Tại sao phải “giành cho được độc lập”? Bởi vì nước Việt Nam có một nền văn hóa riêng với thành tích rực rỡ, tuyệt đối không phải làm “con” của bất cứ thằng giặc nào.

“Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường. Trước mắt chúng tôi là lá quốc kỳ rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng”.

Nếu hôm ấy trời mưa sùi sụt… Thì “trong lòng chúng tôi” cờ vẫn tỏa hào quang!
(TT)




Võ Nguyên Giáp, “Tổng khởi nghĩa!”




Tôi làm việc ở dưới làng, hàng ngày vẫn lên cơ quan của Bác để báo cáo.

Các đồng chí ở địa phương đã làm cho Bác một căn lán khá xinh xắn náu kín trong khu rừng nứa ở sườn đồi. Lán chia làm hai gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc vừa là chỗ để tiếp khách.

Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. Lần nào tôi lên cũng thấy Bác đang cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng.

Cao trào kháng Nhật cứu nước bấy giờ đã cuồn cuộn từ Bắc chí Nam. Ngay ở các đô thị lớn, như ở Hà Nội, thợ thuyền, học sinh, giới trí thức, người buôn bán đều tham gia rất đông đảo vào công cuộc kháng Nhật. Ảnh hưởng của chính phủ Trần Trọng Kim ngày càng tiêu tan, không thể giúp Nhật ngăn cản phong trào. Toàn thể nhân dân đang hướng về Việt Minh, trông chờ một cuộc chuyển biến lớn. Phát-xít Nhật ngày càng thua lụn bại. Không khí khởi nghĩa nóng rực.

Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho hai cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại biểu đại hội. Bác giục chuẩn bị từ tháng bảy. Tình hình đã khẩn trương lắm. Bác nói: “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp được với tình hình chung” (...)

Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền, Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khỏe, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký-ninh, Bác đã uống, mà không thấy đỡ. Thường khi, nếu không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ Bác phải chịu nằm, lại mê sảng luôn. Bấy giờ trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào. Hôm ấy Bác mệt lắm, tôi rất lo. Tôi nói “Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay”. Bác mở mắt và hơi gật đầu.

Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Chỉ có công việc! Bác nói về công tác củng cố phong trào: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”.

Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Hôm sau, tôi viết thư hỏa tốc về Trung ương. Tôi lại tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. Bà con nói gần đây có một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại gượng dậy tiếp tục làm việc ngay (...)

Ngày 11, 12, tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật.

Ngày 13 tháng 8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi đã ngừng chiến đấu.

11 giờ đêm 13, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội. Mệnh lệnh khởi nghĩa có mấy điểm chính:

1. Tập trung lực lượng đánh vào các đô thị mỗi một khi có điều kiện thắng lợi, đánh chặn những đội quân rút lui của Nhật.

2. Sau mỗi một cuộc chiến đấu, lập tức bổ sung và củng cố bộ đội, để lại một phần ba hoạt động trong địa phương; hai phần ba thì chuẩn bị sẵn sàng, đợi lệnh điều động đi tác chiến nơi khác.

3. Củng cố các căn cứ bí mật; quân lương, quân giới đều lập kho tàng; chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại.

Nửa đêm nhận lệnh, bộ đội và nhân dân reo mừng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để thực hiện nhiệm vụ lớn. Các đơn vị Giải phóng quân đóng tại Chợ Chu, Tuyên Quang được lệnh chuyển gấp về tập trung tại Tân Trào.

Ngày 14 tháng 8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp. Bác vừa dứt cơn sốt, gượng tới họp, người còn võ vàng. Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân (...) Để đạt mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân (...) tham gia phong trào cứu quốc, phải gấp rút vũ trang nhân dân (...) Hội nghị định ra nhiệm vụ quân sự cần kíp, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến (...)

Sang ngày 15, được tin đích xác Nhật hoàng đã ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam.

Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía nam. Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía tây.

Chiều 16 tháng 8, một đơn vị Giải phóng quân tập họp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về nam. Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào để tiễn đưa bộ đội lên đường chiến đấu. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng và những màu sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân (...) tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa (...)

Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường. Trước mắt chúng tôi là lá quốc kỳ rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng.

Đoàn quân Giải phóng rầm rập tiến về phía nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng.

Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!
Trời phương nam, dân chúng đang ngóng chờ...


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006)