Nội dung chương này có thể tóm tắt bằng chút trích văn sau đây:

“Thoáng nhớ lại (...) những tấn thảm kịch, mà anh ta nhiều lần nghe nói xẩy ra ở trong lò (...) Thuật sợ lắm, chỉ muốn lên ngay mặt đất (...) nhưng nhớ ngay:

- Ra về rồi làm gì?

Những cảnh thiếu thốn, khổ sở trong gia đình (...) hiện ra trước mắt (...) Thuật không nghĩ ngợi do dự nữa (...) quả quyết theo bọn phu vào lò...”.

(Thu Tứ)



Lan Khai, “Lầm than” (chương 2)




Thuật ra tới cửa lò thì cai Tứ đã có đấy rồi, đang cắt đặt cho người phu làm.

Nhận xẻng cuốc và đèn xong, Thuật cùng năm người phu khác chung một lò cùng đứng cả vào trong lô-ri, một thứ thùng gỗ vuông bề cao chừng 80 phân tây và trên miệng có dây sắt buộc liền vào máy trục, nom y như dây quàng vậy. Máy bắt đầu chạy, lô-ri từ từ bị nhấc bổng rồi từ từ bị thả sâu xuống lò. Tới đất, sáu người vác xẻng cuốc leo ra ngoài, đoạn vào một cái hầm vuông ăn sâu vào trong lòng một ngọn gò đất sỏi. Chiều cao cái hầm độ thước tám, rộng chừng hai thước có nhiều khúc gỗ chống cho đất khỏi sụt.

Tuy mỗi người tay đều cầm một chiếc đèn mà thoạt đầu Thuật cũng choáng váng, thấy mình vụt như bị mù cả hai mắt, không nhìn ra vật gì nữa. Thuật thoáng nhớ lại những chuyện ghê gớm, những tấn thảm kịch, mà anh ta nhiều lần nghe nói xẩy ra ở trong lò. Nào là cái hơi ghi-du nổ dữ như trái phá. Nó không có một dấu hiệu gì báo trước cho người ta khả dĩ biết mà phòng bị. Nó là cái hơi bốc ở than ra hễ bắt lửa là nổ liền. Có một lần, chính Thuật đã được xem. Bọn phu mỏ đang cuốc than thì một tiếng nổ vụt bùng ra như sét làm cho than, đá bắn vung lên... Nạn nhân vừa bị các mảnh than vụn, đá vụn bắn vào người vừa bị cái hơi ghi-du thui chín nhừ. Lúc người ta lôi được các nạn nhân ra thì người nào người nấy quần áo đã cháy hết, thân thể trương to lên, nứt toác và đen thui như lợn nhà cháy. Nào cái nạn sụt lò. Những khúc gỗ chêm nếu không thay mới luôn thì thường bị mục nát, không đủ sức chống đỡ sự đè ép của ngọn gò ở trên, khiến lò sụt. Nếu việc ấy xẩy ra khi phu lò đang cuốc than thì họ sẽ bị đè bẹp dí như chuột bị cạm, hoặc chết vì ngạt thở. Nào cái nạn lò bị ngập. Ở dưới đất thường có những túi nước ngầm, phu mỏ cuốc than nhỡ cuốc phải túi nước là cả lò sẽ bị ngập hết sức nhanh, mọi người chết đuối cả vì không thể chạy ra kịp.

Thuật sợ lắm, chỉ muốn lên ngay mặt đất, ra khỏi cái chỗ tối om này, nhưng nhớ ngay:

- Ra về rồi làm gì?

Những cảnh thiếu thốn, khổ sở trong gia đình (...) hiện ra trước mắt Thuật (...) Thuật không nghĩ ngợi do dự nữa. Anh quả quyết theo bọn phu vào lò...

Lần theo ánh sáng của chiếc đèn dầu sở, Thuật bước trên con đường ẩm ướt...Vừa vào chừng độ mười thước tây, Thuật đã khó thở, cảm thấy ngực như có một vật nặng gì đè ép. Là vì không khí trong lò phần hâm hấp nóng và đầy những hơi nước, phần sặc sụa những mùi khói đèn, mùi phân của bọn cu-li túng bí phóng bừa cả ra hai bên lối đi. Ba bề bốn bên, thành lò rỉ ra một thứ nước đen tong tỏng, nhớp nháp. Sức lực điền như Thuật mà chỉ trong vòng mươi lăm phút, toàn thân đã mệt mỏi rã rời, đầu nặng như đội cối đá, hơi thở nặng nhọc, hai chân tê buốt cóng hẳn đi... Thuật còn nhớ người ta nói rằng những người nào yếu vào lò thường ngất đi vì không thở được...

Đang lúc Thuật phân vân thì một tiếng còi bỗng như xé bầu không khí hôi thối ẩm ướt... Bọn phu lò nhảy dạt cả sang hai bên, ép mình vào thành lò như những con nhái bén. Thuật hoảng kinh, cũng làm theo chúng bạn nhưng vẫn chưa hiểu rõ đầu đuôi tại sao thì rầm rầm, rầm rầm, một chuỗi goòng sắt chạy lướt qua như bão táp... Thuật quáng mắt, váng đầu. Anh sợ nhủn người vì nếu chỉ chậm chân một phút nữa thì anh đã bị goòng đè gãy xương nát thịt rồi!...

Từ lúc ấy, Thuật luôn luôn để tai nghe ngóng. Hơi một tiếng động khác thường cũng làm cho Thuật hoảng hốt nhảy rạp vào bên đường. Chúng bạn khúc khích cười và chế giễu:

- Nhát như con gái ấy thì ở nhà mà nấu cơm, gánh nước có hơn không?

Thuật thẹn, cúi đầu không nói.

Đến chỗ làm. Ai nấy treo đèn rồi bắt đầu vào việc.

Người khỏe nhất và thạo nhất trong đám đứng lên trước, vừa cuốc vừa dò mạch than. Các người khác chia nhau từng khoảng, hẹn phải cố làm cho được việc.

Thuật ra sức cuốc. Toàn thân anh nóng bừng lên, lại thêm không khí trong lò nóng sừng sực, khiến anh phải cởi bỏ cả áo mới chịu được.

Thấy Thuật làm khỏe, người min-nơ quay lại bảo một anh trong bọn:

- Anh Nhỡ đâu, súc than vào goòng đi, để anh Thuật cuốc. Làm như thế thì ăn công nhì mới đáng chứ làm như gãi ngứa thì than đá nó buồn gì!

Nhỡ, một anh phu gầy còm, cử động lẩy bẩy, lặng lẽ cầm xẻng xúc than đổ vào goòng. Anh ta không nói gì nhưng cứ cái liếc trộm của anh về phía người bạn mới, Thuật cũng đủ hiểu là anh ta không bằng lòng.

Thuật cảm thấy một sự buồn thương và ngượng nghịu. Anh đoán trước kia Nhỡ cũng khỏe mạnh lắm: ngực cũng nở như ngực anh, bắp chân bắp tay cũng to và rắn như bắp chân bắp tay của anh. Nhưng vì lâu ngày làm việc vất vả quá mà ăn uống lại kham khổ nên người anh mỗi ngày một gầy mòn, ốm yếu đi như thế. Thuật phàn nàn cho Nhỡ rồi lại vơ vẩn nghĩ đến mình. Ừ, một ngày kia, mà cái ngày ấy thì chắc chắn thế nào cũng tới, Thuật sẽ lại như Nhỡ bây giờ chứ không khỏi được. Người ta có phải là sắt đá đâu. Ngay đến sắt đá cũng mòn nữa là!

Thuật dừng tay, bảo Nhỡ:

- Tôi cũng nghèo khổ như anh em mới phải đem thân đi làm vất vả thế này, chứ còn nước non gì mà bảo tranh hơn tranh kém.

Thuật nói thế là cốt để Nhỡ khỏi nghĩ khác. Thuật không muốn cùng một tụi với nhau lại còn có sự bất hòa. Nhưng, anh chàng Nhỡ, đang lúc bực mình, đâm ra hiểu lầm ý tốt của Thuật:

- Anh tranh thế đếch nào được! Việc anh, anh làm; việc tôi, tôi làm. Anh làm nhiều thì anh ăn nhiều; tôi làm ít thì tôi ăn ít. Tôi không thèm tranh đua với anh.

- Ô hay! Anh này mới nóng nảy chứ? Tôi nói thế không phải à?

Thấy hai bên có ý lôi thôi, min-nơ hét:

- Cãi nhau cái con khỉ! Không làm đi cho xong mà về à? Ông cho đến giờ mà không đủ than, cai nó lại không phạt cho bỏ mẹ ra ấy!...

Thuật nín lặng và lại cầm cuốc làm việc. Trong khi ấy, Nhỡ cũng xúc than vào goòng nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nói những gì không rõ.

Goòng than đã đầy, Nhỡ và một người nữa đẩy ra ngoài cửa lò để máy trục lên mặt đất.

Người min-nơ giục:

- Làm đi! Làm dấn đi, còn những sáu goòng nữa kia đấy! Hôm nào cũng cố sức làm cho chóng xong để về chứ vùi đầu trong xó tối này khổ lắm!

Min-nơ vừa dứt lời thì một anh trong bọn vội vàng vứt cuốc chạy phá ra một chỗ như ma bắt.

- Thông! Đi đâu đấy?

Thông vừa chạy vừa đáp:

- Xin phép bác, em tự nhiên đau bụng quá!

Thế là, mấy phút sau, không khí trong lò lại thêm nồng nặc một mùi ghê gớm.

Min-nơ nhổ toẹt một bãi và lẩm bẩm chửi bâng quơ:

- Tiên sư khỉ!... Cứ đau bụng với đau bão mãi thì đến bố người ta cũng phải chết!

Thuật bật cười, tuy tình thế chẳng có gì đáng cười cả.

Min-nơ phát cáu, quay lại hỏi vặn:

- Anh cười cái gì?

Thuật lúng túng:

- Tôi buồn cười anh chàng Nhỡ hay cáu...

- Cáu sằng thì làm đếch gì cái tính ấy! Làm đã chẳng được, thấy người ta làm lại đâm ghen hão!.

- Anh ta trước hình như cũng sức lực lắm thì phải.

Min-nơ vừa cuốc vừa trả lời:

- Phải, trước kia Nhỡ cũng sức vóc như anh. Nó làm ít ai theo kịp nhưng từ khi vợ nó bị goòng đè chết, nó buồn đâm ra rượu chè hút sách nên người mới gầy mòn đi chóng như thế!...

Lặng im một phút, min-nơ tiếp theo:

- Vợ nó lại đang chửa gần đến tháng đẻ mới thảm chứ!

- Chị ta nặng nề thì nghỉ nhà có hơn không?

- Hứ! Nghỉ nhà thì lấy gì mà ăn!

- Lương anh ta lại không đủ cho hai vợ chồng hay sao?

Min-nơ chống cuốc.

- Anh làm như người ta ở lỗ nẻ chui lên không bằng! Còn cha mẹ ở nhà quê nữa chứ? Còn họ hàng làng nước, còn sưu thuế tạp dịch dễ thường ì ra được đấy!

Thuật nín lặng. Vì chính những lẽ mà bác min-nơ viện ra ấy nó cũng đương hành hạ anh và bó buộc anh phải đâm đầu vào cái hầm ẩm thấp tối đen này (...)