Về những ngày lịch sử ấy, đôi lời tâm sự sau đây của một người theo cách mạng không sớm đọc khá thú vị:

“Ngày Cách Mạng Tháng Tám, Việt Minh chiếm phủ Thống sứ (về sau là Bắc bộ phủ), tôi cũng khăn đóng áo dài “đi xem” (...) Tôi thấy Việt Minh hạ cờ quẻ ly xuống, rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự. Tôi cũng bị thu hút, thế là vào hiệu cắt tóc, cạo râu. Thấy con người mình như sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ-mi vải cứt ngựa, nhập vào dòng biểu tình chào mừng cách mạng (...)

(...) cuộc Nam tiến. Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức cho nhiều văn nghệ sĩ theo bộ đội vào mặt trận phía nam. Anh Trần Huy Liệu giới thiệu tôi vào một đoàn gồm có Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Lạp, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ... đi vào chiến trường khu V (...) vào mặt trận Phú Yên - Khánh Hòa (...) Ðánh lại thằng Pháp định biến ta thành nô lệ lần nữa là điều không phải bàn cãi gì cả. Tôi đi kháng chiến với tâm hồn thanh thản, hào hứng.” (Trong
Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, VN, 1997)

Một mùa thu “chói lọi”. Nhưng với đông đảo người Việt Nam “cuộc chiến đấu gian khổ (...) mới chỉ (...) bắt đầu”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tiến vào Thủ đô”



Chúng tôi không đợi được đến khi trận đánh Thái Nguyên kết thúc. Sang ngày thứ ba thì tin khởi nghĩa ở Hà Nội đã truyền đến. Làn sóng khởi nghĩa không những chỉ có ở Hà Nội mà còn dấy lên trên khắp đất nước từ cửa Nam Quan cho đến mũi Cà Mau (...) thấy thời cơ đến, đảng bộ tất cả các địa phương đã phát động ngay toàn thể nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Đồng bào tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ đã giành được chính quyền ngày 19 tháng 8 (năm 1945) (...) Các anh (...) từ Tân Trào đến Thái Nguyên bàn với chúng tôi, nên về ngay Hà Nội, cùng các đồng chí ở Hà Nội chuẩn bị đón Chính phủ lâm thời. Một bộ phận Giải phóng quân được lệnh ở lại bao vây Thái Nguyên, còn chúng tôi thì tiến thẳng về Hà Nội.

Đêm ấy, từ ngoại ô Thái Nguyên ra đi, qua các cánh đồng bát ngát về Lữ Vân, ngước trông lên đầu những hàng cột điện cao liên tiếp ven đường là một vòm trời sao sáng, tưởng đang đi trong đêm hội tưng bừng đón chào ngày giải phóng của dân tộc. Trời sáng, nhìn lại núi rừng Việt Bắc hùng vĩ khuất sau màn sương, nhớ đến đồng bào ở những nơi chúng tôi đã công tác mấy năm qua. Những người nông dân nghèo khổ đủ các dân tộc, chất phác mà dũng cảm lạ thường, không biết sợ hãi là gì trước quân thù hung bạo, thương yêu những người cách mạng nhiều khi hơn cả ruột rà, những người dân rất xứng đáng (...)

Suốt các phố xá, các làng mạc hai ven đường đi, đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ chói như ngọn lửa tin của những người chiến sĩ cách mạng, xuất hiện lần đầu trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ và sau đó lại tung bay trên núi rừng Việt Bắc, bây giờ đã tô thắm cho cả đất nước, báo tin cách mạng thành công.

Tới Thị Cầu, nước lụt mênh mông. Cả thị xã chìm trong làn nước trắng. Đê Trung Mầu bị vỡ (...) Chúng tôi phải chuyển sang đi thuyền.

Cửa sông Cái đây rồi. Nước sông Hồng lên rất to, sắp ngập hết con bơn giữa sông. Bên kia là Thủ đô chói chan cờ đỏ. Nhìn quang cảnh nước nhà đổi thay, nhân dân vừa thoát ách đau thương của gần một trăm năm bị đô hộ, nô nức đón chào ngày giải phóng dân tộc, vui sướng trào lên trong người chúng tôi, mừng muốn ứa nước mắt (...)

Ngày 26 tháng 8 (năm 1945), chi đội Giải phóng quân đầu tiên tiến vào Thủ đô (...)

Trung ương liên tiếp nhận điện các địa phương báo cáo đã giành được chính quyền (...)

Bác từ Tân Trào về Hà Nội. Chúng tôi ra đón Bác tại làng Phú Thượng (...)

Ngày mồng 2 tháng 9, Bác ra mắt trước mấy chục vạn đồng bào Thủ đô tại quảng trường Ba Đình với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử (...)

Ngày vui chưa đến hẳn, cuộc chiến đấu gian khổ còn phải dài lâu. Phía Bắc, quân Tầu Tưởng tiến vào Việt Nam (...) Miền Nam, thực dân Pháp bám gót quân Anh, đã trở lại Sài Gòn. Tiếng súng xâm lược lại nổ (...)

Các chiến sĩ Giải phóng quân ở miền Nam, những người con yêu của Khởi nghĩa Nam kỳ (...) kiên quyết thực kiện lời thề (...) Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn xâm lược...

Không một chút nghỉ ngơi, những chiến sĩ Giải phóng quân ở miền Bắc lại cùng bao nhiêu thanh niên ưu tú lên đường tiếp tục cuộc Nam tiến (...) (Nam tiến bước đầu là từ núi rừng gần biên giới Việt – Hoa tiến xuống trung du rồi đồng bằng Bắc bộ; bước thứ hai là từ Bắc vào Trung, Nam.) (...)

Cuộc chiến đấu lâu dài (...) mới chỉ (...) bắt đầu.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 137-139, nhan đề tạm đặt.)