Xuân Diệu “trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ” mà như ôn chuyện chính mình: vừa tiếp xúc sơ sơ với cuộc sống, ông đã nẩy ngay “trăm nghìn cảm xúc mới lạ”; vừa tập sáng tạo, ông đã đem đến ngay cho thơ Việt Nam một “giọng điệu mới mẻ” có sức hấp dẫn lâu dài. Nhưng như ông là hết sức ngoại lệ. Lệ là, phải từng trải cuộc sống, phải lăn lộn với việc làm thơ, thì thơ may ra mới nên hay. Không phải càng trải càng lăn càng hay. Có khi trải quá hóa chua, đắng, chai đờ…, lăn quá hóa máy móc. Thơ hay nhất ra đời khi nhà thơ vừa cảm xúc đậm đà, đằm thắm, vừa chưa thành dây chuyền lắp ráp chữ nghĩa. Trẻ là tương lai. Ta nên hướng về những bạn trẻ nhưng chớ nên tán thưởng họ dễ dãi quá, kẻo khiến thơ không có tương lai. (Trong tình hình văn hóa diễn biến hiện nay, đằng nào thơ cũng không có tương lai!) (Thu Tứ)



Xuân Diệu, “Trẻ và thơ”




Trong văn học nghệ thuật, chúng ta phải thực hiện cho thành một quy luật cái câu “càng già càng dẻo càng dai”; mặt khác, chúng ta cũng hướng về những bạn làm thơ trẻ để tìm những tài năng mới khơi ra được những dòng suối xuân trong xứ thơ, đem đến những giọng điệu mới mẻ. Là vì ở trong tuổi bắt đầu cuộc đời, người ta có trăm nghìn cảm xúc mới lạ, người ta có cái sức trẻ rất cần thiết cho thơ...


(Trong
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985)