“Cứ khoảng mươi cây số lại có một đám đông đồng bào (...) đón chặn xe để chào mừng đại biểu Chính phủ lâm thời. Chúng tôi giơ tay ngỏ ý xin đi thì có người nói: “Cho chúng tôi nhìn mặt Chính phủ lâm thời một chút”. Chúng tôi nghe mà ứa nước mắt. Đồng bào hô khẩu hiệu khản cả cổ (...) Cả đoàn chúng tôi lại xuống xe chào (...) đồng bào và chúng tôi quyện lấy nhau trong một tình cảm thiêng liêng dào dạt (...)

Từ Hà Tĩnh trở đi, những đoàn đồng bào ra đón dọc đường lại càng nhiều, càng đông (...) có chặng đường cứ mỗi một cây số xe lại phải dừng để đoàn nói chuyện với đồng bào. Hôm sau vượt đèo Ngang đến bến phà Ròn thì trời mưa tầm tã. Trời đã chiều. Đồng bào tập hợp đông nghịt. Chúng tôi đề nghị đồng bào ra về kẻo trời mưa ướt hết. Đồng bào trả lời: “Chúng tôi chờ đoàn dưới mưa đã từ trưa”. Thấy vậy, chúng tôi lập tức xuống xe, vào nhà thương chánh (nhà đoan) cạnh bến phà để nói chuyện. Nhiều người nghe anh Liệu nói đến cảnh nước mất nhà tan trước kia thì nước mắt cứ chảy ròng ròng, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhưng khi anh Liệu nói đến cuộc Tổng khởi nghĩa của đồng bào ta từ Nam chí Bắc thì mọi người đều dạt dào phấn khởi. Trời vẫn mưa như xối, mà sao lạ! Giữa rừng cờ (...) với những nét mặt đồng bào rắn chắc, vui mừng mà cương nghị, chúng tôi có cảm giác như trời vẫn nắng khắp vùng...”
.

Nói chi 45 năm, dù ngàn năm tưởng chuyến đi ấy vẫn cứ còn “chói lọi” trong lòng người!

Trong những ngày “tươi tắn thế” người ta rất dễ trở nên quá lạc quan, chủ quan, thậm chí sôi nổi đến mức nguy hiểm. May, người chủ chốt vẫn điềm đạm:

“Đế quốc Pháp (...) chưa quèn đâu. Nhất định là nó lăm le cướp lại nước ta. Và nhất định là ta sẽ đánh lại. Nhưng phải đánh như thế nào cho thắng, phải tích lũy lực lượng, không đánh theo kiểu một trận anh hùng rồi ra sao thì ra”

và cẩn tắc:

“Ủy ban về xuôi thì một bộ phận vào Hà Nội, nhưng phải để một bộ phận ở ngoài, phòng tình thế khó khăn và khi cần thiết”.
(Thu Tứ)



Huy Cận, “Sao mà chói lọi thế!”




Trước Cách mạng tháng Tám, tôi hoạt động ở Hà Nội trong tổ chức Việt Minh (...) vận động sinh viên và trí thức tham gia phong trào đánh Nhật, đuổi Pháp. Mùa hè năm 1945, phong trào cứu quốc ở Hà Nội rất sôi nổi. Sau khi ra đời chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim (...) uy thế của Việt Minh càng lên mạnh (...)

Cuối tháng 7-1945, tôi được Tổng bộ Việt Minh triệu tập đi họp Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (...) Xế chiều 14-8 thì đoàn chúng tôi đến xã Tân Trào (...)

Anh Khuất Duy Tiến và tôi được cử là thư ký đoàn của đại hội. Mở đầu đại hội, đồng chí Trường Chinh Tổng bí thư của Đảng, đã thay mặt Đảng đề ra chủ trương: Nhân dân Việt Nam phải triệt để lợi dụng sự thất bại của phát-xít Nhật mà nổi dậy giành lấy chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân đội Đồng minh vào Đông Dương (...) phải đứng ở địa vị chủ nước mà tiếp quân Đồng minh khi họ vào tước vũ khí quân đội Nhật (...) Sau đó Quốc dân Đại hội đã bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc (...)

Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ là ở Đại hội Tân Trào này (...) Buổi chiều, lúc đại hội sắp khai mạc, tôi và một số đồng chí ra trước cửa đình Tân Trào. Chúng tôi đang nói chuyện với nhau thì thấy một ông cụ mặc bộ quần áo cũ màu chàm (...) Ông cụ (...) giơ tay ngoắt tôi lại và hỏi: “Đồng chí hoạt động ở tỉnh nào về?” (...) Tôi đáp lời một cách ngập ngừng: “Thưa Cụ con mới hoạt động ba bốn năm tại Hà Nội trong đám anh em sinh viên, trí thức, nhất là trí thức khoa học. Con cũng theo đòi Cụ và các anh đi trước góp phần nhiệt huyết của mình vào phong trào...”. Ông cụ liền mỉm cười và giơ tay bảo tôi ngồi xuống, thong thả nói, giọng hơi mệt: “Chú còn thanh niên, chú hoạt động trong anh em sinh viên, trí thức là rất tốt. Còn làm cách mạng thì không phân biệt người trước người sau, người hoạt động lâu năm với người mới vào phong trào, cốt nhất là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người mới vào phong trào mà làm việc hăng hái thì cũng có thể đóng góp cho sự nghiệp chung. Chú cứ yên tâm mà hoạt động với các đồng chí” (...)

Cũng chiều hôm ấy dưới bóng cây đa Tân Trào đã có cuộc tiễn một đơn vị Giải phóng quân lên đường tiến về Thái Nguyên, do đồng chí Văn chỉ huy. Anh Liệu lại thay mặt Ủy ban chào mừng đơn vị Giải phóng quân và chúc đơn vị đánh thắng quân Nhật ở Thái Nguyên (...)

Chúng tôi còn ở lại Tân Trào một đêm một ngày nữa. Tôi nhớ đêm hôm Đại hội bế mạc, Hồ Chủ tịch đến thăm anh Trần Huy Liệu, anh Trần Đức Thịnh và các đại biểu ở cùng nhà. Tôi ở cùng nhà với anh Liệu cho nên được nghe những lời Bác dặn. Anh Liệu và anh Thịnh là hai đồng chí hoạt động đã lâu năm mà tính tình lại sôi nổi. Hai anh nghĩ rằng: Về Hà Nội mà lại gặp bọn thực dân Pháp nhảy dù xuống hay đổ bộ vào là phải đánh ngay. Tôi còn nhớ anh Liệu nói: “Mấy thằng Tây quèn quỳ gối đầu hàng Nhật, chúng ló mặt ra là phải quét ngay”. Anh Thịnh cũng gật gù tán thành.

Tôi nghe Bác giải thích, chậm rãi, tiếng hơi khàn vì còn mệt: “Chú nói mấy thằng Tây quèn nhưng cả đế quốc Pháp thì nó chưa quèn đâu. Nhất định là nó lăm le cướp lại nước ta. Và nhất định là ta sẽ đánh lại. Nhưng phải đánh như thế nào cho thắng, phải tích lũy lực lượng, không đánh theo kiểu một trận anh hùng rồi ra sao thì ra”. Sau đó tôi nhớ Bác giải thích thêm: “Về, ta phải lợi dụng việc Đồng minh vào giải giáp quân Nhật làm cho Đồng minh thấy ý chí độc lập của dân ta và ta phải tổ chức lực lượng” (...) Bác nhắc lại: “Ủy ban (...) phải lãnh đạo nhân dân nắm lấy cơ hội giành chính quyền, giành độc lập”. Và Bác dặn: “Ủy ban về xuôi thì một bộ phận vào Hà Nội, nhưng phải để một bộ phận ở ngoài, phòng tình thế khó khăn và khi cần thiết. Các ủy viên chia nhau đi các nơi, đi vào Trung bộ Nam bộ để kịp thời kêu gọi đồng bào, và tổ chức chống lại thực dân Pháp khi nó đổ bộ”. Tôi nhớ lúc đó Bác gầy, má hóp, trên trán nhìn rõ nếp nhăn nhưng đôi mắt rất sáng, như cả tinh lực của Bác dồn cả vào đôi mắt (...)

Mấy hôm sau Bác Hồ cũng về Hà Nội (...) Bác cử một đoàn đại biểu ba người gồm có anh Trần Huy Liệu (trưởng đoàn), anh Nguyễn Lương Bằng và tôi, thay mặt Chính phủ lâm thời vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Trước khi chúng tôi lên đường, Bác dặn: “Đoàn có người nhiều tuổi, người thanh niên, giúp nhau mà làm việc cho tốt”. Bác dặn thêm tôi: “Chú trước có học ở Huế, quen người quen cảnh chú phải giúp cho anh Bằng, anh Liệu tiếp xúc với đồng bào trong ấy”. Chính phủ lâm thời đã điện cho Bảo Đại yêu cầu thoái vị, và Bảo Đại cũng đã có điện trả lời chấp nhận yêu cầu và chờ đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời vào để làm lễ thoái vị (...)

Chúng tôi tính rằng đi xe suốt ngày đêm thì khoảng ngày 28 đến Huế và đã đánh điện cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng Huế như vậy. Nhưng chúng tôi không tính đến việc nhân dân náo nức đón đoàn dọc đường.

Từ Hà Nội đến Ninh Bình, chúng tôi đi tương đối nhanh (...) Hai bên đường đồng bào thấy xe đứng lại chào và vỗ tay hoan hô.

Nhưng từ Thanh Hóa trở đi thì cứ khoảng mươi cây số lại có một đám đông đồng bào cờ đỏ sao vàng rực chói đón chặn xe để chào mừng đại biểu Chính phủ lâm thời. Chúng tôi giơ tay ngỏ ý xin đi thì có người nói: “Cho chúng tôi nhìn mặt Chính phủ lâm thời một chút”. Chúng tôi nghe mà ứa nước mắt. Đồng bào hô khẩu hiệu khản cả cổ. Bốn tiếng “Chính phủ lâm thời” sao mà thiêng liêng đối với tất cả mọi người đến thế! Cả đoàn chúng tôi lại xuống xe chào đồng bào (...) đồng bào và chúng tôi quyện lấy nhau trong một tình cảm thiêng liêng dào dạt (...)

Từ Hà Tĩnh trở đi, những đoàn đồng bào ra đón dọc đường lại càng nhiều, càng đông (...) có chặng đường cứ mỗi một cây số xe lại phải dừng để đoàn nói chuyện với đồng bào. Hôm sau vượt đèo Ngang đến bến phà Ròn thì trời mưa tầm tã. Trời đã chiều. Đồng bào tập hợp đông nghịt. Chúng tôi đề nghị đồng bào ra về kẻo trời mưa ướt hết. Đồng bào trả lời: “Chúng tôi chờ đoàn dưới mưa đã từ trưa”. Thấy vậy, chúng tôi lập tức xuống xe, vào nhà thương chánh (nhà đoan) cạnh bến phà để nói chuyện. Nhiều người nghe anh Liệu nói đến cảnh nước mất nhà tan trước kia thì nước mắt cứ chảy ròng ròng, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhưng khi anh Liệu nói đến cuộc Tổng khởi nghĩa của đồng bào ta từ Nam chí Bắc thì mọi người đều dạt dào phấn khởi. Trời vẫn mưa như xối, mà sao lạ! Giữa rừng cờ đỏ sao vàng, với những nét mặt đồng bào rắn chắc, vui mừng mà cương nghị, chúng tôi có cảm giác như trời vẫn nắng khắp vùng. Qua phà lại một đoàn đồng bào đã chờ tại bến.

Cứ như thế cho đến Quảng Trị, đến Huế (...)

Đoàn chúng tôi mãi đến gần trưa ngày 29 mới đến Huế (...) đồng bào đã tập hợp ở sân vận động từ tối 27, suốt ngày 28 và từ sáng đến giờ để chờ đón đoàn (...) Cuộc mít-tinh trọng thể và náo nức. Đồng bào diễu qua lễ đài, hô khẩu hiệu không ngớt (...)

Buổi chiều 29, ông Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bào Đại), áo dài đen, đội khăn chữ nhất, đến gặp chúng tôi tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Cách mạng đóng tại toà khâm sứ cũ. Chúng tôi đi ngay vào việc. Ông Hòe nói: Nhà vua rất vui lòng thoái vị (...) nhưng nhà vua có đề nghị mấy việc: a) Xin Chính phủ đối xử với những người trong hoàng gia như những công dân (ý nói: không phân biệt đối xử). b) Đối với các quan lại cũ của triều đình cũng xin Chính phủ cho phép tùy theo tinh thần, tùy theo năng lực mà được đóng góp vào công cuộc giành độc lập. c) Đối với các lăng miếu của nhà Nguyễn thì xin Chính phủ Cách mạng đối xử “cho có sự thể” (nghĩa là cho coi được, không phá các lăng tẩm) (...) Chúng tôi liền nói lại (...) chính sách của Chính phủ cách mạng là đoàn kết toàn dân (...) Còn đối với lăng tẩm, cung điện của triều Nguyễn thì không nên có một sự lo ngại gì (...)

Hôm sau ngày 30-8, đúng 4 giờ chiều, đoàn vào hoàng thành lên lầu Ngọ môn để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.

Đồng bào đã đứng chật cả bãi cỏ rộng trước Ngọ môn từ cửa Thượng Tứ đến chân thành, ước chừng năm, sáu vạn người (của nội ngoại thành Huế). Lên lầu Ngọ môn, chúng tôi thấy Bảo Đại đã chỉnh tề trong bộ hoàng bào, đầu đội khăn vàng, chân đi giày cườm. Đó là lần cuối cùng ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn vận triều phục. Ông ta cùng ông Hòe đón chúng tôi lên lễ đài. Có mấy vị quan cũng đi theo Bảo Đại trong buổi lễ. Tôi nhớ có cả hoàng thân Vĩnh Cẩn.

Sau câu chuyện xã giao, buổi lễ bắt đầu. Trước hết chúng tôi đọc bức điện mới nhận được từ Hà Nội cho biết Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 9 và Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ, sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chúng tôi cũng đọc danh sách Chính phủ lâm thời cho đồng bào nghe. Đồng bào vỗ tay và hô khẩu hiệu hồi lâu.

Sau đó Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị, đọc lẩm bẩm không rõ lời, có lẽ một phần vì ông ta bị xúc động trong giờ phút đặc biệt ấy (...)

Bảo Đại đọc xong thì cột cờ hạ cờ vàng của vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Đồng bào vỗ tay như sấm dậy. Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10kg và quốc kiếm, vỏ bằng vàng nạm ngọc nhưng lưỡi đã gỉ (...)

Bản tuyên bố đọc xong (...) đồng bào hô khẩu hiệu vang cả một góc trời: “Chính phủ lâm thời muôn năm!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”.

Có một phút ngỡ ngàng cho Bảo Đại. Ông ta lúng túng, không biết làm gì, nói gì. Một lúc sau ông ta nói: “Bây giờ tôi được làm dân của nước độc lập. Xin đoàn đại biểu Chính phủ cho tôi một vật gì làm kỷ niệm giờ phút này”. Sau khi trao đổi ý kiến với anh Liệu, anh Bằng, tôi lấy một huy hiệu cờ đỏ sao vàng (mà Ủy ban Nhân dân Cách mạng Huế đã gài vào áo chúng tôi) gài cho Bảo Đại và đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân Vĩnh Thụy. Rồi Bảo Đại chào chúng tôi ra về. Ông Hòe và các vị quan cũng theo Bảo Đại về lầu Kiến Trung. Lễ thoái vị đến đây kết thúc.

Đồng bào rầm rập kéo ra cửa Thượng Tứ rồi tuần hành qua các phố từ tả ngạn sông Hương, vượt cầu Tràng Tiền sang hữu ngạn, với cờ và biểu ngữ rợp trời (...)

Thừa lệnh Hồ Chủ tịch anh Lê Văn Hiến đã đến thăm hai bà hoàng (vợ vua Thành Thái, vợ vua Duy Tân) và tặng hai bà một số tiền. Hai bà hết sức cảm động về cử chỉ ân cần của Cách mạng. Bà Duy Tân khóc nức nở (...)

Đã 45 năm rồi mà tôi thấy những sự kiện như mới xảy ra ngày hôm qua. Không khí Cách mạng tháng Tám, tinh thần Cách mạng tháng Tám sao mà chói lọi thế, sao mà tươi tắn thế!


(Huy Cận,
Hồi ký song đôi, tập 2, nxb. Hội Nhà Văn, 2003)