Chim sổ lồng rồi sẽ lại vào lồng để tìm cách phá lồng. Chim trong lồng mà dám quậy thì có thể bị hóa kiếp bất cứ lúc nào. Rằng “không ngờ” và “không ngờ” chứ thực ra “tôi” biết thừa mức nguy hiểm... Thương tiếc bao nhiêu là thêm cương quyết phá cho bằng được lồng bấy nhiêu. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Như chim sổ lồng”




Tháng 9 năm 1939, Đại chiến Thế giới lần thứ hai bùng nổ (...)

Tại Đông Dương, bọn thống trị (...) thẳng tay đàn áp cách mạng (...)

Tháng 4 năm 1940, anh giáo Minh tới báo cho tôi đi gặp anh Hoàng Văn Thụ. Tôi lên Chèm, nghỉ lại đó một đêm. Anh Thụ nói lại cho nghe những nghị quyết của Đảng trong phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ sáu vừa qua (...) Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để đấu tranh (...) giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập (...) theo quyết định của Đảng, anh Phạm Văn Đồng và tôi sẽ vượt biên giới sang Trung Hoa.

Hoàn cảnh của chúng tôi khi đó cũng có khó khăn. Anh Đồng từ ngày ở Côn Đảo về, vẫn yếu. Bọn mật thám (...) giám sát chúng tôi trong mọi hành động. Tuy vậy, ít ngày sau, cuộc chuẩn bị cũng đã xong, anh giáo Minh lại đến báo với tôi đi gặp anh Hoàng Văn Thụ một lần nữa trước khi lên đường.

Một buổi chiều, sau khi dạy học, nhân lúc học sinh tấp nập ra về, tôi lên tàu điện đi về phía Hà Đông. Đến Cầu Mới, tôi xuống tàu.

Trời đã nhá nhem tối. Nhìn trước, nhìn sau, không thấy có ai theo dõi, tôi rẽ vào nghĩa trang Quảng Thiện. Một người đội khăn xếp, mặc áo dài đen, tay cầm chiếc ô, đang đứng vẩn vơ trong đó. Tôi nhận ra anh Hoàng Văn Thụ.

Bữa đó, anh Thụ đã nói với tôi: “Tình hình này (...) Chúng ta phải chuẩn bị nhiều mặt để phát động chiến tranh du kích thì mới kịp thời được”.

Trước khi chia tay, anh Thụ dặn thêm:

- Anh ra nước ngoài lần này có thể gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc (...)

Tôi biết lần này sẽ phải xa anh lâu, nhưng không ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng (...)

Một buổi chiều, vào đầu tháng 5 năm 1940.

Đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ sáu. Tôi đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu, để có được một khoảng cách hai ngày, thứ bảy và chủ nhật, không phải đến trường. Mấy hôm trước, tôi đã biên sẵn một lá thư cho ông giám đốc nhà trường (khi đó là anh Hoàng Minh Giám), trong đó viết là về thăm nhà rồi bị mệt nên chưa ra Hà Nội được. Thư này, gia đình tôi sẽ gửi từ Quảng Bình ra, sau khi tôi đã đi khỏi Hà Nội.

Từ ngày ra Hà Nội hoạt động, tôi đã làm nghề dạy học tại trường Thăng Long, một trường trung học tư thục. Mấy năm qua, làm nghề này, giữa tôi và học sinh đã có nhiều gắn bó (...)

Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả (...) Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Trong nhiều lần trao đổi ở gia đình, chị Thái cũng rất muốn được đi hoạt động bí mật. Nhưng chúng tôi khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Chị Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đứng đợi ở một gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin (...) Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:

- Thầy có đi xe không?

Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay chị Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt.

Đồng chí Minh đưa tôi đến một hàng cơm nhỏ ở cuối đường Yên Phụ. Lát sau, anh Đồng cũng tới. Chúng tôi nghỉ đêm tại đây để tránh sự kiểm soát giấy tờ của bọn cảnh sát.

Sáng sớm hôm sau, anh Đồng và tôi ra ga Đầu Cầu, lên xe lửa đi Lào Cai. Vé tàu đồng chí Minh lấy cho từ trước. Cả hai chúng tôi đều không đem theo hành lý. Lên tàu, mỗi người ngồi một nơi. Tôi lấy chiếc kính râm ra đeo cho mặt hơi khác đi và dễ quan sát (...)

Ngồi trên con tàu ra đi, nghĩ đến lúc đã qua biên giới, cảm thấy như trời sẽ cao hơn, đất sẽ rộng hơn, cánh chim sổ lồng tha hồ vùng vẫy. Xen với niềm phấn khởi đó, cũng có những lo âu, không biết từ đây đến biên giới có thoát khỏi tay bọn Pháp không. Không hiểu điều kiện hoạt động ở bên kia ra sao (...) Thêm vào với những phấn khởi, lo âu đó, là sự bồi hồi khi phải xa những người thân, xa đất nước, xa quê hương.

Hai chúng tôi dừng lại một đêm ở Yên Bái, chờ đồng chí Minh, người dẫn đường vượt biên giới, đi chuyến tàu sau.

Sáng hôm sau, đồng chí Minh tới. Chúng tôi cùng lên tàu tiếp tục đi Lào Cai. Khi tàu đỗ cách thị xã một ga, chúng tôi xuống. Đồng chí Minh dẫn đi bộ vòng quanh thị xã tới bờ sông Nậm Ti. Con sông ở quãng này là ranh giới giữa Lào Cai và Vân Nam.

Chúng tôi ngồi nép trong một bụi lau bên bờ sông đợi đồng chí Minh đi chuẩn bị. Anh kiếm đâu được một chiếc bè nhỏ, chèo sang sông trước. Anh vừa lên bờ bên kia thì một chiếc ca-nô của lính đoan Pháp đi tuần xình xịch tới. Chúng tôi ngồi nhìn hồi hộp. Bọn Pháp đi khỏi một lát, đồng chí Minh lại chèo bè trở về đón chúng tôi.

Bè nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được hai người. Anh Đồng bảo tôi sang trước. Đã sắp đến mùa nước. Dòng sông Nậm Ti chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Đồng chí Minh ra sức chèo chống một lúc, đưa được tôi sang bờ bên kia. Tôi quay lại nhìn những núi non trùng điệp của Tổ quốc nằm bên kia sông, u ẩn sau màn sương. Tình cảm lúc này thật khó tả. Non sông kia là của mình, nhưng lại nằm trong tay quân địch. Lúc phải xa đất nước, xa quê hương, cũng lại là lúc cảm thấy vừa thoát được vòng tù hãm...

Đồng chí Minh đưa anh Đồng và tôi vào nhà một gia đình người Trung Hoa. Tại đây, chúng tôi thay quần áo mặc khi ở nhà ra đi bằng hai bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn, cao cổ, màu xám sẫm. Cả hai chúng tôi đều đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng ở nước ngoài mới về.

Ngay tối hôm đó, ra ga Hà Khẩu, tiếp tục đi luôn Côn Minh (...) Hai ngày sau, tới Côn Minh. Anh Vũ Anh và anh Hoàng Văn Hoan đón tại sân ga (...) Chúng tôi đến chỗ ở của anh Phùng Chí Kiên. Anh Kiên khi đó là ủy viên Trung ương của Đảng ta, công tác tại nước ngoài.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 11-15. Nhan đề phần trích tạm đặt).