Chân Mây vừa hợp vừa đẹp vừa thuần Việt. Sự tình cờ bóp nắn khéo quá. (TT)



Nguyễn Dư, “Chân Mây không phải chân mây”




Năm ngoái chúng tôi được anh bạn ở Đà Nẵng rủ đi chơi Huế bằng xe nhà. Tha hồ la cà đó đây. Thích đâu ngừng đấy (…)

Ghé Cảnh Dương ăn trưa (…) Cảnh Dương chưa có tên trong chương trình thăm viếng của các tuyến du lịch. Chưa trở thành “bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á”. Nhờ vậy mà (…) còn... dễ thương (…) Làng chài sinh hoạt lặng lẽ, bình thường. Hàng quán chưa bắt mọi người phải nghe nhạc đinh tai nhức óc. Bãi cát mênh mông, trải dài trước mặt (…)

- Chỗ núi nhô ra biển kia là Mũi Chân Mây.

Chân Mây! Nhà thơ nào đã tức cảnh sinh tình, khéo đặt tên cho vùng trời mây non nước? Chân mây cuối trời. Bóng nước chân mây... Thiên nhiên đẹp, buồn man mác. Chân Mây gợi nhớ xa xôi.

- Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời (Kiều)

- Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai?
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây (Chinh phụ ngâm)

- Chân mây mặt cỏ rầu rầu,
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương! (Trần Tuấn Khải)

Cả năm trời đã trôi qua mà vẫn còn nhớ bữa ăn tại Cảnh Dương. Nhớ Chân Mây thơ mộng. Nhớ quá hoá... tò mò muốn tìm hiểu thêm vùng đất này (…)

Cho đến cuối đời Tự Đức, nước ta không có địa danh Chân Mây. Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn chỉ có Cảnh Dương, vụng Chu Mãi, núi Chu Mãi, cửa biển Chu Mãi.

Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ vẽ năm 1834, đời Minh Mạng, có ghi tên Cảnh Dương, Chu Mãi bằng chữ Hán. (Chữ Chu, bộ Mộc, nghĩa là màu đỏ. Chữ Mãi, bộ Bối, nghĩa là mua) (…)

Chu Mãi hay Châu Mãi được Pháp bóp méo thành Choumay hay Chaumay.

Đến lượt mấy ông thông ngôn người Việt nhập cuộc, uốn nắn... tiếng Pháp.

May rõ ràng là... Mây. Chou Mây hay Chau Mây chỉ có thể là... Chân Mây bị viết sai! Từ đấy, nước ta có Mũi Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có vịnh Chân Mây. Tên rất lãng mạn! Nhưng không phải là chân mây của thơ văn.


(Nguyễn Dư, “Đa Kao, Đất Hộ, Kê Gà, Chân Mây”, trang
chimviet.free.fr, số 53, tháng 11-2013).