Châu thổ Bắc bộ rải rác những quả núi “cũng không lấy gì làm cao cho lắm”, nhưng rất đỗi xinh!

Có quả bên trong lại rỗng: động Hương Tích, hang chùa Trầm, hang Cắc Cớ...

Cái “đỗng” Hoàng Xá này ở được quá xá!

(Thu Tứ)



Tùng Vân, “Chơi hạt Quốc Uy” (1)



Sài Sơn ở về thuộc hạt tỉnh Sơn Tây, phủ Quốc Uy, gần ngay mé tây ngạn con sông Hát. Núi cũng không lấy gì làm cao cho lắm (...)

Dân ở phụ cận trái núi ấy, là một xã Đa Phúc, với một xã Thụy Khuê thuộc tổng Lật Sài (...).

Dải núi ấy thuần là núi đá, la liệt kể có mười tám ngọn. Ngọn Sài Sơn chủ sơn, cao nhất và to nhất (...)

Trong các ngọn núi nhỏ hơn (...) có một ngọn Phượng Hoàng Sơn, với một ngọn Hoàng Xá Sơn, coi cũng ra hình đặc biệt. Phượng Hoàng Sơn tức là núi Gồ (...) có đá hoa, đá trắng vân đen, vân đá đẹp lắm (...) Hoàng Xá Sơn tức là Tượng Sơn (...) có một cái đỗng, rộng rãi sáng sủa, hình đỗng lạ lắm (...)

Trong hạt Quốc Uy, chếch về phía tây nam, lại có một cánh đồng mênh mông bát ngát, kể có mấy nghìn mẫu, gọi là cánh đồng Thập Cửu, nghĩa là mười chín xã chung nhau một cánh đồng ấy. Về mùa tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, tháng tám, trông tựa như một cái bể nước trắng, làn nước vằng vặc, lợi về cảnh trăng. Về mùa tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư, trông tựa như một cái bể lúa chiêm, làn lúa hiu hiu, lợi về cảnh gió (...)





Trước hẵng ra xem núi Hoàng Xá, núi gần ngay ở phía đông bắc phủ thành, cách độ vài trăm bước. Hình núi uốn cong như hình cái cánh cung, một bên lù lù cao lên như hình cái trán voi, một bên sè sè thấp xuống như hình cái đuôi nheo, chừng cũng vì cái hình ấy mà thành tên là Tượng Sơn. Ở giữa có một cái đổng, tự mặt đất lên cửa đổng, cao lên thoai thoải, phải xây mười mấy bậc đá mà đi lên. Cửa đỗng rộng và cao. Trên trần đỗng lại có ba chỗ hổng, tựa như ba cái cửa sổ ở đôi bên (...) Cho nên trong đỗng vẫn sáng sủa, chỉ chỗ hang chỗ hốc là hơi tôi tối mà thôi, mà không khí ở trong đỗng cũng thường thấy ráo rẻ như bên ngoài. Ngồi ở trong đỗng mà xem sách, có thể xem được sách chữ nhỏ; đứng ở trong đỗng mà chụp ảnh cũng có thể đủ bóng sáng mà chụp. Ở nơi trung ương cái đỗng, có một phiến đá (...) tựa như hình cái sập (...) cao lên độ hơn một thước tây, nửa về đàng trước thì thấp dần xuống, nửa về đàng sau thì cao, mà lại phẳng phiu như hai chiếc chiếu rộng trải ngang ra ở trong đỗng, khả dung được bảy tám người ngồi. Cái sập ấy có thể ngồi tụng kinh, xem sách, uống rượu, đánh cờ, dạo đàn, đập trống, được cả. Đôi bên cái sập ấy, chếch về mé đàng sau, thì một bên có bộ sa-lông nho nhỏ bằng đá, chừng là người ta nhân cái thế hòn đá mà làm ra; một bên có hai hòn đá trông như hình con gia thú, cũng có người gọi là mẹ con kỳ lân. Ở bên tả lại có hai cái phòng. Một cái phòng ở mé trước thì sáng sủa, tựa như phòng làm giấy. Một cái phòng ở mé sau thì tôi tối, tựa như phòng ngủ phòng tắm. Cái đỗng lại có đường thông ra đàng sau; đàng sau lại hình ra một cái đỗng nữa, cao rộng và sáng sủa, có phần lại hơn ở đàng trước. Xem ra, toàn cái đỗng này tựa như một tòa thạch thất: đàng trước tức là cái tiền đường, đàng sau tức là cái hậu đường, có sập ngồi, có câu lơn chắn, có cửa lớn cửa nhỏ, có phòng nọ phòng kia, đủ bộ phận một tòa nhà. Ông thợ trời bày đặt cũng tiêm tất đó thay! Giá có một bác đồ lười nào, không chịu làm cửa làm nhà, cứ đến đấy mà ở thì tưởng cũng sẵn sàng vậy.





Ở cửa đỗng chếch về mé bên hữu, lại có một cái hồ hình dài, một mé lại hơi cong cong, tựa như hình bán nguyệt, nước trong leo lẻo, dân ở đấy lấy nước hồ ấy làm nước ăn. Ngoài cái hồ thì tức là con đường lượn qua núi Hoàng Xá đi lên núi Sài.





Phong cảnh cái đỗng này, không phải là không có chiều nhàn nhã, có vẻ thanh quang. Nhưng núi Hoàng Xá tiếp cận ngay ở phủ thành, không phải là chỗ thâm u, nên cái đỗng này chỉ là nơi du thưởng lúc tạm thời, không phải là nơi cao ẩn (...)


(Trích từ bài du ký không biết tên (vì đánh mất trang đầu) của Tùng Vân, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 93, tháng 3-1925, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập III. Nhan đề phần trích tạm đặt.)