Tàu gần nên qua được trước.

Pháp xa, nhưng chẳng bao lâu cũng sẽ “tràn ra (...) như một bệnh dịch”, không phải chỉ ở các tỉnh miền Bắc như Tàu mà trên khắp lãnh thổ nước Việt Nam, trên khắp Đông Dương.

Tạm thời, ở Sài Gòn có đến bốn thứ giặc: Nhật, Anh, Pháp và cả Ấn (theo Anh)!

Máu vào tiếp máu đây, bà con Nam bộ ơi!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đủ thứ giặc!”



Đối phó với các quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật là một khó khăn lớn lúc này (...)

Ở miền Bắc, có tin Tưởng Giới Thạch sẽ đưa vào một số quân rất đông (...) Phía Vân Nam, quân đoàn 93 (...) của Lư Hán (...) đi dọc sông Hồng đến Hà Nội (...) Phía Quảng Tây, quân đoàn 62 (...) do Tiêu Văn chỉ huy (...) đi đường Lạng Sơn, Cao Bằng xuống Hà Nội (...) Hai quân đoàn 52 và 60 (...) chia nhau xuống Hải Phòng, vào Vinh và Đà Nẵng (...) Cả bốn quân đoàn này được đặt dưới quyền chỉ huy chung của Lư Hán (...) Trong nửa đầu tháng 9, gần hai chục vạn quân Tưởng đã tràn ra hầu khắp các tỉnh miền Bắc như một bệnh dịch (...)

Ngày 11 tháng 9, tướng Lư Hán đáp máy bay đến Hà Nội (...) Vài ngày sau A-léc-xăng-đri cũng xuất hiện ở Hà Nội. Viên tướng chỉ huy lực lượng lê-dương Pháp tại Bắc kỳ, đã đem quân chạy trốn sang Côn Minh trước cuộc tấn công của quân đội Nhật đêm mồng 9 tháng 3 năm nay (1945), tại sao cũng đến đây? Tình ý giữa bọn Tưởng và bọn Pháp ra sao là vấn đề cần được chú ý?

(...)

Tại Nam bộ, tình hình đã trở nên căng thẳng từ đầu tháng Chín.

Mồng 2 tháng 9, biển đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn rước cờ và giương cao những biểu ngữ chào mừng Ngày Độc Lập (...)

Bốn ngày sau, phái bộ Anh bắt đầu đến Sài Gòn. Chúng ra lệnh cho bọn Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố, và đòi các lực lượng vũ trang của ta phải nộp vũ khí. Ngay từ ngày đầu, quân Anh đã lộ rõ bộ mặt can thiệp (...) Một ngàn rưởi lính lê-dương Pháp của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 đã được bọn Anh đưa ra khỏi trại tù binh Nhật và trang bị lại.

Sáng sớm ngày 23 tháng 9, bọn lính Pháp của trung đoàn 11 cùng một đơn vị lê-dương mới từ Pháp sang, được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, đổ xô ra các ngả đường. Chúng đánh chiếm các đồn cảnh sát của ta và bắn giết đồng bào (...)

Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ ở Nam bộ.

Đồng bào Nam bộ vừa giành được chính quyền chưa tròn một tháng, đã anh dũng đứng lên chống kẻ thù. Đó là những người dân đầu tiên của đất nước tự do đã đã đem xương máu thực hiện những lời thề trong Ngày Độc Lập (...)

Ngày 26 tháng 9 (...) đồng bào ở Sài Gòn đã nghe những lời thống thiết của Chủ tịch nước được đài Tiếng Nói Việt Nam từ thủ đô Hà Nội truyền đi:

“Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ.

... Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!

(...) Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa...” (...)

Đầu tháng 10, những đơn vị của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 tiếp tục đến bằng đường biển. Mồng 5 tháng 10, tướng Lơ-cléc tới Sài Gòn giữa lúc tiếng súng tạm im. Bọn thực dân đang dùng kế hoãn binh để chờ quân tăng viện. Chúng đã phải yêu cầu gặp đại diện của ta để điều đình. Theo sau Lơ-cléc, một binh đoàn xe bọc thép thuộc sư đoàn thiết giáp số 2 của Pháp đổ bộ vào Sài Gòn. Giặc lại nổ súng, cố đánh rộng ra vùng ven.

Trung ương quyết định tăng cường lực lượng cho Nam bộ (...) Các đội quân Nam tiến được tổ chức nhanh chóng (...)

Chủ trương của ta là triệt để áp dụng chiến tranh du kích, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù (...)

Thanh niên nô nức tòng quân để được vào Nam chiến đấu (...) Biển người đưa tiễn tràn ngập các sân ga. Đồng bào miền Bắc, miền Trung cống hiến những giọt máu của mình cho miền Nam, gửi gắm vào những người con ra đi nghĩa tình ruột thịt (...)


(Trong hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên, bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970, viết xong vào mùa xuân 1972, in lần đầu năm 1974, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 157-170, nhan đề tạm đặt.)