Dĩ nhiên là Vũ Bằng có lơ đãng đi một chút: dù gỗ mục, tưởng cũng khó đập cho vỡ bằng một “cánh hoa”, trừ khi là hoa giả, làm bằng sắt!

Ờ, nhưng mà có lẽ chính cái chi tiết không thể có thật ấy nó lại là một thứ bằng chứng về cái mức độ “không biết bao nhiêu” của nỗi nhớ quê trong Vũ Bằng. Khi người ta nhớ quá khứ đến mức nào đó thì người ta có còn thiết nghĩ đến bất cứ cái gì ở hiện tại nữa đâu: ví với von có không chính xác, cũng cứ mặc kệ.

Trong lời “tự ngôn” của
Thương nhớ mười hai, ngoài cảm xúc dạt dào là phần chính, còn có chút lý luận, chút triết lý về sự yêu, sự nhớ. Vũ Bằng biết mình vì yêu quá, nhớ quá, mà sinh chủ quan, bất công; ông phân trần, nhưng ngay lập tức ông cho biết “tôi yêu mến luôn cả sự bất công đó” và “tôi cảm ơn sự bất công đã cho tôi nhìn thấy rõ lòng tôi yêu thương Hà Nội đến chừng nào, Hà Nội ạ”!

Tình cảm sâu sắc, sôi nổi thế, mà đem viết ra... “Thôi, bây giờ mặc cho ngòi bút đưa đi, đến đâu hay đó...” Còn đến đâu nữa, ngoài đến bến tùy bút!

(Thu Tứ)



Vũ Bằng, “Tự ngôn”



Thoạt đầu ai cũng tưởng chẳng làm sao. Cùng là đất nước, đi đâu mà chẳng thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm?

Vậy mà không: lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo.

Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.

Sè-goòng, Phú Lâm, Bình lợi, Chợ Lớn, Lồ Ồ... vui quá, cứ uống rượu mạnh thế này, nghe con hát đàn vừa múa vũ vừa ca, lại cập kè với gái hơ hớ như trăng mới mọc thế này, thì sao lại có thể rầu rĩ được? Ấy vậy mà một buổi chiều trở gió kia, ngồi cúi xuống lòng để hỏi chuyện tim mình, ta cảm như có hàng ngàn vạn con mọt nhỏ li ti vừa rung cánh o o vừa đục khoét con tim bệnh tật. Và tự nhiên ta có cảm giác rằng thân thể ta, không biết từ lúc nào, đã bị mối “xông” và đang đi đến chỗ mọt ruỗng, rã rời tan nát.

Một nỗi buồn se sắt xâm chiếm đầu óc ta. Buồn thì ngâm thơ:

Biệt ly ai kể siết lời,
Vì hoa cách mặt cho người thương tâm.
Người đưa rượu hỏi thăm Bành Trạch,
Kẻ say trăng tìm khách Ðào, Chu;
Nào ai trang điểm mầu thu,
Hoa vàng chén bạc tạc thù với ai?
Miền Dữu Lĩnh tin mai gắn bó,
Ðỉnh Cô Sơn mối gió đợi chờ
Muốn mang chén rượu, câu thơ,
Lạnh lùng trong tuyết, hững hờ dưới trăng...


Ngâm thơ lại càng buồn, mình chán nản không để đâu cho hết. Sự chán nản không tên tuổi, không lý do, ví có muốn nói ra với người ở cạnh cũng không thể được.

Tại sao lại buồn? Tại sao lại chán?

Không biết tại làm sao cả.

Người bạn mây nước, gặp gỡ ở phương trời hiểu sao được những u uẩn đó nên người xa nhà cũng chẳng buồn nói ra làm gì. Gió về đêm lạnh tê tê, nước đập vào bờ dào dạt và ở bến nước nào người ta cũng khổ. Thương nhau, muốn an ủi lẫn nhau, mà không dám nói, hay không biết nói ra thế nào. Người đẹp chỉ còn biết cúi đầu xuống thở dài, còn người đàn ông thì im lặng, đưa cặp mắt như mất thần nhìn vào bóng đêm mịt mù có tiếng dế kêu giun khóc. Cái buồn, cái chán cứ như thế mà kéo lê thê ra mãi.

Cho tới một ngày kia... đang ngồi trong một tiệm ăn hẻo lánh ở trên sông Tân Thuận, trận mưa đầu mùa trút nước xuống phố phường. Những người Bắc Việt ngồi ở những bàn ăn gần đó nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ, tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi bầu không khí nặng nề lúc đó, bèn kiếm một câu gì để nói.

Một người bảo:

“Ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu hè đấy nhỉ.”

Một người khác:
“Thế nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia, bà ạ.”

Một người khác nữa:

“Cái gì cũng khác hết. Thôi, đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây.”

Người bạn phương trời liếc nhìn ông bạn trai đứng cạnh: hai người lặng im chẳng nói, vì nói chẳng ra lời, nhưng cùng cảm thấy như có một thứ điện kỳ lạ truyền cảm đi khắp người.

Thì ra không cần nhiều: chỉ cần một câu nói rất tầm thường vào một buổi chiều mưa gió đìu hiu cũng gợi lên được những ấn tượng rầu rĩ trong một tấm lòng có mối xông.

Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm mát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may, giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.

Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào, nhớ sen Linh Ðường thơm ngào ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phước, cam Bố Hạ, đào Chapa, mà nhớ xuống.

Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn-xuân-la trồng ở bên giậu trúc, nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thồ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo...

Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!

Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi với người vợ bé nhỏ, bồng con ở trên tay để đi đến thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn “Bìm Bịp” bây giờ ra thế nào? Trên con đường Phú Thọ, Yên Báy, Lao Kay các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ và các cô con gái ngăm ngăm da dâu có còn nắm lấy tay các khách du mà ví von ca hát không cho về? Ở trước cửa chợ Ðồng Xuân, có còn chăng những hàng nước chè tươi; ở chợ Hôm, những hàng phở gánh bán cho khách ăn đêm; và ở trên khắp các nẻo đường, những người đội thúng, cầm một chiếc đèn dầu ở tay, lặng lẽ đi trong đêm rao “giò, dầy”?

Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể là chàng trai nhớ gái: bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết.

Ai bảo kẻ vắng mặt chịu thiệt thòi? Tôi thấy rằng càng vắng mặt bao nhiêu thì lại càng thương yêu gấp bội; chỉ có kỷ niệm là đẹp thôi, chớ hiện tại bao giờ cũng kém phần tươi tốt.

Nhưng thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu? Tại sao lại không chịu yên vui với hiện tại, tiếc nuối làm gì vô ích? Lịch sử không đứng yên một chỗ bao giờ.

Cái đã đi là cái đã mất. Ðành vậy. Lấy hiện tại so sánh với quá khứ, e bị chủ quan mà có sự bất công.

Tôi cũng biết có sự bất công, khó tránh. Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi. Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại chẳng bất công như thế?

Tôi yêu mến luôn cả sự bất công đó và trong mười hai tháng với mười hai cuộc đổi thay của tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ, tôi cảm ơn sự bất công đã cho tôi nhìn thấy rõ lòng tôi yêu thương Hà Nội đến chừng nào, Hà Nội ạ!

Ngày xưa, con gái quan thừa tướng, ngồi ở trên lầu cao nghe tiếng hát anh lái đò mà mê, nhưng vì không duyên kiếp nên hai người không lấy được nhau. Anh lái dong con đò ra khơi, đánh đắm đò mà chết rồi nhập hồn vào một cây bạch đàn. Quan thừa tướng thấy cây đẹp, sai đẵn về tiện thành bộ đồ trà tuyệt đẹp. Mỗi lần cô gái cầm chén trà lên uống thì lại thấy hình bóng anh lái đò hiện lên trong chén trà:

Không cầm lấy chén thì thôi.
Hồ cầm lấy chén lại thấy người hò khoan.


Bây giờ, người xa cách Bắc Việt lâu ngày cũng vậy: ăn một tô hủ tíu thì nhớ đến phở Bắc “chính cống” ăn vào một buổi sáng rét căm căm; trông thấy cua bể thì lại nhớ bát canh cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ; gặp một ngày bão rớt thì lòng lại buồn rười rượi, nhớ đến thu sơ với gió may, hoa vàng. Trời tháng ba, nhớ hội hè đình đám, con gái hát ví nghe thật là hay, đàn ông đánh vật xem mà sướng mắt; tháng bẩy, nhớ mưa Ngâu rả rích buồn như lòng người khuê phụ nhớ chồng; tháng tám, cũng thưởng bánh Trung Thu, cũng cộ đèn, nhưng lại nhớ trăng Cổ Ngư và thèm cái cảnh tưng bừng nhộn nhịp ở Hàng Gai, Hàng Ðào, Hàng Mã...; tháng một nhớ đến gió ở Ðọi Ðệp lúc tản cư, mặc áo trấn thủ ngoài khoác va-rơ đi như muốn bay lên trời mà miệng vẫn không ngớt ngâm bài Tây Tiến; tháng chạp nhớ những con đường ẩm ướt, nhớ mưa phùn rét căm căm, hai vợ chồng lên Ðông Hưng Viên ăn một bát “tam sà đại hội” khói bốc lên nghi ngút.

Mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ nhung riêng. Mỗi cảnh bầy ra trước mắt mình lại nói lên những niềm thương yêu cũ, làm thế nào mà giữ mãi ở trong lòng cho được?

Tôi ghi lại Thương nhớ mười hai không nhằm mục đích gì cao rộng, chẳng qua chỉ là đánh dấu những ấn tượng hiện ra trong trí óc những buổi mây chiều gió sớm, “sầu biệt ly vơi sáng đầy chiều” thâu nhận được trong khi lạc bước trên những nẻo đường chật ních những người bận rộn bên cạnh những ngoại kiều ăn mặc như phường chèo, nói “líu lô buồn nỗi khó nghe”!

Ới những người thiên lý tương tư! Nếu bất ngờ những dòng sau đây có lạc vào tay bạn, mà thấy nói được lên một mối cảm hoài của bạn vẫn chất chứa ở bên lòng, thế là kẻ viết bài này lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Ðời mà có một người vui cái vui của mình, buồn cái buồn của mình chẳng là đủ rồi sao? Có tâm sự trong lòng, lặng nhìn nhau không nói mà cùng cảm biết, thế chẳng là đủ rồi sao?

Thôi, bây giờ mặc cho ngòi bút đưa đi, đến đâu hay đó...


(Trong
Thương nhớ mười hai)