Nguyễn Dư, “Hồ Hoàn Kiếm” (1)




Sự tích hồ Hoàn Kiếm

Truyền thuyết kể rằng Lê Lợi được trời cho thanh bảo kiếm, đứng lên dẹp giặc Minh. Dẹp giặc xong, Lê Lợi lên làm vua. Một hôm, vua Lê Thái Tổ dạo thuyền trên hồ, bị một con Rùa Vàng lấy lại thanh kiếm. Từ đó hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm.

Truyền thuyết đẹp và giản dị. Chỉ có ba nhân vật là Lê Lợi, thanh kiếm và con rùa. Thế mà các văn bản cũng không thống nhất.

Sách Tang thương ngẫu lục soạn từ đời Gia Long (1802-1819), kể chuyện Hồ Hoàn Kiếm như sau:

“Hồ Hoàn Kiếm ở bên cạnh phường Báo Thiên, thành Thăng Long, thông với nước ngoài sông, hình thể rất to rộng. Hồ này là nơi đức Thái Tổ Hoàng Đế (triều trước) đánh rơi thanh kiếm.

Hồi Thái Tổ khởi nghĩa, ngài bắt được một thanh gươm cổ. Khi làm vua, ngài thường vẫn đeo thanh gươm đó. Một hôm chơi thuyền ở trong hồ, chợt thấy một con ba ba rất lớn nổi lên mặt nước, bắn nó không trúng. Ngài bèn lấy thanh gươm mà chỉ. Bất đồ, thanh kiếm rơi xuống nước mất, con ba ba cũng lặn theo. Ngài giận, sai lấp cửa hồ lại, đắp cái bờ ngang, tát hết nước để tìm, nhưng chẳng thấy đâu cả. Đời sau nhân cái vết bờ ấy chia hồ ra làm hai: tả vọng, hữu vọng. Cuối đời Cảnh Hưng, bỗng có một vệt sáng từ cái đảo trong hồ vọt lên cao, sáng rực tan ra rồi tắt, người ta cho là thanh bảo kiếm bay đi”
(Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Đạm Nguyên, nxb. Đại Nam, tr. 181).

(...)

Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán (Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, 1975, tr. 39-40) tìm hiểu rất sâu xa ý nghĩa hồ Hoàn Kiếm:

“Sử Lý - Trần hầu như chẳng nói đến hồ Gươm (…).

Chuyện “Trả gươm thần”, người Hà Nội nghe kể đã nhiều, song ý nghĩa câu chuyện thì chưa mấy ai đào sâu tìm hiểu. Trên đại thể, người ta cho truyền thuyết ấy kể việc Lê Lợi được gươm thần đề chữ “Thuận Thiên” từ nước: ý trời trao sứ mệnh cho người anh hùng đứng lên xướng nghĩa cứu dân, giúp nước, quét giặc ngoại xâm. Mười năm khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, người anh hùng lên làm vua, đi thuyền trên hồ, trời sai Rùa Vàng hiện lên lấy lại thanh gươm. Chủ đề bất tuyệt: “Chiến tranh và Hòa bình”…

Thực ra đấy là vang bóng của một mẫu đề thần thoại và một lễ tiết cổ xưa. Nếu về mặt chính trị - xã hội, thanh gươm là biểu tượng của quyền uy thì về mặt thần thoại - lễ thức, thanh gươm là biểu tượng của Tia chớp - Lửa. (…) Nhúng gươm xuống nước là nghi lễ biểu thị sự hòa hợp Nước - Lửa, một nghi lễ phồn thực. Lại vì gươm là tượng trưng của chớp lửa nên nghi lễ nhúng gươm xuống nước cũng là một nghi lễ chống lụt (…)

Sự tích hồ Gươm - gắn liền với vị anh hùng lịch sử Lê Lợi - là sự diễn tả về mặt thần thoại một lễ nghi cổ xưa chung cho cả vùng Đông Nam Á : nghi lễ chống lụt và cầu mong sự hài hòa của non nước…”.


(...)

Chủ đề “chiến tranh và hòa bình”, “nghi lễ phồn thực”, “nghi lễ chống lụt” của Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán thật là đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, một truyền thuyết dân gian mà có ba lối giải thích thuộc ba lĩnh vực khác nhau thì có nhiều quá không? Hay là qua biểu tượng Lê Lợi trả gươm thần, cũng như biểu tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời sau khi dẹp giặc Ân, dân gian chỉ muốn ca tụng người anh hùng cầm gươm đánh giặc, giặc tan thì cất gươm đi?

Từ giữa thế kỉ 17, Trịnh Tạc xây phủ chúa (...) Vì hồ Hoàn Kiếm nằm về bên trái phủ chúa nên gọi là hồ Tả Vọng (Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội - địa danh, nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1993, tr. 393).

Dưới thời các chúa Trịnh, thế kỉ 17-18, hồ Hoàn Kiếm có tên là hồ Thủy Quân vì các chúa Trịnh thường diễn tập quân thủy trong khu vực hồ (Bùi Thiết, sđd, tr. 435). Có thuyết nói rằng tên hồ Thủy Quân đã có từ đời Trần.

Nhưng, bản đồ của Phạm Đình Bách (1873, đời Tự Đức) lại cho thấy hồ Hoàn Kiếm và hồ Thủy Quân là hai hồ khác nhau (...)

Một tấm bản đồ khác do Biệt Lam vẽ năm 1956, phỏng theo bản đồ năm 1866 và 1873, cũng cho thấy hồ Thủy Quân và hồ Hoàn Kiếm là hai hồ khác nhau, cách nhau khá xa (Hanoi, Les cahiers de l” Ipraus, 2001, tr. 80).

Điều này có thể được hiểu là:

Đời Trịnh, hồ Hoàn Kiếm được chia thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Đời Tự Đức (1847-1883), hồ Tả Vọng được gọi là hồ Hoàn Kiếm, hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân.

Bắt đầu từ năm 1884 (...) Pháp giữ lại hồ Hoàn Kiếm, lấp dần hồ Thủy Quân (...)

Hồ Hoàn Kiếm ngày xưa còn có tên là Lục Thủy, Hàng Hương (Hoàng Đạo Thúy, Đi thăm đất nước, nxb. Văn Hóa, 1978, tr. 55).


(Lược trích bài “Hồ Hoàn Kiếm” của Nguyễn Dư đăng trên trang
chimviet.free.fr)