“Mồng 2 tháng 9 năm 1945 (...) Lịch sử (...) sang trang”.

Ta ngày đêm chờ đợi thời cơ thuận lợi lịch sử ấy, thì nó cũng:

“Ngay khi Nhật đầu hàng, chính phủ Pháp đã ra lệnh cho đạo quân viễn chinh (...) lên đường gấp (...) Những chiếc tàu chiến của Pháp còn lại sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai đang hướng mũi về Đông Dương”.

Nhưng
“Đối với bọn đế quốc muốn cướp nước ta lần nữa, việc (…) không còn dễ dàng như xưa”.

Trang lịch sử mới sẽ đẫm nhiều máu hơn hẳn trang cũ. Máu lần này sẽ không phải chỉ là máu người Việt Nam.

Kẻ đi cướp nước sẽ phải ôm đầu máu lên tàu về nước.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Ngày 2 tháng 9 năm 1945”




Về Hà Nội, chúng tôi ở phố Hàng Ngang. Thành ủy đã bố trí cho chúng tôi ở tại một gia đình cơ sở. Ít hôm sau, có tin Bác đã về. Mấy ngày trước đó, một trung đội quân Giải phóng thuộc chi đội Quang Trung chiến đấu tại Thái Nguyên đã được lệnh quay gấp lại Tân Trào để đi bảo vệ Bác (...)

Tình hình đang khẩn trương (...) Anh Ninh và tôi cùng đi lên Phú Gia gặp Bác

(...) Chúng tôi vào làng Gạ. Bác ở một ngôi nhà gạch nhỏ (...) Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà. Ngày nào ở Việt Bắc, Bác còn là một ông ké Nùng. Bữa nay, Bác đã trở thành một nông dân miền xuôi, rất thoải mái, tự nhiên trong bộ áo quần nâu (...) So với những ngày ở Tân Trào, Bác đã khá hơn nhiều (...)

Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lắng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều vẫn bình thản.

Chúng tôi nói với Bác ý Thường vụ muốn tổ chức sớm lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời (...)

Chúng tôi trở về Hàng Ngang trước để chuẩn bị (...)

Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới đây, Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm (...)

Một sự thay đổi lớn lao đã đến trong đời sống của dân tộc (...)

Cách mạng nổi lên như một cơn lốc (...)

Một người đi xe đạp đến đầu phố cầm loa hô lớn: “Mời đồng bào đến tập trung ở địa điểm X. tham gia biểu tình”. Không biết người đó là ai, nhưng lời hô hào lập tức được truyền đi (...) Ai đang làm dở việc gì cũng để lại đấy. Tất cả ào ào kéo đi. Chỉ chốc lát, hàng vạn người đã có mặt ở địa điểm biểu tình (...)

Không khí Hà Nội trở nên trong lành, náo nức. “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc...”, những bài ca cách mạng vang lên rộn ràng từ sớm tới khuya (...) Cờ bay đỏ nhà, đỏ phố (...)

Chập tối, Bác đến nhà. Chúng tôi ra đón, nhận thấy trên nét mặt của Bác những dấu hiệu xúc động.

Bác đã về đến (nhưng) Hà Nội chưa được cùng san sẻ với chúng tôi hôm nay niềm vui đón Bác. Ngay cả đồng chí lái xe bữa ấy cũng vậy. Mấy ngày sau, anh xin phép nghỉ, lên Thái Nguyên dẫn bố về dự Tết Độc lập để xem mặt cụ Chủ tịch Nước. Đến quãng trường Ba Đình, anh mới biết Hồ Chủ tịch chính là cụ già bữa trước mình đã đánh xe đi đón ở làng Gạ (...)

*

Từ mấy tháng trước, khi còn ở chiến khu, chúng tôi đã nghe tin Đờ Gôn đưa ra một bản tuyên bố (...) Đông Dương sẽ trở thành một liên bang gồm năm “nước” (...) Lào, Căm-pu-chia, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ (!) (...) chính phủ liên bang đứng đầu là một “quan toàn quyền” đại diện cho nước Pháp, có cả quyền hành pháp lẫn quyền lập pháp. Qua bản tuyên bố này, chính sách thực dân của đế quốc Pháp (...) không thay đổi (...)

Về Hà Nội ít ngày, chúng tôi được tin: ngay khi Nhật đầu hàng, chính phủ Pháp đã ra lệnh cho đạo quân viễn chinh Viễn Đông, được tổ chức từ khá lâu trước đó, lên đường gấp (...) Lơ-cléc, một viên tướng có tên tuổi trong cuộc chiến đấu giải phóng nước Pháp, được chỉ định làm tổng chỉ huy. Đác-giăng-li-ơ, thủy sư đô đốc, một thầy tu phá giới, người thân cận của Đờ Gôn, được bổ nhiệm chức cao ủy. Những chiếc tàu chiến của Pháp còn lại sau cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai đang hướng mũi về Đông Dương. Từ đầu bên kia trái đất, những nòng súng đã chĩa về phía cách mạng (...)

*

Ngay từ hôm Bác mới về, những toán quân Tưởng (1) đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là những tên thám báo và tiền trạm (...)

Thường vụ nhận thấy phải (...) tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời (...) trước khi đại quân của Tưởng kéo vào (...)

Ngày 28 (tháng 8 năm 1945), danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội (...)

Thường vụ quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập (...)

Mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ (...)

Biểu ngữ (...) chăng khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết” (...)

Những dòng người đủ mọi màu sắc, từ khắp các ngả tuôn về (...)

Nắng mùa thu rất đẹp trên quảng trường Ba Đình (...)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (...) ra mắt đồng bào (...) đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo ka-ki cao cổ, đi dép cao-su trắng (...) dáng đi nhanh nhẹn. Dáng đi này cũng làm cho đôi người lúc đó hơi ngạc nhiên. Họ đã không nhìn thấy ở vị Chủ tịch dáng đi trang trọng của những người “sang” (...)

Bác đã xuất hiện trước một triệu đồng bào ngày hôm đó như vậy.

Lời nói của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn (...) Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết (...)

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (...)

Lịch sử đã sang trang (...)

Vô vàn khó khăn còn ở trước mắt. Nhưng đối với bọn đế quốc muốn cướp nước ta lần nữa, việc cũng không còn dễ dàng như xưa.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)