” được như nguyệt; vấn đề ở chỗ: nguyệt hay đến độ cao nào? nhị hay đến đỉnh chót nào?


(Trong
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985)