Việc đáng kể nhất xảy ra bên kia biên giới là “tôi” đã gặp gỡ và bắt đầu cái quan hệ làm việc hết sức tốt đẹp với linh hồn của cuộc trường kỳ kháng chiến. Linh hồn sổ lồng từ rất lâu, nay thấy cơ hội đã đến, nên về trực tiếp chỉ đạo cuộc phá lồng. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chim về phá lồng”




Côn Minh hồi đó là đại hậu phương kháng Nhật ở phía tây nam Trung Quốc. Dân Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu v.v. đổ về rất đông. Thành phố đầy ngập người và xe cộ (...)

Anh Phùng Chí Kiên (...) cũng mới về Côn Minh. Căn buồng nhỏ của anh ở trong một ngõ hẻm, chỉ có một cái giường và một tấm ván kê giáp tường làm bàn viết. Chúng tôi cùng ở với anh Kiên. Anh Đồng và tôi vẫn tiếp tục đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng tại nước ngoài mới về Tổ quốc (...)

Khi chúng tôi hỏi về công tác, anh Kiên nói: “Công tác của các anh phải đợi đồng chí Vương về quyết định” (...)

Gần nửa tháng, vẫn chưa thấy đồng chí Vương về. Các anh ở đây không nói với tôi đồng chí Vương là người như thế nào. Nhưng qua thái độ kính trọng của các anh khi nhắc (...) tôi đoán (...) phải là một đồng chí rất quan trọng. Tôi liên tưởng đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đối với nhiều người vào lớp tuổi chúng tôi hồi đó, hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã trở nên một hình ảnh lý tưởng (...)

Sang đầu tháng 6 (năm 1940), một hôm, anh Phùng Chí Kiên rủ chúng tôi đi Thúy Hồ. Dọc đường, anh Kiên nói:

- Đồng chí Vương đã đến và hẹn chúng mình tới gặp ở Thúy Hồ.

Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gày gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt.

Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều (...)

Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị (...) có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.

Bác rời thuyền lên bờ, cùng chúng tôi vừa đi dạo quanh hồ vừa nói chuyện. Bác hỏi chúng tôi về những khó khăn khi đi đường, hỏi tình hình trong nước gần đây, hỏi tình hình Mặt trận Dân chủ và hỏi chuyện chúng tôi làm báo. Bác nói:

- Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí.

(...) về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn (có) cái cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng (...)

*

Một bữa Bác bảo anh Đồng và tôi:

- Các đồng chí sẽ đi Diên An (...) cố gắng học thêm quân sự.

Mấy lần gặp sau, trước khi chúng tôi đi, Bác vẫn dặn đi, dặn lại tôi “cố gắng học thêm quân sự”.

Các đồng chí Trung Quốc tại Côn Minh tổ chức cho chúng tôi đi Quế Dương, từ đó sẽ đi tiếp lên Diên An (...) Xe chạy ròng rã ba ngày đến Quế Dương (...) Chúng tôi ở lại Quế Dương đợi xe khá lâu (...) Giữa tháng 6, một hôm giở báo ra xem, thấy tin Pa-ri thất thủ, Pháp đầu hàng (...) Ngay ngày hôm sau, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Hồ Quang (một bí danh của Bác) bảo ở lại, đợi tại Quế Lâm. Chúng tôi biết là do Pháp mất nước, tình hình biến chuyển, nên có quyết định mới.

Mấy hôm sau, các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh cùng đến Quế Dương. Các anh cho biết (...) tất cả cùng đi Quế Lâm để tìm cách về nước (...)

Tháng 9 năm 1940, chúng tôi được tin thực dân Pháp đã cúi đầu trước phát-xít Nhật (...)

Vào khoảng đó Bác đến Quế Lâm.

*

Chúng tôi tới gặp Bác ở một vùng ngoại ô. Bác cùng chúng tôi đi lững thững như những người nhàn rỗi dạo chơi trên cánh đồng. Tới một bãi cỏ có bóng mát, chúng tôi ngồi lại khai hội (...) Bác nhận định tình hình chung trên thế giới và ở Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách trở về nước ngay để hoạt động.

Ai cũng nóng ruột muốn mau chóng trở về, nhưng chưa có liên lạc với trong nước. Việc về nước lúc này chẳng phải dễ dàng (...)

Một hôm, các báo ở Quế Lâm đăng nhiều tin về cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ Việt Nam. Không hiểu tình hình ra sao, ai nấy đều nóng lòng sốt ruột. Trong một buổi họp, Bác nhận định: “(...) thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.

Bác viết ngay một bức điện, nhưng sau đó, không tìm ra cách nào để chuyển bức điện ấy về Đảng bộ Nam kỳ (...)

Tin tức về phong trào tại nước nhà ngày càng thúc giục, nhưng vẫn chưa tìm ra cách để liên lạc với Trung ương ở trong nước. Bác chủ trương là nên chuyển về hoạt động ở sát biên giới, rồi tính cách về nước sau (...)

Một hôm, chúng tôi được tin (...) một số thanh niên các dân tộc ở Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh, phải vượt biên giới chạy ra ngoài. Bác đã nhìn thấy một cơ hội tốt (...) “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào (...) Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới (...) Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa (...) khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Từ khi chưa đặt chân vào Cao Bằng, Bác đã vạch ra một cách chính xác tính chất quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc sau này.

Cuối tháng 11 năm 1940, chúng tôi về đến Tĩnh Tây (gần biên giới) (...) Đầu tháng 12, Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện. Từ đó còn phải đi bộ khá xa mới đến địa điểm đã chọn để mở lớp huấn luyện. Đường đi toàn đồi núi. Bác đi bộ rất nhanh, tất cả chúng tôi không ai theo kịp. Dọc đường, thỉnh thoảng Bác lại dừng lại đứng chờ.

Lớp huấn luyện được tổ chức ở một vùng dân tộc Nùng (...) Nhân dân ở các làng biên giới này rất (...) tình cảm với cách mạng, nhưng đời sống thì còn rất nghèo khổ. Việc lo ăn một lúc cho năm chục con người hàng nửa tháng, không phải là một việc dễ. Đồng chí Cáp được giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nhưng mọi người đều phải góp sức. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều đi lấy gạo, bắp về giã, kiếm củi để nấu ăn và để giúp đỡ đồng bào. Bác cũng bổ củi rất khỏe.

Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện (...) Lần đầu làm việc với Bác, tôi đã nhận thấy cách làm việc của Bác là: cụ thể, chu đáo, đến nơi đến chốn (...)

Lễ tốt nghiệp tổ chức giữa một khu rừng vắng vẻ (...)

Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn chúng tôi, khi đó còn là những người dân mất nước phải sống xa quê hương. Chúng tôi ngoảnh mặt cả về phía nam, hoan hô tinh thần khởi nghĩa Nam kỳ, thề sẽ thẳng tiến không lùi trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao giữa Thủ đô.

Ngay sau đó, cả bốn mươi đồng chí Cao Bằng lại quay về nước, tìm về những cơ sở cũ (...)

Ngày Tết đến với chúng tôi tại biên giới (...) Bác mặc bộ quần áo chàm, quần xắn cao, tay cầm gậy, đi chúc Tết nhân dân với dáng nhanh nhẹn, thái độ thoải mái vui vẻ (...) hòa vào trong hoàn cảnh mới một cách hết sức tự nhiên.

Sau Tết, các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, có anh Lê Quảng Ba dẫn đường, về Cao Bằng tìm cơ sở đặt địa điểm cơ quan rồi qua đón Bác cùng về.

*

Anh Đồng, anh Hoan và tôi trở lại Tĩnh Tây công tác thêm một thời gian sau khi Bác về nước (...)

Chúng tôi nhận thấy nếu phát động vũ trang khởi nghĩa thì sẽ gặp một khó khăn là thiếu cán bộ quân sự. Cử người lên Diên An học thì đường đi quá xa và không có điều kiện. Bàn với nhau, thấy là có thể lợi dụng (...) Quốc dân đảng (Trung Quốc), nhờ (...) huấn luyện quân sự cho một số đồng chí (...) Chúng ta sẽ cử một số đồng chí vững vàng đi học. Các đồng chí đó sẽ (...) học tập những hiểu biết về quân sự (...) vứt bỏ (...) phần chính trị (...)

Thời gian này, chúng tôi thường đi lại giữa Tĩnh Tây và nơi làm việc mới của Bác ở trong nước, tại hang Pắc Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.

Lần đầu về nước, tôi đi cùng một đồng chí giao thông.

Qua một quả núi đất khá cao, lởm chởm đá, xuống một con đường mòn (...) đồng chí giao thông chỉ một phiến đá nhỏ, nói đó là cột mốc biên giới (...)

Thấm thoắt đã một năm trời xa Tổ quốc, đặt chân lên dải đất quê hương, lòng chẳng khỏi bồi hồi. Mỗi bước đi thấy trong người ấm áp hơn lên. Chỉ vừa mới đi thêm mấy bước chân mà trước đó thì thấy như còn ở rất xa, lúc này lại thấy như đã ở gần nhà.

Vùng này núi đất xen với núi đá, địa thế hiểm trở. Những chòm nhà nhỏ của đồng bào Nùng nằm thưa thớt giữa những nương ngô trên sườn núi hay bên những thửa ruộng nhỏ dưới thung lũng. Sương trắng từng dải đọng trên các đầu núi. Khung cảnh Pắc Bó hiện ra trước mắt như một bức tranh thủy mạc.

Khắp vùng này đều đã có cơ sở (...) Đi chẳng bao xa, tôi đã nhận ra Bác đang ngồi trên một phiến đá. Sau bao năm xa nước, hoạt động từ Đông sang Tây, Bác đã trở về góc rừng hoang vắng của Tổ quốc với bộ quần áo chàm giản đị, rất tự nhiên trong vai một ông già người Nùng (...)

Trèo qua một quả núi đá không cao lắm, lách người đi hết một đám lau rậm, thì thấy hiện ra một cửa hang. Trong hang ẩm lạnh không có đồ đạc gì ngoài chiếc sàn nằm làm bằng những cành cây nhỏ gác ngang, gác dọc. Chính ở đây vào tháng 5 năm đó (1941), Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã họp dưới sự chủ tọa của Bác, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Trong hội nghị này, Trung ương đã quyết định duy trì và phát triển cơ sở du kích ở Bắc Sơn – Vũ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng cơ sở Cao Bằng, xây dựng hai nơi đó làm trung tâm của công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại Việt Bắc (...)

Sáng nào Bác cũng dậy rất sớm và gọi mọi người cùng dậy. Bác tập thể dục rất đều, tập xong lạnh mấy cũng đi tắm suối, rồi bắt đầu làm việc. Khi Bác khai hội, khi Bác nghiên cứu, khi Bác xuống làng nói chuyện với đồng bào, có khi Bác đi lấy củi. Bữa cơm của Bác chỉ có chút thịt muối hoặc con cá con vừa bắt được dưới suối.

Trời tối, trong hang rất lạnh, phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Không có đèn, nên buổi tối ít khi làm việc. Anh em thường ngồi quây quanh đống lửa nghe Bác nói chuyện. Một lần, Bác nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn, những cuộc cách mạng từ trước tới nay, rồi Bác phỏng đoán độ bốn, năm năm nữa, chiến tranh sẽ tới bước quyết định, và lúc đó là một cơ hội rất tốt cho cách mạng ta (...)

Về nước một thời gian, Bác chỉ thị cho cơ quan ra một tờ báo để hướng dẫn phong trào. Chuẩn bị cho tờ báo ra đời cũng khá khó khăn. Các đồng chí ở địa phương mày mò mãi mới kiếm về được một cái bia đá. Bác cùng các đồng chí thay nhau mài mấy ngày liền mới hết những chữ nho khắc trên mặt bia. Giấy bản in báo do các chị phụ nữ mua từng ít một trong các phiên chợ đem về góp lại. Tên báo là Việt Nam Độc Lập, gọi tắt là Việt Lập. Vì khuôn khổ tờ báo nhỏ, chữ, theo chỉ thị của Bác, lại phải viết to để đồng bào đọc dễ dàng, nên các bài viết phải rất ngắn. Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài về phong trào phụ nữ cho báo Việt Lập. Bác nói:

- Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu.

Tôi ngồi viết, cảm thấy khó quá. Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in đá, nhưng (...) viết thoải mái chứ không hạn chế như thế này.

Thấy tôi ngồi viết khó khăn, Bác cười rồi bảo:

- Báo của các chú có gửi về nhưng (...) ở đây không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc (...) không mấy ai hiểu. Báo Việt Lập (...) dễ hiểu.

Về sau có dịp đi công tác tại các địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo; đồng bào ở khắp các nơi đều rất hoan nghênh báo Việt Lập (...)

Thỉnh thoảng, tôi lại lên Quế Lâm để thăm anh em (Q.L. là nơi một số đồng chí đang theo học lớp huấn luyện do Quốc dân đảng Trung Quốc tổ chức). Tháng 11 năm 1941 (...) khi tôi đến trường, nhân viên phụ trách tìm cách (...) không để có thời giờ gặp anh em (...) Khi trở lại Tĩnh Tây ít ngày (...) biết là (Quốc dân đảng TQ đã dò được tung tích chúng tôi) (...) Các anh lập tức cử tôi về báo cáo lại tình hình với Bác.

Từ ngày Bác về nước, cơ quan đã thay đổi địa điểm mấy lần. Đồng bào Nùng tại đây rất tốt vì đã có cảm tình và liên lạc với cách mạng từ trước. Vùng này rất hẻo lánh. Nhưng bọn Tây và quân lính ở các đồn phía dưới Sóc Giang vẫn thường kéo lên, khi lùng bắt những người trong làng nấu rượu lậu, khi tìm thổ phỉ, khi dò la tung tích cách mạng. Nơi ở đầu tiên của Bác tại Pắc Bó tuy ẩm lạnh nhưng vẫn là nơi ở tốt nhất. Tại đây có hang, không sợ mưa nắng. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rấp ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm (...) Về đây, Bác hay sốt. Nhiều lần, Bác đang ngồi khai hội thì lên cơn sốt, mặt tái ngắt, tay chân run cầm cập. Chúng tôi mời Bác đi nằm, nhưng Bác nói: “Nằm càng mệt, ngồi thế này có đấu tranh đỡ hơn”.

Lần này, tôi trở về nước, cơ quan lại đã chuyển sang một địa điểm mới. Đường đi hiểm trở hơn những lần trước. Phải lội ngược mãi một con suối nằm giữa những ngọn núi cao; gần đến cơ quan lại phải vượt qua ba thác nước, leo một cái thang qua một vách đá, mới vào đến nhà. Lán của cơ quan cất dưới lùm cây, song, mây chằng chịt, vừa tối, vừa ẩm. Bác chỉ một cái lạch nước mới khơi, tự tay Bác đã xếp than, sỏi và cát làm lọc nước, nói:

- Chú xem, cơ quan ta chuyển về đây lại có cả nước lọc.

Ở đây, hẻo lánh âm u vô cùng. Tôi biết nhiều ngày các đồng chí trong cơ quan đi công tác, đêm khuya, chỉ có Bác với một đồng chí bảo vệ nằm nghe tiếng gió rừng cùng với tiếng beo gầm.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác quyết định, tôi không sang Tĩnh Tây nữa, tin cho anh Đồng ở bên đó cũng trở về (...)


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. tr. 15-32. Nhan đề phần trích tạm đặt.)