Tượng “chân thân” có “kiểu máy lạ lùng, tượng có thể ngồi lên nằm xuống được”, điều ấy hẳn có liên hệ với truyền thuyết rằng ngài là ông tổ nghề múa rối nước.

Gọi “chùa” mà “tượng Phật chỉ thấy loáng thoáng”, vậy không phải là “chân tự”. Nơi đây chân tướng, là chỗ thờ thánh tổ của một nghề.

Năm 1925, “ký giả” lên Chợ Trời, gặp “một bọn năm bảy cô con gái (...) trông ra thì thuần là mầu con gái nhà quê, chất phác tự nhiên (...) chửa trải qua một hồi mưa Âu gió Mỹ”. Năm 2014, có lẽ phải lên trời thật, mới mong gặp được thứ “mầu con gái” ấy.

(Thu Tứ)



Tùng Vân, “Chơi hạt Quốc Uy” (2)



Xem xong đỗng Hoàng Thạch, mới đi lên, đi một lát, trông sang mé bên hữu, thấy ba cái trái núi mọc liền nhau tựa như đầu và cánh con chim, người ở đấy trỏ bảo rằng đó là núi Phượng Hoàng. (...) cũng chưa kịp rẽ vào xem (...) đi thẳng lên núi Sài.

Bắt đầu vào xem chùa, chùa ở mé tây nam dưới chân núi.

Trước cửa chùa có một cái hồ cũng khá to, mùa hè có sen mọc. Ở mặt hồ có cái thủy đình, ngày thường làm chỗ thưởng liên, ngày hội làm nơi múa rối. Đôi bên tả hữu chùa có hai cái kiều , làm ra kiểu thượng gia hạ trì. Một bên là Nhật Kiều. Một bên là Nguyệt Kiều.

Chùa làm có ba lớp liền nhau, mỗi một lớp riêng ra một tòa nhà. Nhà làm ra kiểu cung đình, khác với kiểu chùa mọi nơi. Duy lớp thứ ba là lớp trong cùng, thì cao nhất và rộng nhất, mà mái lại thấp nhất (...)

Hiện nay ở trong chùa trên lớp trong cùng, có ba pho tượng thờ ngài. Một pho ở gian giữa, thì làm ra dáng thầy tu, đó là hình dung về kiếp trước ngài (tức tượng Từ Đạo Hạnh). Một pho ở bên cạnh về mé tả, thì làm ra dáng đế vương, đó là hình dung về kiếp sau ngài (tức tượng Lý Thần Tôn), lại một pho ở bên cạnh về mé hữu, là tượng chân thân, đặt ở trong khám, ngoài khám thường có màn che bốn bên, ít có người được xem. Nghe đâu tượng ấy thì cổ lắm, làm bằng gỗ bạch đàn, mà lại có kiểu máy lạ lùng, tượng có thể ngồi lên nằm xuống được. Chỉ đệ niên đến ngày sắp sửa mở hội, có hai người lý trưởng trong hàng tổng được trai giới vào mở khám làm lễ mộc dục mà thôi. Chùa gọi là chùa Thiên Phúc. Chùa này chuyên chủ về thờ ngài, cho nên chùa dẫu rộng, mà tượng Phật chỉ thấy loáng thoáng mà thôi (...) không như mọi chùa (...)

Chùa này (...) chửa hề đã trải qua có phen tu tạo lại mà biến đổi đi chút nào; ôi cũng quý thay! (...)

Núi Sài nguy nga khởi lên, ngọn cao cùng ngọn thấp, liên lạc với nhau, kể có sáu bảy ngọn. Đại khái chia ra có ba mặt. Một mặt giáp ngay ở bên chùa, thì có đường đi lên Chợ Trời và vào hang Thánh Hóa. Một mặt ở về cuối làng Đa Phúc, thì lưng chừng núi có hang Cắc Cớ. Một mặt ở về đầu làng Thụy Khuê, thì trên núi có chùa một mái, có hang bụt mọc, có đỗng gió lùa. Núi Sài có nhiều phong cảnh lạ, người thì thích chỗ nọ, người thì thích chỗ kia. Khi lên núi, anh em đều tùy ý tự do. Ký giả mới bắt đầu tìm đường đi lên Chợ Trời (...)

Đường đi lên Chợ Trời, nguyên vẫn không có bậc đá, lởm chởm quanh co, đi chẳng qua từ hòn đá nọ chuyền sang hòn đá kia, người lên như thể con vượn leo vậy. Hôm ấy chửa phải là ngày chính hội, cho nên hãy còn vắng teo. Mình khi ấy cũng không có người đưa lên, chỉ nhận hòn đá nào hơi có vệt nhẵn, thì cứ hòn đá ấy mà trèo lên. Trông sang hai bên vệ đường đá, thì phần nhiều có những thứ trúc lăn tăn ở khe đá mọc ra, trông cũng vui mắt. Kịp đi lên đến nơi, thì đã thấy một bọn năm bảy cô con gái, trạc độ mười tám đôi mươi, hoặc mười lăm mười sáu; cô thì đứng, cô thì ngồi, đương cười nói chỉ trỏ. Mình sực lên, hoảng nhiên là cái chợ tiên nữ vậy. Cô thì nói rằng: Mình tự thủa bé đến giờ mới lên Chợ Trời. – Cô thì nói rằng: Ngỡ là Chợ Trời có những gì! – Cô thì nói rằng: Chợ Trời lại như chợ ta ấy ư! (...) Trông ra thì thuần là mầu con gái nhà quê, chất phác tự nhiên, lại chẳng khác gì cái hoa đào ở trong suối Vũ Lăng (1), chửa trải qua một hồi mưa Âu gió Mỹ vậy. Các cô ngồi đứng ở trên đó một lúc, rồi ù ù kéo xuống, thế là chợ tan; lại hoảng nhiên như người tiên nữ chợt biến đi vậy. Còn một mình đứng lại, ngắm nghía hồi lâu, thì thấy Chợ Trời quả nhiên là nhiều của lắm. Cỏ hoa bốn mùa, không bao giờ hết; gió mây bốn mặt, không cái gì ngăn. Duy cái danh với cái lợi, thì bới đâu cũng chẳng còn, dòm đâu cũng chẳng thấy (...) cái lời “Chợ Trời lại như chợ ta ấy ư!” của người thiếu nữ vừa rồi (...) thú vị vô cùng.

Nhân lại nhớ cổ nhân đã từng có một bài thơ vịnh Chợ Trời rằng:

“Hóa công xây đắp biết bao đời,
Này cảnh Sài Sơn có chợ trời.
Buổi sớm sương tan trưa nắng dãi,
Ban chiều mây họp tối trăng soi.
Bày hàng hoa quả tư mùa đủ,
Mở phố giang san bốn mặt ngồi.
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Thử lên mặc cà một đôi lời!” (...)

Nhận ra thì chỗ Chợ Trời tức là chỗ tuyệt đỉnh núi Sài. Trên đỉnh núi đá, có một chỗ đất phẳng hình tròn, rộng vào độ năm bảy bước chân, có thể dung được độ chín mười người. Chung quanh lại có những hòn đá lởm chởm mọc lên, tựa như cái câu lơn. Một mé lại có hai hòn đá lớn nằm ngang, tựa như chỗ bán hàng. Ở chỗ đất phẳng, thì lún phún có những vầng cỏ nhỏ. Ở chung quanh thì thuần có một giống dứa (dứa ăn quả) ở kẽ đá mọc ra. Ở bên cạnh về mé tây, có một vài cây hoa đại, hình đã cổ, mà sinh khí vẫn thấy nảy ra, hoa thơm phưng phức (...)

Ký giả đến lúc xuống, anh em lại gặp nhau cả ở cửa chùa Đính Sơn, người thì ở trên trời mới về, người thì ở trong hang mới ra, khi đó hỏi nhau cũng là một cái thú trong cuộc đi chơi núi.


(Trích từ bài du ký không biết tên (vì đánh mất trang đầu) của Tùng Vân, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 93, tháng 3-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





_________
(1) Là suối nơi Đào Nguyên.