Từ khi trở về nước khoảng cuối năm 1941 đến khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời cuối năm 1944, “tôi” làm công tác tuyên truyền xây dựng cơ sở trong vùng Cao – Bắc – Lạng.

Càng làm, “tôi” “càng thấy rõ, trong khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mật thiết đến đời sống của quần chúng, thì quần chúng rất dễ tiếp thu, công tác vận động sẽ trở nên có một sức hấp dẫn đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh”.

Cụ thể, nên nói thật nhiều về chuyện giặc áp bức bóc lột dân ta, mà chớ nên nhấn mạnh “bốn mâu thuẫn lớn trên thế giới hiện nay”, kẻo hội viên “xin ra hội”!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Xây dựng cơ sở Việt Bắc”


(Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng tôi nẩy ý trích đăng lại hồi ký
Từ nhân dân mà ra. Để cho kịp đến chỗ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trong thời gian cử hành tang lễ, chúng tôi đã bỏ qua khoảng 50 trang đầu. Nay xin quay về những trang ấy để bạn đọc có một bản tóm tắt đầy đủ của hồi ký lịch sử này.

Để thấy mục lục các trích đoạn sắp xếp theo thứ tự thời gian, xin xem Danh mục / Nghiên cứu / Lịch sử dân tộc / Võ Nguyên Giáp.)


Cao Bằng là một tỉnh ở miền biên giới có phong trào cách mạng rất sớm (...)

Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Cao Bằng ở biên giới Việt – Trung nên ảnh hưởng chiến tranh càng sâu sắc (...) Sau khi đầu hàng Nhật, Pháp lại quay ra đàn áp phong trào cách mạng. Cao Bằng bị địch khủng bố rất mạnh (...)

Sau lớp huấn luyện ngắn ngày tổ chức tại gần biên giới, các đồng chí dự lớp đã trở về nước ngay, nắm lại các cơ sở quần chúng, tìm cách phục hồi phong trào. Từ ngày Bác trở về nước (...) phong trào Cao Bằng không những đã phục hồi nhanh chóng mà lại còn phát triển rất mạnh mẽ.

Về nhà được ít ngày, một buổi chúng tôi đang cùng Bác tới dự một cuộc hội nghị thì gặp một đồng chí tới báo tin dữ: Địch tập trung quân càn quét tại Bắc Sơn- Vũ Nhai, anh Phùng Chí Kiên và anh Huy đã hy sinh (...) một số đồng chí khác vẫn còn ở trong vòng vây của địch (...) Nghe tin, Bác đứng lặng một lúc, nước mắt ứa ra (...)

Tôi về nước được một thời gian thì Bác giao nhiệm vụ về châu Hòa An, còn có bí danh là châu Trần Phú, để mở lớp huấn luyện (...) (ở đây) phong trào của ta đã ăn khá sâu rộng trong nhân dân (...)

Vùng này nhiều núi đá có cây cối rậm rạp. Các đồng chí ở địa phương đã chọn một hang đá rộng rãi, quang đãng làm địa điểm lớp học (...) Nội dung huấn luyện gồm có: tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh Tây, đuổi Nhật, rồi đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật, lại học cả cách khai hội, cách phát biểu ý kiến (...) Chúng tôi tìm trong hàng ngũ hội viên trung kiên, những đồng chí đã tham gia phong trào từ lâu, bồi dưỡng thêm, chuẩn bị cho việc phát triển Đảng (...)

Sau một thời gian (...) tôi chuyển sang một tổng khác (...) của châu Hòa An (...) tổ chức liên tiếp mấy lớp nữa (...)

Tôi trở về cơ quan. Bác đã chuyển từ Pắc Bó về Lam Sơn (...) Tôi báo cáo (...) Bác nhận xét làm tốt, và chỉ thị cho tôi chuyển sang châu Nguyên Bình.

Tình hình Nguyên Bình so với Hòa An có khác (...) gần đây mới bắt đầu xây dựng một số cơ sở (...)

Đồng chí giao thông dẫn tôi đến nhà đồng chí Xích Thắng, bí thư châu ủy. Tôi (...) mở mấy lớp huấn luyện trong một hang núi (...) Theo chương trình đề ra từ nhà, tôi sẽ lên mở tiếp một lớp huấn luyện tại vùng đồng bào Mán trắng (...)

Đồng chí Hồng Trị đưa tôi đi (...) Vừa đi chúng tôi vừa phải (...) phát mây gai để mở đường trên những triền núi đầy đá tai mèo. Mỗi lần tôi hỏi (...) đồng chí Hồng Trị lại chỉ một ngọn núi cao vòi vọi trước mặt (...) Vắt nhiều vô kể. Đi miết cho đến chiều, mới hết triền núi đá, trước mặt hiện ra một khu rừng đại ngàn (...) Tôi thấy mấy đồng bào Mán đang ngồi trong một chiếc lán nhỏ làm bám vào một gốc cây cổ thụ. Đồng chí Hồng Trị nói với tôi, lớp học sẽ mở tại đây (...) Lát sau, lại có thêm mấy chị đến, đầu vấn khăn tròn, áo hoa, váy trắng, mặc đẹp như những người đi hội (...) Chúng tôi tươi cười gật đầu chào nhau, nhưng đến khi nói chuyện mới hay không đồng chí nào biết tiếng Kinh (...)

Từ khi đi làm công tác huấn luyện đã nhiều lần tôi gặp khó khăn về việc giải nghĩa những danh từ mới, nhất là những danh từ chính trị (...) Nhưng ở lớp huấn luyện đầu tiên trên rẻo cao này, thì việc giảng bài khó khăn một cách đặc biệt (...) Tôi (...) một mặt, khai thác khả năng phiên dịch của đồng chí Hồng Trị và đồng chí Bình Dương, một mặt, dùng thêm những hình vẽ để giảng bài. Khi nói đến Tây, Nhật áp bức bóc lột dân ta, thì tôi vẽ hình thằng Tây, thằng Nhật đánh đập đồng bào, vẽ người dân trên lưng chồng chất sưu cao, thuế nặng. Khi giảng về vấn đề đoàn kết để đánh Tây, đuổi Nhật thì vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng nắm tay nhau... Cách này đã giúp anh chị em hiểu được dễ dàng hơn (...)

Qua những lớp huấn luyện tại Hòa An và Nguyên Bình, càng thấy rõ, trong khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mật thiết đến đời sống của quần chúng, thì quần chúng rất dễ tiếp thu, công tác vận động sẽ trở nên có một sức hấp dẫn đặc biệt, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh. Một điều khác tôi đã nhận thấy là, với những tâm hồn rất chất phác, trong trẻo của đồng bào miền núi, khi cách mạng đã đem đến cho họ một lòng tin, thì không có sức nào lay chuyển được lòng tin đó (...)

Sang năm 1942, trong các châu ở Cao Bằng đã có những châu “hoàn toàn” (...)

Đồng bào Tày, Nùng nô nức tham gia các hội cứu quốc (...) Trên những vùng cao, phong trào cũng phát triển mạnh. Đồng bào dân tộc Mán vào hội rất đông (...)

Cùng với phong trào học tập chính trị, phong trào học tập quân sự cũng lên mạnh. Hễ việc đồng áng hơi rỗi là lại tập luyện (...)

Ngoài công tác huấn luyện, lại phải lo sắm vũ khí đạn dược. Vấn đề này (...) rất khó khăn. Sau phải dựa vào quần chúng để giải quyết. Mỗi đội viên tự vệ phải tự sắm một thứ vũ khí như giáo, mác, súng kíp, súng hỏa mai (...) Tiểu đội vũ trang do anh Lê Quảng Ba phụ trách có một khẩu “pặc-hoọc” và một khẩu súng lục (...)

Sau một thời gian ở Nguyên Bình, tôi được chỉ thị cùng anh Thiết Hùng chuyển xuống phía nam gây phong trào tại tổng Kim Mã, một nơi chưa có tổ chức Việt Minh (...)

Thời gian qua, tôi đã tranh thủ học tiếng Tày, tiếng Mán, dần dần đã nói được, nên việc giảng dạy cũng đỡ khó khăn (...)

Trong công tác huấn luyện, tôi cũng rút thêm cho mình được một số kinh nghiệm (...)

Một lần, trong một lớp học, nhân khi giảng về tình hình thế giới, tôi đã nói cho anh chị em nghe về bốn mâu thuẫn lớn trên thế giới hiện nay (...) Đến lễ tốt nghiệp, anh chị em hăng hái nói lên kết quả học tập, hứa hẹn ra về sẽ tích cực hoạt động cho hội. Khi tôi tưởng mọi người đã nói xong thì thấy một đồng chí trẻ giơ tay xin phát biểu.

- Xin đồng chí cho em ra hội.

Đây là một thanh niên tốt, hăng hái. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Vì sao đồng chí lại xin ra hội?

- Vào hội thì làm việc gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu em cũng làm được, chỉ có mỗi cái học như thế này khó quá, không nhớ được, sợ không làm tròn nghĩa vụ của người hội viên. Em không hiểu bốn mâu thuẫn là gì.

(...) Sau khi được giải thích, người hội viên cốt nhất là có tinh thần yêu nước, trung thành với hội, trong khi đấu tranh thì không sợ hiểm nghèo, không sợ hy sinh, còn học (...) lần này chưa hiểu thì lần khác học tập thêm sẽ hiểu chứ hội không bắt buộc phải hiểu cả, nhớ cả ngay trong một lúc... thì đồng chí ấy hết sức vui lòng (...)

Bản thân tôi đã rút ra được một bài học thấm thía: một điều cơ bản trong công tác vận động quần chúng là muốn đưa quần chúng, đưa phong trào lên, thì phải hiểu rõ trình độ quần chúng, có đi sát với trình độ quần chúng thì mới đưa quần chúng lên được (...)

Một thời gian không lâu, phong trào từ Kim Mã đã lan ra các nơi chung quanh như Cẩm Lý, Khuổi Mán, Nậm Ti và nhiều làng bản ở Ngân Sơn, Chợ Rã.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. tr. 32-47. Nhan đề phần trích tạm đặt.)