Tàu đã chật đất, Pháp còn lênh đênh trên biển. Nhưng Tàu sớm muộn sẽ rút, Pháp mới là tên giặc đòi ngồi mãi trên cổ ta, là đứa mà “ngọn lửa đấu tranh” cần tập trung đốt cho kỳ cháy!

Có mười tám vạn quân Tàu sang tận nơi ủng hộ, rút cuộc Việt Quốc và Việt Cách vẫn thất bại...

Ấy bởi hai tổ chức này đã không gây được phong trào sâu rộng, chưa có bao nhiêu cơ sở trong quần chúng khi thời cơ tới.

Quốc và Cách cũng đều yêu nước Việt. Nhưng chính kiến quá bất đồng với...

Không thể cai trị nước, nói chi đánh thứ giặc rất dữ, với “tam đầu” mà mỗi đầu chủ trương một “chế”!

Trước khi cuộc chống ngoại xâm khởi sự, sẽ phải xẩy ra những thanh toán nội bộ.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Nhận cho đúng kẻ thù”



Khi những tên “lam y” đầu tiên của quân Tưởng đến Hà Nội, chúng tìm tới cơ quan chính quyền ta, xin cấp giấy phép mang vũ khí. Trật tự nghiêm ngặt của thành phố đã làm chúng phải e nể. Anh em hỏi ý kiến Bác xem có nên cấp giấy cho chúng không. Bác nói: “Làm một con dấu, cấp giấy cho chúng thôi. Sắp đến lúc chúng không cần đến giấy tờ của ta nữa đâu” (...)

Cuối tháng Chín, Lư Hán tuyên bố thời gian quân đội của hắn làm nhiệm vụ ở Việt Nam sẽ không có hạn định. Rõ ràng là bọn Tưởng vào đây không chỉ để giải giáp quân Nhật (...)

Tiêu Văn (từ lâu được Trung Hoa Quốc dân đảng giao trách nhiệm theo dõi tình hình nước ta) bắt đầu công việc của hắn. Hắn đặt vấn đề phải cải tổ lại Chính phủ, đòi ta phải dành nhiều Bộ và chức vụ quan trọng cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (...)

Dần dần bọn Mỹ nhận ra chúng ta không phải là những người thân phương Tây (...) Phái bộ Pháp được sự đồng ý của Mỹ và Tưởng, đã kiếm được một trụ sở không chính thức tại Hà Nội (...)

Bắc bộ phủ không còn là một nơi thật an toàn. Bác phải đổi chỗ nghỉ, thay đổi qui luật đi lại (...)

Bác và Thường vụ đã nhìn thấy qua số quân đông và sự hung hăng bề ngoài của quân đội Tưởng, những chỗ yếu bên trong của chúng. Khó khăn lớn nhất của bọn chúng là (...) không thể tạo ngay được một chỗ dựa về chính trị. Chúng muốn lật ta, nhưng vẫn nhận thấy nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền ta, chúng không thể nào giải quyết được những nhu cầu rất lớn về vật chất cho đội quân đông đảo bị nhân dân ta xa lánh, căm ghét. Chúng còn phải tính đến cả những nguy cơ nghiêm trọng khác có thể xảy ra cho chúng.(1)

Một hôm, bộ tư lệnh quân đội Tưởng đề nghị Bác đến gặp. Bác về muộn, lặng lẽ ngồi vào bàn ăn (...) buông đũa sớm hơn thường lệ (...) kể sáng nay bọn Tưởng đòi Bác ký giấy nhận cung cấp cho chúng một số gạo rất lớn. Bác đã từ chối. Chắc chúng còn tiếp tục làm rầy về chuyện gạo. Bác nói:

- Gạo đâu mà đưa chúng nhiều thế. Dân mình có đủ gạo ăn đâu!

Thấy vẻ bất bình của chúng tôi, một lần nữa, Bác nhắc lại cần phải biết kiên nhẫn chịu đựng, giữ hòa hoãn với quân Tưởng để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính.

Bác kiên quyết trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Và khi sách lược đã định ra rồi, Bác cũng rất kiên quyết thực hiện sách lược.

(...)

Trong hoàn cảnh hết sức rối ren của đất nước (...) việc xác định đâu là kẻ thù chủ yếu trở nên vô cùng quan trọng. Đảng đã phân tích tình hình (...)

Mỹ tuy miệng nói giữ thái độ trung lập trong vấn đề Đông Dương, nhưng đã ngầm giúp đỡ Pháp bằng cách cho mượn tàu chở quân sang ta. Trong quan hệ với Pháp, Anh - Mỹ gặp phải mâu thuẫn: một mặt muốn tranh giành quyền lợi ở Đông Dương và ở Đông Nam Á, một mặt lại muốn hòa hoãn để cùng lập mặt trận bao vây Liên Xô.

Bọn Tưởng kéo quân sang ta với âm mưu lúc đầu là lật đổ chính quyền do Đảng ta tổ chức ra (...) Nhưng chúng thấy đông đảo nhân dân ủng hộ Chính phủ, nên đành phải đặt quan hệ với ta (...) (mặt khác vẫn) âm mưu cải tổ Chính phủ lâm thời, đưa (những người Việt Nam đồng chính kiến với chúng) vào.

Trung ương đã nêu lên một nhận định mới:

“... Trước sau, Trùng Khánh sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp, miễn là Pháp nhường cho Trung Hoa nhiều quyền lợi quan trọng”.

Từ những phân tích, nhận định trên (...) đối tượng chủ yếu của cách mạng được chỉ ra rõ ràng:

“... Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”.


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 170-178, nhan đề tạm đặt.)







_________
(1) Chắc đây ý nói về diễn biến cuộc nội chiến bên Tàu giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng. (GN)