Phần đầu của Chùa Đàn dựng cái duyên cớ khiến một người phải kỳ công đi rước cho được một tiếng hát về để cho một người nghe.

Phần thứ hai sau đây kể cái kỳ công ấy. Bá Nhỡ đến cầu Cô Tơ tất cả ba lần, y như Lưu Bị “tam cố thảo lư” Khổng Minh. Trước lần gặp thứ nhất là công phu liều chết đi tìm; giữa lần thứ nhất và lần thứ hai là “tử công phu” luyện lại ngón đàn đáy; sau lần thứ hai là công phu tự chất vấn mình căng thẳng đến nỗi tóc hóa bạc không chừa một sợi!...

“Ta có nên quyến luyến với cái thể xác ta nữa không? Ta thử nghĩ xem ta có còn để dành ta vào việc gì khác không? Hay những ngày mai ngày kia cũng chỉ là sự tái diễn của ngày này thôi! (...) Hình như ta sắp đọc thấy cái ý nghĩa của thời giờ ta đang tiêu đây. Ta học nghề đàn, ta phải đánh lên thành tiếng, dẫu rằng đời chơi đàn của ta chỉ vẳng được lên có một lần (...) cầm đến cây đàn Chánh Thú ấy mà đánh lên thì cái thác của đời tằm nào mà chẳng là say sưa. Nhả cái tơ lòng ấy ra, đánh lên cái tơ ấy cho dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh! (...) Đã nhìn thấy cây đàn cũ ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy - để rồi xem nó thành được ra tiếng gì”.

Hạ quyết tâm rồi, Bá Nhỡ ngồi đối ẩm với Cậu Lãnh, vừa rượu vừa đàn cho cậu nghe chơi ngón đàn mình vừa luyện xong sắp sửa đem đi thuyết phục Cô Tơ:

“Hơi rượu ủ lấy hơi tơ. Tiếng gảy kẹp lấy tiếng rót. Thời gian thản nhiên lướt trên hai cái tâm sự. Một người uống để kéo dài đời mình ra bằng sự nhớ thương một cái bóng trắng. Một người đánh đàn để càng cảm thấy rằng đời mình rồi sắp là cuộc đời của một sợi tơ do tay mình cấu đứt”.

Ở nhà Cô Tơ, sau chuyến thăm thứ hai của Bá Nhỡ, tình hình cũng không yên ổn gì cả. Nhà vốn có một con ma là ông Chánh Thú chồng quá cố của cô và một cây đàn đáy ma là đàn của ông.

“Đêm nọ gần về sáng, Cô Tơ nửa thức nửa ngủ chờn chợn nghe thấy tiếng người rón rén đi từ trong buồng thờ ra. Cô quay mặt lại phía cửa màn thì đã thấy ông Chánh Thú đứng sững đấy, áo xô gai rộng tay và hoen ố (...) Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập loè. Cô Tơ lại gần nhìn mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt. Chất ấy đọng thành giọt ở các đầu dây và loé tia xanh lạnh lên dưới cái sáng chờn vờn của lửa con đóm”.

Có một người còn sống đang quyết chết là Bá Nhỡ. Có một hồn ma đang quyết bắt Bá Nhỡ chết là hồn Chánh Thú.

Công việc dàn dựng đích đáng cho một chầu hát phi thường coi như đã xong.

Trong phần chót của Chùa Đàn ta sẽ nghe.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Chùa Đàn” (2)



Nghe nói Cô Tơ dọn nhà hát ở bất cứ chỗ tỉnh thành nào là Bá Nhỡ lộng hiểm mà tìm đến, chấp cả cái việc người ta có thể dò biết cái án cũ tử hình còn treo trên đầu mình. Đi thông mấy tỉnh mà đều không được gặp, Bá Nhỡ bèn tìm hẳn về làng nguyên quán Cô Tơ. Quả như điều dự đoán, Bá Nhỡ đã gặp người danh ca, ở một nếp nhà gianh vùng quê Nhộn. Ông Chánh Thú - chồng Cô Tơ - mất đi rồi là Cô không dọn nhà hát ở tỉnh nữa, lùi về quê sống cái đời người thôn nữ làm việc với đồng áng sương nắng hai mùa. Lúc Bá Nhỡ lần về đến quê Nhộn thì Cô Tơ đang làm cỏ ở ruộng ngoài chân đê, phải cho người đi tìm về.

- Cô đã về. Có lẽ Cô quên tôi rồi. Tôi ở trên ấp Mê Thảo mà Cô đã có lần lên hát, cách đây gần ba năm.

- Ông tha lỗi cho. Chúng tôi quên mất thật. Đời chúng tôi đi hát nhiều nơi quá, thật không nhớ cho hết được. Dạ ông cho tìm về, hẳn có điều gì dạy bảo?

- Chúng tôi đi mấy tỉnh tìm Cô. Nay được gặp, thật cũng bõ cái công lặn lội. Chúng tôi muốn thỉnh Cô về trên ấp chúng tôi hát một buổi.

Cô Tơ không trả lời ra sao, đẩy chén nước mời về phía Bá Nhỡ, tay sửa lại vành khăn tang. Giời chiều đã nhuộm vàng cây cau ngoài sân, chủ nhà xin phép ông khách cho lùi sang buồng bên để thắp tuần hương chiều thường lệ ở một cái bàn thờ. Lúc trở ra, ngồi ăn giầu, Cô Tơ nói chuyện với khách: “Chẳng nói giấu gì ông, từ khi ông Chánh nhà chúng tôi mất đi, chúng tôi không cầm đến lá phách nữa. Bất nhẫn lắm, ông ạ. Bởi vì hát lên thì lại động đến vong hồn người đàn ngày xưa, ông ạ. Không biết ông có nghe qua đàn ông Chánh nhà chúng tôi lần nào không nhỉ! Tội lắm ông ạ. Bây giờ, chúng tôi giải nghệ rồi, sống cái đời góa ở chỗ thôn quê, được cái cũng nhàn và đủ ăn đủ mặc. Phần ngựa xe trên tỉnh, chúng tôi nhường lại cho các chị em đồng nghiệp còn trung thành với nghệ với tổ.”

Bá Nhỡ tưởng đấy là một câu khách sáo, cười một cách giao thiệp. Sẵn cơm rượu bưng ra, Bá Nhỡ ăn uống tự nhiên như người nhà và nhân tiện ngày hết đã lâu, cũng nhận luôn lời chủ nhà giữ lại nghỉ đêm ở đấy. “Ở vùng chúng tôi, hàng quán xa quá và không được tươm tất. Chẳng mấy khi ông về đến đất cổ lậu này, mời ông nghỉ chơi lại, sớm mai hãy đi. Đêm hôm ông có cần dùng điếu đóm nước nôi gì, xin cứ gọi đứa bé nằm ở chõng tre kia.” Thế rồi chủ nhà kiếu lùi xuống nhà ngang và Bá Nhỡ cũng đi ngủ ngay, định ngày mai sẽ nói chuyện tiếp với Cô Tơ về nhật kì khởi hành lên ấp và định về chỗ tiền thù lao.

Sớm ngày sau, sau tuần nước, lại có cơm rượu bưng ra nữa. Cô Tơ xin phép ăn riêng ở nhà ngang. Lúc Cô Tơ trở lên thì Bá Nhỡ đang ăn tráng miệng, nhồm nhoàm nói: “Vậy hôm nào Cô lên được ấp chúng tôi, xin Cô nhất định cho để chúng tôi cho người về đón.”

Cô Tơ cười nhẹ và khoan thai nhắc đúng lại những câu hôm qua đã nói với ông khách. Cô thêm: “Chẳng mấy khi ông lần về đây tìm chúng tôi, thực là quý hóa quá. Không nhận được nhời với ông lên hát trên ấp, thật là phụ cái bụng quý của người tri âm lắm. Nhưng không thể làm sao được. Ông miễn chấp cho.” Bá Nhỡ chào ra về, bụng nghĩ có lẽ Cô Tơ không nhận nhời ngay vì chưa có người kép nào xứng đáng để cùng lên ấp, đi với người đàn kém sợ phí tiếng đi. “Thì ta sẽ làm người kép đó trong một buổi chứ sao. Ta không rõ ngón đàn ngày trước của ông Chánh Thú chồng cô ta ra sao, nhưng Bá Nhỡ này có cầm đến cây đàn đáy thì cũng không đến nỗi là những tiếng bật bông. Rồi xem. Có lẽ ta đánh đàn đáy vào hôm đó. Đỡ được một tay kép ngoài. Cuộc vui sẽ thân mật hơn. Và ý Cậu nhà cũng chỉ muốn ít người thôi.” Trên con đường trở lại Mê Thảo, người quản ấp vui tươi như hôm vừa rồi thấy Cậu Lãnh đòi uống lại.

Một tháng ròng, Bá Nhỡ cho đón một người kép nghiện về ấp để luyện lại ngón đàn đáy, cung đốn thầy đàn quá là phụng dưỡng cha già, chỉ đinh ninh hễ thành thuộc hết cái bí mật của nhà nghề, khi đã ghim được rồi, là sẽ hạ sơn đón Cô Tơ mà sóng tơ mình với trúc người, - ít ra là một lần này - để Cậu Lãnh có dịp đầu thai lại vào đời sống.

Mà tập đàn đáy đến như Bá Nhỡ thì tức là cướp cả nghề của kép nghiện đấy. Bá Nhỡ không thèm buông một tiếng tơ nào. Đã bấm đến tiếng đàn nào thì tiếng đàn ấy cứ chín nục đi. Không một chữ nào sượng. Tưởng có đi đàn thờ ở một cửa đình nào, thì ông thần làng lấy giải cũng không bắt được Bá Nhỡ đàn lỗi ở bất cứ khổ nào. Trông Bá Nhỡ thắt cổ chó mỗi lúc nối dây, xinh đáo để. Mà người tỉ mỉ đến thế là cùng. Không một bộ phận cỏn con nào của nhạc khí lôi thôi kềnh càng ấy mà Bá Nhỡ không thuộc. Không nói gì đến cái quá giang cái thú của đàn, đến như cái mõ phím đàn, cái vú đàn, Bá Nhỡ cũng tò mò đến. Thế rồi những ngón đàn như vê, lẩy, chụp, vuốt, nhấn, những tiếng thoảng, những chỗ xoè, Bá Nhỡ đều nhập tâm cả coi cũng như là công việc sổ sách hàng ngày trong ấp tằm.

Bá Nhỡ đi nài lại một cây đàn đáy cũ, thành bằng gỗ trắc đã lên nước, tang bằng gỗ ngô đồng Chiêm Thành. Gỗ mặt đàn in sâu những thương tích của nghề do cái đầu gảy muôn thuở của các bực tiền chủ đàn đã cẩn mãi vào tang. Bá Nhỡ lìa Mê Thảo, ôm cây đàn cũ ấy về quê Nhộn.

Lần này, gặp Cô Tơ, Bá Nhỡ nói ngay: “Có lẽ Cô sợ không có người đàn nên lần trước, thỉnh Cô, Cô không chịu đi. Lần này tôi đem luôn cả đàn xuống, đàn thử Cô thẩm âm mấy khổ, hễ Cô thấy không đến nỗi sượng lắm, thì Cô nhận lời mời nhé!”. Thế là ngồi vặn trục, thử lại dây, Bá Nhỡ đàn luôn.

Tùng tung tếnh, dênh dênh a dênh
Tùng tung tùng tung tùng tếnh tùng tung tụng, tung tùng tếnh
                                                           tùng tênh tùng tung (xoè)
Tùng tếnh tang tùng tang, tùng tang tếnh tang
Tếnh tênh tang tùng tếnh tênh tang
Tếnh tùng tếnh tênh tang
Tùng tếnh tùng tênh tang (xoè)


Đầu tiên, Cô Tơ còn bỡ ngỡ với những tiếng đàn mà đến mấy năm nay Cô coi như là việc cổ tích đã cất vào cái tủ mọt nào rồi. Ông Chánh Thú chết, Cô liền không cho tai mình nghe bất cứ tiếng đàn nào của người đàn ông nào. Cô chưa hết ngẩn ngơ thì Cô đã phải chú ý đến ngón đàn khuôn của ông khách. Những chỗ buông bắt, sao mà giống cái nghệ thuật ngày xưa của ông Chánh Thú đến thế. Miệng Cô mấp máy, cổ họng muốn dặng hắng, Cô muốn hít hơi cho đầy hai lá phổi. Cánh mũi cô phập phồng nhẹ, Cô muốn hát vo theo những khổ đàn của Bá Nhỡ cứ như thấm mãi vào người. Cô muốn quỳ xuống mà lạy tổ muôn lạy và hối vì đã có ý muốn giải nghệ. Bá Nhỡ để nằm cây đàn xuống giường, đầu dọc đàn đụng vào tà áo người chủ nhà góa. Cô Tơ nhích ra, thở dài.

- Cô có thể cùng đi với tôi lên trên ấp ngay giờ chứ?

- Biết nói thế nào cho phải với ông bây giờ. Chúng tôi cũng chẳng lấy làm cao quý gì cho lắm để ông phải vời đến mấy lần. Ngày trước thì lại chẳng được gặp những bực như ông cho. Tôi không thể nào đi hát được nữa ông ạ.

- Đàn tôi còn non, Cô sợ tôi không ghim nổi chăng?

- Không phải. Đàn ông chín lắm. Nghe đàn của ông, đến người đá đấy cũng phải bật ra tiếng hát. Tôi nói thực đấy ông ạ.

- Vậy sao Cô không chịu nhận nhời mời! Phách, tôi chắc Cô không quên được rồi, dẫu có bỏ lâu ngày đến đâu đi nữa. Hay là Cô chưa được khỏe?

- Thưa ông, tôi không đau ốm gì cả. Thôi ông chịu phiền vậy. Để tôi cho tìm một người bạn tôi ở thôn dưới về ấp hát hầu các ông nghe vậy. Cũng gần đây.

- Nếu Cô không nhận nhời cho thì Cậu Lãnh chúng tôi cũng không dám phiền đến ai. Nếu Cô ngại điều gì, thì chỉ dám phiền Cô cất công đi cho một lần này thôi. May ra mà Cậu Lãnh tôi khỏi được, thì chúng tôi chịu ơn Cô nhiều lắm.

- Nghe hát, khỏi được! Khỏi gì ạ? Ông nói thêm cho chúng tôi rõ.

Bá Nhỡ liền đem tình cảnh ấp Tháo và bệnh tình chủ ấp kể tường tận cho người đào nương nghe. Cô Tơ lấy làm suy nghĩ quá.

- Thế này ông nhá. Đáng nhẽ thì chúng tôi cũng không nói ra. Vì nó là một câu chuyện kín ở trong nhà, riêng đối với một người đã khuất. Nhưng ông đã đem việc trên ấp mà kể cho chúng tôi nghe, chúng tôi cũng không dám giấu ông về cái tâm sự của tôi nữa. Và khi tôi thuật xong ông nghe rồi, ông đừng nhắc lại chuyện lên hát trên ấp ông nữa nhá!

- Xin Cô cứ kể cho nghe đã.

- Đây là một câu chuyện nhà, tưởng không bao giờ có thể bận đến tai ông. Số là lúc ông Chánh nhà chúng tôi nằm xuống, vợ chồng thương yêu nhau quá mà không làm thế nào để cưỡng lại được mệnh giời, chúng tôi có thề độc với nhau một câu. Là vắng chồng rồi thì thề không uốn một tiếng hát nào cho thiên hạ nghe nữa, trừ phi... trừ phi lại có người nào dám cầm đến cây đàn đáy cũ của chồng tôi mà đàn lên lúc tôi gõ. Lắm lúc nhớ tiếng hát mình quá và lại thêm công việc nhà nhiều khi thiếu sự chi dùng, chúng tôi cũng có ý rời quê lên tỉnh để dọn nhà hát lại. Nhưng cứ nghĩ đến nhời thề đối với cây đàn của chồng mà lại không nỡ, mà lại không dám...

- Tôi ngắt Cô một chút. Thưa Cô, tôi tuy không tài giỏi bằng ai, nhưng tôi dám đàn vào cây đàn của Ông Chánh Thú. Ít ra là một lần trong đời tôi. Tiếng đàn hay hay không hay là ở ngón đàn của người đánh chứ có phải là của riêng nhạc khí đâu. Nếu có chiếc đàn của ông Chánh đấy, xin phép Cô cho tôi thử một vài khổ, xem nó khó khăn đến thế nào.

- Ông để tôi nói tiếp. Nguyên cây đàn đó hình như có phù chú yểm bùa biếc gì ấy. Tang đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh. Hồi còn mồ ma nhà tôi, cái đàn ấy cũng đã sinh ra nhiều chứng lắm rồi. Về sau này, cứ vào những đêm tối giời không tiếng gà gáy chó kêu và thứ nhất là vào những đêm áp ngày giỗ nhà tôi, thường cây đàn vẫn dở giời, thành đổ mồ hôi cứ vã ra như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở dài và vật mình vật mẩy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm. Thấy thế mãi rồi nó cũng quen đi, chứ mấy lúc đầu, tôi sợ lắm. Vả chăng, vì có sự nhớ thương mà rồi cũng đỡ cái nỗi kinh hãi đi.

- Cây đàn ông Chánh đổ mồ hôi và thở dài?

- Vâng. Tôi không dám buộc ông tin những điều ấy. Nhưng việc đó ở nhà này, đàn bà chúng tôi thường vẫn thấy có sự linh ứng luôn luôn.

- Cô có thể cho tôi nhìn qua cây đàn ấy không? Hiện có ở nhà này chứ?

- Dạ vâng. Dựng ở cạnh bàn thờ. Nhưng tưởng nói qua ông nghe thế là đủ và chẳng cần ông phải xem đến.

- Không, Cô cứ cho tôi đứng cạnh nhìn qua. Với lại, Cô cũng nên cho tôi thắp một tuần nhang trước bàn thờ ông Chánh nhà. Tuy không được biết nhau lúc sống, nhưng có hề gì điều ấy. Cũng là một nòi tài tử cả mà. Lễ nhau một lễ cũng là điều phải.

Bá Nhỡ có một lối nói cứ xoắn lấy việc, không thể nào từ chối được. Vả chăng, người cũng có cái cốt cách phong nhã. Cô Tơ đành phải đưa một ông khách nhất kiến vào xem bàn thờ chồng và nhất là cây đàn cũ dựng đấy. Bá Nhỡ đang ngắm nghía cây đàn bụi bám đầy, mạng nhện giăng cả lên mấy sợi tơ dây - khom mình cách xa đàn độ một với tay - bỗng đàn cũ nổ một tiếng tách gọn như cái tiếng nứt dọc bóng đèn a phiến. Bá Nhỡ giật mình ngấc lên, lùi ra một chút. Thì ra một sợi dây vừa đứt phựt, nó đang soắn quấn và rung rung gởi lại vào phòng vắng ít dư ba của thanh âm dùng dắng rỉ rền.

Bá Nhỡ lặng lẽ thắp hương, khấu đầu làm lễ trước bàn thờ lạnh mộc. Bát hương nấu âm, tự nhiên các chân nhang đều cháy bùng lên và tàn lụn dần trên gio bát. Cô Tơ sợ quá và sắc mặt Bá Nhỡ cũng có tái nhợt đi. Trở ra ngoài phòng khách, Bá Nhỡ gật gù:

- Hồn ông Chánh có điều thiêng lắm đấy, Cô ạ. Thế rồi cây đàn còn những làm sao nữa, hở Cô?

- Năm ngoái, cũng có một người đến đây nằn nì tôi hát nói. Ông ta cũng sành đàn lắm. Nể quá, tôi gõ mấy khổ, rồi phải bỏ dở. Và cho đến bây giờ vẫn còn hối hận.

- Sao, sao, Cô?

- Ông ta đàn được mấy khổ vào cây đàn của nhà tôi...

- Cây đàn cũ của ông Chánh dựng trong buồng thờ vừa rồi?

- Chứ ông bảo còn cây đàn đáy nào khác nữa. Nghĩa là tôi đã thề với ông Chánh tôi như thế. Tôi cũng tưởng cứ làm đúng với lời thề thì không việc gì. Nếu tôi biết trước được có sự xảy ra thế thì tôi đã ngăn được ông khách ấy. Không nghe hát thì có ai chết bao giờ. Chứ cứ nghĩ như cái lần ông khách ấy nghe hát mà tôi thấy tội cho tôi quá. Cái mạng con người, ông ạ.

- Ông ta chết bên cây đàn?

- Tôi không nói đùa. Và xin ông trang nghiêm lại lối nói cho. Ông khách ấy không chết. Nhưng thành ra hỏng mất hẳn nửa bên người. Ông có muốn gặp lại cái người bán thân bất toại vì ca nhạc ấy, tôi chỉ chỗ cho ông tìm đến mà hỏi chuyện. Ông ta người vùng Bắc.

- Đầu đuôi câu chuyện thế nào, xin Cô cho được nghe rành rọt.

- Ông ta ngồi đàn mà tôi thì gõ. Không có ai cầm trống. Mới xong được câu mưỡu. Tôi mới buông dở chữ quê sau ở câu “Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê” thì thấy ông ta rùng mình mạnh, tay đàn lìa hẳn đầu gảy, cả người rung lên, mặt xám đi và mắt dại hẳn ra. Tôi vội bỏ cỗ phách đấy, chạy đến đỡ ông ta vì người ông ta cứ thế mà thỉu dần đi. Phải tìm ông thầy và đổ thuốc cho, ông ta gần sáng mới tỉnh lại và nói được, miệng lệch hẳn về một bên. Nhớ lại câu ông ta nói mà nhiều lúc tôi muốn xoay nghề. “Tôi đam mê đàn hát quá, không nghe lời Cô dặn qua về cây đàn thờ, để đến nỗi thành phế nhân, lỗi thật chỉ tại tôi. Giờ phiền Cô cho người đưa hộ tôi về nhà được thì tôi chịu ơn Cô thật là nhiều lắm.” Tôi có thuê cái võng và cậy hai người khoẻ mạnh võng ông ta về vùng Bắc. Võng ông ta vừa ra khỏi cổng nhà ngoài sân kia, thì bên buồng thờ bát nhang cũng hóa và cháy bùng lên như hôm nay ấy ông ạ.

Bá Nhỡ ngồi một mình cạn hết chén này đến chén khác, không có hỏi thêm nói thêm một câu nào, khi cáo từ Cô Tơ, chỉ nài chủ nhà phải nhận chỗ tiền đưa về sự phí tổn lặt vặt.

Về tới Mê Thảo, Bá Nhỡ vào thẳng buồng riêng mất một đêm một ngày, mắt không phút nào nhắm và cánh tay để trên trán đọng hẳn máu lại. Viêc tằm việc ấp, có điều cần kíp đến mấy, dân ấp cho người lên vấn kế, Bá Nhỡ cũng xua tay đuổi xuống. Thậm chí Cậu Lãnh cho đòi, Bá Nhỡ cũng không chịu lên, lấy cớ rằng khó ở lắm. Bá Nhỡ không ăn không uống, chỉ nằm dài thế mà nói chuyện riêng với riêng mình thôi.

“Như thế nghĩa là cầm đến cây đàn của Chánh Thú là phải chết. Nếu không chết thì cũng phải thương tổn đến thân thể như cái lão gì bên vùng Bắc. Ta có nên quyến luyến với cái thể xác ta nữa không? Ta thử nghĩ xem ta có còn để dành ta vào việc gì khác không? Hay những ngày mai ngày kia cũng chỉ là sự tái diễn của ngày này thôi! Đổi tên đổi tuổi lên cái ấp nuôi tằm để rồi mà hết hẳn ở đây hay là hết ở một chỗ nào khác trong không gian? Cậu Lãnh đãi mình rất hậu. Đấy là một cái ơn tri ngộ. Ta muốn trở nên một chút ánh sáng, ta muốn trở nên một cái đốm lửa để làm bừng dậy lòng con người tê dại này. Có thể đấy là một cuồng vọng. Có thể chỉ là một cuộc thí nghiệm suông mà riêng mình chịu lấy phí tổn thôi. Nhưng cuộc thí nghiệm nào mà chẳng có trị giá. Hình như ta sắp đọc thấy cái ý nghĩa của thời giờ ta đang tiêu đây. Ta học nghề đàn, ta phải đánh lên thành tiếng, dẫu rằng đời chơi đàn của ta chỉ vẳng được lên có một lần, trong một trường hợp đặc biệt. Quái, sao cây đàn của Chánh Thú ám ảnh và thử thách ta đến thế! Cầm cái đàn ma quái ấy mà gảy để Cô Tơ hát, để Cậu Lãnh đánh trống! Ta muốn làm được việc ấy ngay bây giờ”. Bá Nhỡ nghĩ trước đến những nương dâu lá xanh um sau này mà mắt mình không ngó đến nữa. Bá Nhỡ nghĩ trước đến những lứa tằm chín - ruột đỏ trong suốt như hổ phách gọt mài - mà sau này tay mình không đụng đến nữa. Ý nghĩ Bá Nhỡ lúc này cũng là một ý nghĩ trả nợ đời và đời y lúc này cũng chỉ là một sự rút ruột con tằm. Có còn vương được tơ nữa về sau hay không thì chưa biết, nhưng rồi đây cầm đến cây đàn Chánh Thú ấy mà đánh lên thì cái thác của đời tằm nào mà chẳng là say sưa. Nhả cái tơ lòng ấy ra, đánh lên cái tơ ấy cho dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh! Bá Nhỡ muốn cười to một tiếng. Tiếng cười ấy không thành, nhưng Bá Nhỡ đã ngã vật được xuống. Và mắt người nằm đấy tuy không nhắm, nhưng lòng người ấy đang chiêm bao đến những giây khắc sắp tới của đời mình. Từng cái một, tóc người ấy trắng mãi ra như sợi cước.

Vô tâm đối với xung quanh đến như Cậu Lãnh mà cũng phải giật mình khi trông thấy cái đầu trắng xốp như mây của Bá Nhỡ đang động đậy và đưa gần mãi về phía mình, bên lối cỏ của tửu phần.

- Có hai hôm vắng mặt, mà sao đầu Em đã ngả bạc hết cả rồi?

- Cậu tưởng đời Em còn xanh lắm sao?

- Chết chửa, không còn gốc nào xanh. Em chịu khó xuống lại buồng riêng lấy gương soi mà xem. Tóc Em thật như là tơ trên đầu một vị tiên ông nào.

Bá Nhỡ lại muốn cười to, tâm bận với một chữ tơ. “Tơ tóc. Tơ trên đầu. Tơ trong lòng. Tơ đàn. Sợi tơ cây đàn nay mai ở nhà Cô Tơ. Tiếng tơ tiếng trúc của một bữa tiệc lên đường nay mai bằng cái đi muôn thuở của âm nhạc”.

Chủ ấp và quản gia đối ẩm, thân mật hơn mọi ngày. Chén rượu chen tiếng đàn. Nhân tiện, Bá Nhỡ cũng muốn ôn lại những khổ đàn đáy, tưởng như mình sắp đi thi làm quản nhạc. Hơi rượu ủ lấy hơi tơ. Tiếng gảy kẹp lấy tiếng rót. Thời gian thản nhiên lướt trên hai cái tâm sự. Một người uống để kéo dài đời mình ra bằng sự nhớ thương một cái bóng trắng. Một người đánh đàn để càng cảm thấy rằng đời mình rồi sắp là cuộc đời của một sợi tơ do tay mình cấu đứt. Thế mà lòng người đánh đàn quyết liệt ấy cũng vẫn cứ se thắt được để rồi lại tự nhủ thêm mình rằng: “Ta không vợ không con, đổi tuổi đổi tên họ, lẩn lút lần lữa nơi ấp người, trên đầu đội một bản án toà đại hình. Ta còn đợi gì nữa ở cuộc đời ta! Ta không chờ mong gì ai. Và tất cả cả các thứ tầu và chuyến tầu của cuộc đời này không chờ một kẻ hành khách cô độc đây. Có ai đưa ra được một lí lẽ chính đáng nào để ta không nhấn ngón tay vào phím đàn Chánh Thú! Đã nhìn thấy cây đàn cũ ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy - để rồi xem nó thành được ra tiếng gì”. Bá Nhỡ thấy cái cám dỗ của những phút muốn thử đến một cái gì, muốn thử mình với một cái gì.

Gần tàn tiệc đêm, Cậu Lãnh vụt nhớ đến cái thèm ước cũ: “À, hôm nào Em cho tìm Cô Tơ về ấp hát một buổi. Đàn của Em nghe chín lắm. Sao mọi khi không thấy Em chơi đàn đáy! Ừ, chưa có lần nào Em đánh đàn đáy. Có Cô Tơ hát thêm vào nữa, thì cuộc đời cũng không đến nỗi toàn là những chén “Vô Cố Nhân” đó Em ạ”.

Chủ ấp lại đòi vợi thêm nửa bì “Vô Cố Nhân” nữa để cho mặt giời rọi lệch ánh buổi mai rừng vào miệng những chén trào sóng còn sùi tăm. Đã trên dưới nghìn đêm rừng rồi, gà ở ấp Tháo chỉ có gáy chõ vào một chén rượu của một con người này.

Bá Nhỡ lại xuống núi, tay không mà xuống núi chứ không có đem đàn theo như lần trước. Lần này là lần thứ ba mà một người đánh đàn tìm đến một nếp nhà gianh để cầu một tiếng hát.

Trông thấy Bá Nhỡ bước vào nhà, Cô Tơ càng lo sợ nghĩ đến cái mộng hôm trước không khéo mà ứng vào ông khách trên ấp này đây. Đêm nọ gần về sáng, Cô Tơ nửa thức nửa ngủ chờn chợn nghe thấy tiếng người rón rén đi từ trong buồng thờ ra. Cô quay mặt lại phía cửa màn thì đã thấy ông Chánh Thú đứng sững đấy, áo xô gai rộng tay và hoen ố. Cô định vùng chạy đi thì hồn người chồng ra hiệu là không việc gì mà sợ. Ngồi men vào thành giường, cái hồn mặc đồ vải trắng bệch ấy phào phào với vợ: “Một ngày rất gần đây, sẽ có một người tìm đến để nghe mình hát. Cứ để cho người ấy đàn vào cái đàn dựng ở bàn thờ tôi. Mình đừng có ngăn giữ người ta. Mình phải hát cho người ấy đàn. Đàn xong thì người ấy lăn ra chết. Thế nghĩa là người ấy sẽ thế mạng cho tôi ở dưới cung Thủỷ Tinh này. Thì tôi mới được trở lên làm người dương gian. Đàn dưới này cho Diêm Vương trong mười vương phủ, tối tăm khổ sở lắm. Những thanh âm của ngục tối, mình ôi! Mình nhớ kĩ lấy để tôi được đầu thai về cái thế giới tơ trúc trên dương gian. Lần trước đã hụt mất một dịp đầu thai rồi vì mạng cái người bên Kinh Bắc ấy còn vững lắm, tôi bắt chưa được. Thôi tôi về đây”. Một luồng gió lạnh lay động lá màn. Cô Tơ ngồi hẳn dậy thì không thấy gì nữa. Và một điều lạ là trong buồng thờ lại có ánh đèn. Ai thắp? Bao giờ Cô cũng tắt đèn thờ trước khi đi nằm. Cô vào đến nơi thì có ba tiếng nứt tách rất dứt khoát. Ấy là ba sợi dây tiếu dây trung dây đại ở đàn đáy kế tiếp nhau mà cùng đứt. Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập loè. Cô Tơ lại gần nhìn mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt. Chất ấy đọng thành giọt ở các đầu dây và loé tia xanh lạnh lên dưới cái sáng chờn vờn của lửa con đóm. Cô Tơ thắp một tuần nhang bất thường và, đổ cỗ phách ra khỏi túi vóc, Cô gõ mấy câu hát thờ.

Công việc đồng áng của Cô Tơ vào sau giấc chiêm bao ấy có điều trễ nải hơn mọi khi. Rồi là thấy Bá Nhỡ vào nhà cô.

Sực nhớ lại mấy nhời trong mộng, Cô Tơ chỉ vội mời Bá Nhỡ uống nước, và bỏ mặc khách đấy, Cô lùi ngay vào buồng thờ châm đèn hương, thỉnh chuông và cầm hai đồng tiền gieo xuống đĩa xin âm dương, khấn: “Nếu mộng triệu ứng vào người khách chơi đàn trên ấp Mê Thảo đang ngồi ngoài kia, thì tôi muốn xin mình tha cho người ấy. Mình chờ đến người sau rồi hãy đầu thai lên lại với cuộc đời bằng thịt bằng xương thật này. Cũng không lâu gì đâu. Mình muốn lúc nào thì cứ báo mộng cho tôi là tôi tìm ngay được một người cầm vào đàn của mình mà đánh để rồi chết. Thiên hạ nào phải thiếu gì người cầm đàn chạy theo vợ mình. Có trôi sông cũng không hết. Nhưng đến cái người ngồi ngoài nhà kia thì tôi thấy không đang tâm. Tôi xin mình, mình chứng giám cho tấm lòng ngay thẳng và thương người của vợ mình. Tôi gieo tiền, mình bằng lòng thì một đồng sấp một đồng ngửa.”

Tiền khất đài một mặt bôi vôi, ba lần gieo xuống đĩa thì ba lần chỉ quay tít mà cười rồi lăn ngửa cả ra đĩa, chứ không keo nào được cả. Cô Tơ hoa mắt, nghẹn nơi họng và trong người như có ai đặt hoả lò. Rồi cô lặng cúi trở ra phòng khách, không dám nhìn thẳng vào Bá Nhỡ.

- Thưa Cô, tôi về ấp đã nghĩ kĩ rồi. Tôi sẽ đánh đúng vào cây đàn thờ dựng trong buồng. Sự gì sẽ phải xảy ra cho tôi, tôi vui lòng chịu lấy. Cô không nên lo sợ ái ngại gì cho tôi cả.

- Thưa ông... Thưa ông...

- Thưa Cô, tôi đã nhất định. Nếu tôi có tránh được cái việc đánh vào cây đàn ông Chánh, tôi thấy đời tôi nó cũng chẳng thêm hơn lên lấy được một điều gì. Có lẽ còn nhạt là khác nữa.

- Thưa ông...

- Thưa Cô... mà lần này chắc không còn có cách gì để Cô từ chối nữa. Vì Cô không phải lên hát tận trên ấp. Cô ngồi hát ngay ở bục kia. Tiện lắm.

- Thưa, không có trống?

- Điều đó, tôi đã tính rồi. Chừng vàng mặt giời thì võng Cậu Lãnh tôi sẽ có người cáng tới đây. Cậu Lãnh sẽ cầm chầu. Cô sẽ hát, tôi sẽ đàn - đàn ngay vào cái đàn ông Chánh. Thôi, Cô bảo dọn qua loa cho tôi cái gì để tôi uống mấy chén cho nó ấm bụng.

Trông người quản gia ấy nâng chén độc ẩm, người ta phải liên tưởng tới cốc rượu mạnh của tội nhân sắp lên đoạn đầu đài. Bởi vì, chốc nữa - chỉ một chốc nữa thôi - khi mà Bá Nhỡ cầm đúng cây đàn thờ ấy lên, hễ bắt đầu sòng lên ba tiếng tức là kí vào một bản án tử hình đấy.

Cả người Cô Tơ là một cõi bồn chồn không có biên giới. Cô ở nhà ngang chạy lên nhà trên, nhìn vào mâm rượu rồi lại nhìn trộm Bá Nhỡ và rồi lại chạy xuống. Cứ thế mãi. Cô muốn được trốn lánh đi đâu chứ không muốn là một niềm xúc cảm gì ở cái nhà này nữa. Cái sinh mệnh của người tự tống tửu cho mình kia chỉ đang treo vào một sợi... tơ! Và Cô sắp hát cho người ấy nghe để cho sợi tơ kia đứt phựt.